- Trả đũa vũ trang đối với một nước thành viên NATO là điều rất khó. Tuy nhiên, nỗi đau bị “đâm sau lưng” khi vụ máy bay bị bắn hạ có thể khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải tung ra những đòn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về kinh tế.
Dự án tỷ đô thành đòn trừng phạt
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm 25/11 cho biết, vụ TNK bắn hạ máy bay Nga có thể dẫn tới việc Nga hủy một vài dự án quan trọng với nước này. Các DN của TNK cũng sẽ bị cấm tham gia ở thị trường Nga.
Bên cạnh đó, dự án án xây dựng nhà máy năng lượng hạt nhân đầu tiên của TNK, với công suất dự kiến 4.800 MW bên bờ Địa Trung Hải, cũng có thể sẽ được cân nhắc lại.
Cú sốc bị ““đâm sau lưng” trong vụ máy bay Nga bị bắn hạ có thể khiến Nga cắt nguồn thu của TNK từ người dân du lịch Nga. Trong động thái đầu tiên, Nga đã đề nghị các công dân không nên đến TNK, vì lo ngại khủng bố. Các hãng lữ hành Nga cũng hủy nhiều tour tới quốc gia này. Đây hẳn không phải là một lời cảnh báo đơn thuận.
Với 4-5 triệu du khách Nga mỗi năm, nguồn thu của Ankara rất lớn và sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế TNK vốn đang gặp nhiều khó khăn. Theo đại diện ngành du lịch, nhiều khả năng Nga sẽ sớm ngừng cho phép người dân sang TNK.
Nga cũng vừa tuyên bố cấm nhập khẩu thịt gà từ một nhà cung cấp của TNK từ 1/12 tới vì quan ngại liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng. Nếu căng thẳng không được giải quyết, nhiều khả năng sẽ còn nhiều mặt hàng bị cấm. Thương mại trị giá hàng chục tỷ USD giữa hai nước sẽ bị ảnh hưởng. Đầu tư FDI dự kiến cũng sẽ giảm sút.
Nếu căng thẳng gia tăng, thiệt hại cho cả hai bên là rất lớn. Ảnh hưởng lớn nhất có lẽ sẽ đến từ các dự án khí đốt. Hiện TNK nhập khẩu hơn 50% khí đốt giá thấp từ Nga. Trong khi đó, Nga dự kiến “dòng chảy TNK” sẽ thay thế "Dòng chảy phương Nam” - South Stream sẽ trở thành một động lực kinh tế và vị thế lớn cho TNK.
Hôm 25/11, chỉ một ngày sau khi máy bay Nga bị TNK bắn hạ, Nga đã cắt toàn bộ nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine do chưa nhận được tiền trả trước từ Ukraine. Nguồn cung bị cắt cho tới khi các khoản thanh toán mới. Và điều này đồng nghĩa với việc, khí tới châu Âu, trong đó có TNK sẽ bị ảnh hưởng.
Trên Bloomberg, đại diện Bộ Năng lượng Nga cho biết Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho TNK theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, đại diện này từ chối bình luận về dự án “dòng chảy TNK”.
Chịu đau
Cho tới thời điểm này, Nga đã triển khai thống tên lửa phòng không S-400 tới Syria khiến phương Tây lo ngại. Máy bay ném bom Nga tấn công sát biên giới TNK và tiến hành hàng loạt cuộc không kích nhằm vào khu vực cửa khẩu biên giới giữa Syria với TNK. Nga thậm chí lần đầu tiên trưng bày biểu tượng quyền lực "vali hạt nhân" của ông Boris Yeltsin trong một cuộc triển lãm ở thành phố Yekaterinburg.
Mối quan hệ kinh tế sâu đậm giữa 2 nước, cùng với vị trí chiến lược của TNK trong mối quan hệ giữa Nga và châu Âu và sự hậu thuận của Mỹ và khoảng một nửa thành viên EU… có thể sẽ đảm bảo không có sự leo thang nào giữa hai bên về quân sự.
Trong một động thái mới nhất, Nga vừa quyết định hủy bỏ một cuộc họp liên chính quyền giữa Nga với TNK vốn được ấn định tổ chức vào giữa tháng 12 tới tại St. Petersburg. Tổng thống Nga cùng với thủ tướng Medvedev cũng thay nhau vạch mặt, chỉ trích TNK dung túng cho nhóm khủng bố IS tuồn dầu lậu kiềm lợi hàng trăm triệu USD.
Vụ bắn hạ Su-24 và những biện pháp trả đũa lần nhau đang và sắp diễn ra có lẽ sẽ là điều đáng tiếc với cả 2 nước có mối quan hệ khá gần gữi trước đây. Nền kinh tế TNK gần đây trì trệ do phải đối phó với khu tự trị người Kurd và có nhiều hoạt động can thiệp vào cuộc chiến Syria. TNK đứng về phe đối lập, chống lại và kêu gọi lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad như một phần trong giấc mộng bá chủ Trung Đông.
Ngay sau vụ bắn hạ máy bay Nga, chứng khoán và đồng tiền Lira của TNK đã tụt giảm mạnh. Nguồn thu từ du lịch và đầu tư từ Nga suy giảm có thể khiến GDP TNK gặp khó khăn trong thời gian tới. Hiện tại, thâm hụt tài khoản vãng lai của TNK hiện ở mức khá cao. Thị trường tài chính TNK cũng khá mong manh do phụ thuộc nhiều vào nguồn tài chính từ NĐT ngoại.
Trong khi đó, nền kinh tế Nga cũng đang chịu ảnh hưởng lớn từ giá dầu giảm và trừng phạt của phương Tây về vấn đề đông Ukraine.
Hồi cuối tháng 10, Bộ trưởng Tài chính Nga thông báo, quỹ dự trữ nước này có cạn sạch tiền trong năm 2016 nếu giá dầu tiếp tục ở mức thấp dưới 50 USD/thùng. Kinh tế Nga đang lún sâu vào suy thoái. Trong quý III, tăng trưởng kinh tế nước này âm 4,3%.
Văn Minh