Theo chuyên gia, chất vàng ô tạo màu cho mỡ, da gia cầm là một loại chất màu cực độc, có khả năng gây ung thư, vô sinh cao và thiểu năng trí tuệ ở những thế hệ kế tiếp.

Bắt vụ trộn chất độc vàng ô cho gà ăn đẹp da

Trong thời gian gần đây, các đoàn Thanh tra chuyên ngành của Bộ NNPTNT đã liên tiếp phát hiện các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng một loại hóa chất mới để phối trộn nhằm "tạo màu" cho thịt gia cầm, có tên gọi là vàng ô (VAT Yellow), tên thương mại là Auramine O, còn tên hóa học là Diarylmethane

Trả lời phóng viên VTC News, PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện sinh học – công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, đây là một loại chất màu chuyên dùng làm ve quét tường trong xây dựng hoặc sử dụng để nhuộm màu vải.

Còn trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, chất vàng ô đã bị cấm tuyệt đối trên toàn thế giới, dù liều lượng ở mức ít hay thậm chí là cực ít, bởi nó có tính chất cực độc, có khả năng gây ung thư cực cao ở động vật và đặc biệt là ở con người.

{keywords}

Sử dụng chất vàng ô để phối trộn thức ăn chăn nuôi, vịt, gà sẽ làm cho mỡ, da (đặc biệt là da chân) và lòng đỏ trứng có một màu vàng bóng, trông rất bắt mắt - Ảnh minh họa

Vàng ô là chất thuộc nhóm anthraquinone, thường tồn tại ở dạng tinh thể hoặc ở dạng dung dịch đặc nhớt, có ánh kim, màu từ vàng nhạt đến vàng nâu, không tan trong nước mà tan trong mỡ và dung môi hữu cơ.

Do đó, khi sử dụng chất vàng ô để phối trộn thức ăn chăn nuôi cho gia cầm như vịt, gà sẽ làm cho mỡ, da (đặc biệt là da chân) và lòng đỏ trứng có một màu vàng bóng, trông rất bắt mắt đối với người tiêu dùng.

Chuyên gia thực phẩm Nguyễn Duy Thịnh cho biết, chất vàng ô có khả năng xâm nhập vào cơ thể rất nhanh và dễ dàng, tuy nhiên lại không phân hủy hết và trở thành chất tồn dư trong cơ thể của động vật ăn phải.

Nếu người nào ăn phải những con vật có tồn dư chất vàng ô thì lượng chất vàng ô tồn dư đó sẽ chuyển vào cơ thể của họ.

Và là một chất hóa tan trong mỡ nên vàng ô sẽ phá hủy gan của con người đầu tiên, khả năng ung thư gan là cực cao, sau đó là tới các bộ phận liên quan khác như thận.

Chuyên gia Nguyễn Duy Thịnh cũng nhấn mạnh, trong trường hợp chất vàng ô phối trộn vào thức ăn chăn nuôi sẽ không gây nhiễm độc cấp tính cho con người mà chỉ có khả năng gây nhiễm độc cấp tính ở động vật ăn trực tiếp.

Điều này có thể thấy được khi gà, vịt ăn phải quá nhiều chất vàng ô có thể dẫn tới vỡ gan, vỡ thận mà chết.

Còn ở cơ thể con người, với lượng chất vàng ô tồn dư được tích lũy dần thì phải sau một thời gian phơi nhiễm kéo dài với một lượng chất nhất định sẽ gây ra các bệnh như ung thư gan, thận, kèm theo các triệu chứng cấp tính như nôn, tiêu chảy, hôn mê và cuối cùng là tử vong.

Còn theo bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương - phó khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM, chất vàng ô là loại chất cực độc không được phép dùng trong thực phẩm bởi nó rất độc hại với cơ thể sinh vật nói chung và đã bị tổ chức Ung thư thế giới (IARC) xếp vào chất gây ung thư nhóm 3, tức là có khả năng gây ung thư cao.

Ngoài ra, chất này có thể gây kích ứng rất dữ dội, nếu tiếp xúc với da sẽ gây ngứa và bong tróc da, tiếp xúc qua đường hô hấp sẽ gây sặc, lên cơn viêm phế quản, qua đường tiêu hóa gây đau bụng, nôn ói, đau rát cổ, tiêu chảy.

