Cách đây 10, 15 năm, đã có lúc dòng xe máy tay ga Nhật Bản được coi như một “biểu tượng” vật chất cho sự sành điệu, biết chơi của giới trẻ. Tôi còn nhớ tại thời điểm đó có vài người quen buôn xe máy ngoài chợ xe cũ Phùng Hưng (Hà Nội) hùn vốn với nhau đưa ra dịch vụ cho thuê, bán trả góp dòng xe này và thế là từ những người buôn bán lặt vặt bỗng đột ngột giàu trong chỉ có vài tháng.
Họ sở hữu hàng trăm chiếc xe scooter, vừa bán trả góp vừa cho thuê, khách khứa thanh niên trai tráng đến ngồi ký giấy nợ nườm nượp. Có gì đâu, trả trước mấy chục phần trăm, chỗ còn lại nợ tính lãi cao, quan trọng hơn cả là có xe đi lượn phố dù tài sản ấy mang tên người khác, giải quyết khâu oai cái đã. Đằng đẵng các buổi chiều vô số dân chơi ngồi hóng kết quả xổ số soi lô đề, được bạc thì hồ hởi vác tiền đến thanh toán công nợ vô cùng sòng phẳng.
Lượng khách tiềm năng còn lại là các cô gái "bán hoa" cao cấp, xe máy tay ga là thứ tài sản vô cùng quan trọng bởi khi ngồi lên nó, họ có thể điều chỉnh mức giá "giao dịch" nhỉnh hơn gấp rưỡi hoặc thậm chí là gấp đôi, sành điệu sang trọng mà. Đấy là người ta tâm sự vậy, tôi cũng không rõ có đúng không. Nhưng quả thật thời mông muội khi mới loay hoay đi làm lặt vặt với mức lương 500.000 đồng/tháng thì khái niệm về những chiếc xe ấy đối với tôi rất kinh khủng, siêu xa xỉ như máy bay.
Tôi ấn tượng về điều đó còn hơn cả khi biết đến cái tên dân chơi xe hơi hạng sang Cường Đôla sau này, ký ức giống như nhiều người lớn tuổi đã trải qua gian khó bao cấp đều rưng rưng ướt nhòe đôi mắt khi bất ngờ bắt gặp chiếc xe đạp Mi-Pha của Đức ở thế kỷ này.
Có bữa ngẫu nhiên ngồi chơi với mấy anh chủ "công ty" xe máy, họ làm việc mỗi chiều ngay tại quán trà đá vỉa hè phố Phùng Hưng, sổ sách tùm lum ghi tên các khách hàng kiêm con nợ. Lần đó gặp một cô gái thấy bảo cũng làm "nghề" thế này thế kia đến đóng hụi tiền mua xe, tôi suýt ngã ngửa vì ngạc nhiên. Nếu có cơ hội nào đó gặp xinh xắn ấy ngoài đường trên chiếc xe tay ga bằng cả chục năm lương thì dù có bị tiếng sét ái tình đánh ngang mặt tôi chắc chắn cũng không dám mở miệng xin số điện thoại.
Có thể nói đó là giai đoạn mở màn cho các thể loại dịch vụ cho thuê đồ xa xỉ phẩm, những thứ vỏ bọc đẹp đẽ hào nhoáng mang đến tự tin cho biết bao người đắm đuối chủ nghĩa vật chất, đẹp đẽ sang trọng đi chơi, tiệc tùng, sàn nhảy, đi làm ăn, đi vay tiền… hay công việc gì đó cần thiết tăng tự tin bản thân cũng như niềm tin từ người đối diện (cùng văn hóa).
Bẵng đi một thời gian quá dài vất vả mưu sinh, tôi chả mấy khi để ý tới những vấn đề bon chen guốc giày xe pháo đang cuồn cuộn chảy ngoài kia. Cơ bản biết mình chưa bao giờ thuộc về thế giới ấy. Thi thoảng cũng chỉ nghe người này người nọ khoe dùng chiếc điện thoại, chiếc túi da đồ hiệu có giá trị vài ngàn, chục ngàn đôla lại vẫn tưởng thiên hạ đùa. Hóa ra lại là thật, dịch vụ cho thuê mướn mở nhan nhản, đổi chác các bù, cũ người mới ta có sao đâu!
Nhu cầu sử dụng hàng hiệu ngày càng lớn nhưng không phải ai cũng đủ sức để sở hữu. |
Văn hóa sùng bái, sử dụng đồ hiệu trong vài năm gần đây có thể nói khá đặc trưng và phổ biến tại một vài nước châu Á. Đồ hiệu luôn được người tiêu dùng quan tâm nhưng không phải ai cũng đủ tài chính để sở hữu chúng. Dịch vụ cho thuê đồ hiệu ra đời đã đem lại nhiều lợi nhuận cho nhiều công ty cầm đồ tại Hồng Công, Singapore và lan sang cả Việt Nam.
