Vietjet Air tiếp tục gia tăng thị phần về hành khách nội địa khi đạt con số 35,7%, tính đến nay. Cùng với sự tăng trưởng đáng kể lượng khách của Jetstar Pacific, rõ ràng, hàng không chi phí thấp tại Việt Nam đang lên ngôi.
Hàng không giá rẻ được mùa
Số liệu của Phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam - Bộ GTVT) cho thấy, 10 tháng đầu năm, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển được 25,6 triệu lượt hành khách, đạt mức tăng trưởng cao, gần 27%.
Cụ thể, Vietnam Airlines (VNA) chuyên chở 14,6 triệu lượt hành khách, với mức tăng chỉ 9,3%, còn vận tải hàng hóa lại giảm. Hệ số sử dụng ghế trung bình của hãng đạt 83,8%, tăng nhẹ so cùng kỳ 2014.
Trong khi đó, hàng không giá rẻ Jetstar Pacific (JPA) vận chuyển xấp xỉ 3,2 triệu khách, tăng gấp rưỡi (54,5%) và vận chuyển hàng hóa cũng tăng tới 57%. Hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 85,3%, giảm 2,7 điểm so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng khách nội địa bay Vietnam Airlines đang giảm dần |
Nỗ lực hết mình, cùng sự hỗ trợ đắc lực từ phía VNA về máy bay, nhân sự, dịch vụ mặt đất và công nghệ quản lý hàng không giá rẻ của Jetstar Group, sau hơn 3 năm tái cơ cấu, lần đầu tiên sau 9 năm thua lỗ, JPA công bố lãi gần 81 tỷ đồng.
Hàng không Vietjet Air (VJA) vận chuyển được 7,4 triệu khách, tăng hơn 66%. Hệ số sử dụng ghế trung bình đạt cao nhất trong số các hãng hàng không nội địa (88,4%) song vẫn giảm 0,5 điểm so với kết quả mà hãng đạt được cùng giai đoạn này năm trước.
Hành khách bay của VASCO cũng tăng gần 44%, nhưng số chỗ trên máy bay vẫn trống nhiều khi hệ số sử dụng chỉ đạt 77% giảm 3,1 điểm.
Từ kết quả kinh doanh trên, thị phần vận chuyển hành khách của các hãng hàng không nội địa đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. VNA chuyên chở chưa đầy một nửa lượng khách nội địa với 47,6%, trong khi JPA đã vươn lên với thị phần xấp xỉ 15%. Riêng VJA tiếp tục bứt phá khi đạt con số 35,7%.
So với năm 2014, thị phần các hãng lần lượt là: VNA 56,6% (giảm gần 9 điểm phần trăm), JPA 13% (tăng gần 2 điểm phần trăm) và VJA 28,8% (tăng 7 điểm phần trăm).
Cuộc đua ngày càng quyết liệt
Rõ ràng, cuộc đua giành thị phần đang diễn ra khốc liệt. Khi cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, hãng nào có mức giá rẻ, dịch vụ tốt hơn, tỷ lệ chậm hủy chuyến thấp,... sẽ ngày càng ghi điểm.
Để kéo khách về cho “đội mình”, đầu tiên phải kể đến cuộc đua về đội tàu bay, từ nâng cấp đến thuê, mua mới. Vietnam Airlines trình làng những chiếc máy bay hiện đại như “khách sạn 5 sao di động”, tiêu biểu là Boeing 787-9, B787 và Airbus A350, thân rộng và hiện đại nhất thế giới.
Mới đây nhất, Vietjet Air mua thêm 6 máy bay A321, với tổng giá trị 682 triệu USD, sau gói hợp đồng khủng mua và thuê 100 tàu bay hồi năm ngoái. Mỗi năm, hãng này sẽ nhận từ 6-12 máy bay mới. Đây là dòng máy bay thương mại tiết kiệm, rất linh hoạt với hãng hàng không có mức tăng trưởng ấn tượng như Vietjet.
Hàng không giá rẻ Jetstar Pacific không chỉ nâng cấp đội bay lên mới hoàn toàn mà còn bổ sung thêm hai máy bay hiện đại A320, nâng tổng số tàu bay lên 11 chiếc.
Nhờ mở rộng đội tàu bay, các hãng cũng đua nhau mở thêm các đường bay nội địa mới. Jetstar Pacific vừa công bố mở thêm 3 đường bay nội địa giữa TP HCM - Đà Lạt, Vinh - Cam Ranh và giữa Hà Nội - Tuy Hòa (Phú Yên). Vietjet Air gần đây nhất cũng khai trương 3 đường bay mới Hà Nội - Chu Lai, Hải Phòng - Cam Ranh, Vinh - Buôn Ma Thuột,...
Cuộc đua nóng về đội bay, giá vé, chất lượng dịch vụ,... vẫn đang diễn ra quyết liệt |
Một trong những cuộc đua khác, quyết liệt hơn, là về giá vé. Sau khi Cục Hàng không Việt Nam giảm trần vé máy bay xuống 4% do mặt bằng giá xăng dầu giảm sâu, đại diện các hãng hàng không đều cho rằng, giá vé họ đưa ra chưa bao giờ kịch giá trần Cục công bố.
Cụ thể, theo đại diện của Vietnam Airlines, từ trước đến nay, giá vé của hãng chỉ bằng 70-80% mức giá trần, kể cả khi giá trần có điều chỉnh giảm thêm 4%. Riêng đường bay trục Hà Nội - Sài Gòn, hãng đã có nhiều dạng vé thấp, có lúc chỉ còn 800.000 đồng/chặng. Đại diện Vietjet Air cũng cho biết, giá vé trung bình tháng 8, 9 của hãng giảm đến 27% so với tháng 6, 7. Hiện giá vé đường bay Hà Nội - Sài Gòn chỉ từ 399.000 đồng, chưa kể hãng còn cung cấp hơn 1,2 triệu vé khuyến mại 0 đồng giờ trưa, từ 12h-14h, đều đặn hàng ngày.
Một trong những cuộc đua khác là chất lượng dịch vụ. Vietnam Airlines nỗ lực cải thiện hình ảnh, từ đồng phục tiếp viên, phi công, sơn máy bay,... đến chất lượng phục vụ để đạt tiêu chuẩn 4-5 sao của SkyTrax.
VietJet Air cũng rất nỗ lực cải tiến chất lượng dịch vụ, như như dịch vụ khách hàng, lịch bay và mạng bay; hệ thống đặt chỗ và xác nhận vé; đội ngũ bán hàng và tiếp thị... Jetstar Pacific từ tháng 5/2015 chính thức triển khai giá trị mới, cam kết cung cấp dịch vụ chất lượng và mang lại sự hài lòng cho khách.
Những cuộc đua ‘nóng” vẫn đang tiếp diễn, nhưng kết quả chỉ ra rằng, Vietnam Airlines đang phải san sẻ thị phần không nhỏ khách nội địa cho các hãng hàng không khác. Còn Jetstar Pacific, từ gánh nặng nợ giờ đã trở thành “bảo bối” của hãng trong cuộc đua về giá vé, xem ra bất phân thắng bại.
Ngọc Hà