“Điều đáng sợ là nó có thể tích tụ trong thịt của gia súc gia cầm, rất khó đào thải. Bên cạnh đó, vì chất này nguyên thủy được sử dụng trong công nghiệp nên cũng không được lọc hết kim loại nặng.

Người ăn phải những gia súc bị tích tụ những kim loại này nặng có thể chịu nhiều hậu quả như hư gan, mật, vô sinh hay bệnh mau quên, chậm phát triển trí tuệ. Ngoài ra còn có thể gây ung thư”, bác sĩ Phương phân tích.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện nay đang rộ lên hiện tượng các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng chất vàng ô để tạo màu cho thịt gà mà chủ yếu họ vẫn nhập về từ nước ngoài.

Điều này có thể thấy thời gian gần đây, đoàn thanh tra của Bộ liên tiếp phát hiện ra các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng chất Auramine, chất vàng ô để phối trộn thức ăn chăn nuôi bán ra thị trường với số lượng cực lớn.

Nguyên nhân chính của hiện tượng này xuất phát từ tập quán tiêu dùng của người Việt Nam hay thích ăn những thực phẩm có màu sắc bắt mắt, nên dân buôn đã đánh vào điểm này để cho gia cầm ăn chất vàng ô, hút thêm người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc sử dụng chất này chỉ giúp cho da, mỡ của gia cầm như gà có màu vàng bắt mắt chứ không tăng thêm chất dinh dưỡng cho thịt, thậm chí còn khiến cho thịt của chúng trở thành chất kịch độc.

Ông Dương cũng nhấn mạnh, người tiêu dùng nên thay đổi thói quen "ăn bằng mắt" vì đây có thể sẽ là nguyên nhân chính khiến họ sẽ sử dụng phải những loại thực phẩm chỉ đẹp mã ở bên ngoài, còn bên trong không những xấu mà còn rất độc hại.

Còn theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp, sau khi phát hiện vi phạm sử dụng chất vàng ô mới đây nhất là tại cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi Trường Phú tại TP Hải Hương, đoàn thanh tra đã thu 3 mẫu thức ăn chăn nuôi thành phẩm tại xưởng và 5 mẫu tại các đại lý để phân tích kiểm nghiệm xem có Sabutamol hay không.

{keywords}
Các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng chất vàng ô để phối trộn đang rộ lên như một hiện tượng

Các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng chất vàng ô để phối trộn đang rộ lên như một hiện tượng - Ảnh minh họa: VNE

Theo đó, Sabutamol là chất trong diện cấm sử dụng để thực hiện việc kích thích tỷ lệ nạc trong thịt lợn, đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi theo quyết định của hai tổ chức WHO (y tế thế giới) và FAO (nông lương thế giới) và có tác hại vô cùng nặng nề đối với người sử dụng về thần kinh, cơ và tim mạch.

Tuy nhiên, kết quả cho thấy một trong những mẫu lấy từ sản phẩm của Trường Phú có hàm lượng Sabutamol gấp những 75 lần tiêu chuẩn cho phép, 5 mẫu khác lấy ở đại lý Sơn Tây (Hà Nội) đều cho kết quả dương tính với Salbutamol.

Điều đáng nói đây đã là lần thứ 3 công ty này vi phạm việc dùng chất cấm không nằm trong danh mục được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi để sản xuất.

Về vấn đề này, chuyên gia thực phẩm Nguyễn Duy Thịnh cũng bức xúc :"Chất vàng ô không phải là chất gây độc cấp tính, tức không phải ăn vào là chết ngay, mà là chết dần chết mòn do quá trình tích lũy và phơi nhiễm hàng nhiều năm.

Vì vậy đối với những doanh nghiệp đã vi phạm tới 3 lần với mức độ nghiêm trọng như vậy, có lẽ không cần Bộ Nông nghiệp chỉ mặt điểm tên, cảnh cáo và xử phạt hành chính mà phải ra tay phạt thật nặng hơn nữa, quan trọng là Bộ có kiên quyết làm hay không mà thôi".

Theo VTC