Ví dụ ngay tại Hà Nội hay TP HCM có vô số tiệm dịch vụ này mở tại nhà riêng, chủ đều là chị em phụ nữ đáng yêu, dư dả, đó là những thiên đường túi xách second-hand. Các mặt hàng túi xách cho phụ nữ đủ kích cỡ, đủ thương hiệu nổi tiếng khắp thế giới đều có vì giờ nhu cầu của một bộ phận xã hội ưa chuộng sử dụng túi xách hàng hiệu là có thật. Họ mua lại sản phẩm cũ từ khách hàng muốn đổi sang loại khác, phần dôi dư để cho khách hàng khác thuê lại. Nếu cô Ngọc Trinh biết được điều này hẳn sẽ buồn lắm, bởi em không còn độc quyền về bộ sưu tập túi hàng hiệu đắt đỏ nữa. Bất kỳ ai với chi phí vài triệu đồng đều có thể thuê về nhà một rừng túi, bày biện đẹp đẽ chụp ảnh đưa lên mạng lấy le sang trọng, chí ít là bằng hoặc hơn Trinh.
Về giá cả chi tiết của từng chiếc túi hàng hiệu đã qua sử dụng, sau một vòng lang thang ngắm nghía tôi cũng đôi phần chóng mặt bởi nhiều mức khác nhau. Louis Vuitton là mặt hàng được cho thuê nhiều nhất có giá trị từ 800 đến 25.000 đôla cũng có luôn, hay một chiếc túi da cá sấu Birkin có thể được mua lại từ chủ cũ hơn 30.000 đôla thì một chiếc nhỏ xinh Chanel loại cầm tay đi tiệc chỉ có vài triệu, bằng 2 tháng lương của tôi bây giờ.
Một chị chủ tâm sự có vô vàn khách hàng chị em quá yêu quý, lưu luyến với chiếc túi đồ hiệu của mình. Nhưng rồi cuộc sống mà, vì những lý do cá nhân họ phải bán đi thì tiệm cũng an ủi bằng cách thi thoảng cho chủ cũ có nhu cầu vẫn được thuê lại chiếc túi đã bán với giá dịch vụ mềm mại hơn người khác. Nhiều người mang túi đi cầm cố, bán thì trong đó có không ít người đặc biệt có cảm xúc với thứ đẹp đẽ đắt đỏ ấy. Có thể là món quà của người tình, quà sinh nhật chẳng hạn nhưng họ tại một thời điểm nào đó rất cần tiền cũng không muốn bán đứt. Đó là lý do những tiệm cho thuê, cầm đồ vật dụng xa xỉ ra đời, ai cũng được lợi và bế nhau qua gian khó hay làm sáng sủa cuộc đời bằng hình thức vỏ bọc bên ngoài. Có thể cách viết, cách biểu lộ cảm xúc của người viết có chút gì đó mang màu sắc mỉa mai chị em, xin đừng hiểu lầm vậy, bản thân tôi cũng rất ngạc nhiên những gì đang diễn ra trong thế giới này.
Theo tìm hiểu, chỉ trong thời gian ngắn trở lại đây thì dịch vụ cho thuê vật dụng hàng hiệu, xa xỉ phẩm phát triển rất mạnh và phổ biến hơn trong quan niệm người tiêu dùng. Chủng loại mặt hàng rất đa dạng, phổ biến nhất là túi xách, váy áo, giày, mũ, đồ trang sức hay điện thoại đắt tiền Goldvish là cả một cục vàng đúc lên đến tiền tỷ, Vertu lấp lánh kim cương…
Bởi đó là những tài sản đắt tiền nên nói vậy chứ thủ tục thuê nếu không quen biết gần cũng không mấy đơn giản bởi phải đặt cọc bằng cả giá trị, giấy tờ. Chủ yếu khách cũng phải là người có điều kiện phù hợp.
Gần đây gặp lại mấy nhân vật cho thuê xe máy khi xưa. Giờ họ đã là những ông chủ cỡ lớn với tài sản là cả vài chục chiếc xe hơi hạng sang. Tất nhiên không phải để đi lái Uber hay Grab Taxi, họ cũng để cho thuê và bán trả góp cho dân chơi như trước đây. Những chiếc xe bạc tỷ đó mỗi tháng mang lại cho chủ nhân số tiền khổng lồ, có cầu ắt có cung.
Tôi cũng không rõ vì lý do như thế nào bởi khoản tiền thuê không hề rẻ nhưng chưa bao giờ dịch vụ ế ẩm. Khách hàng đa số thanh niên dân chơi, quần áo đồ hiệu mặc cả ngày, chỉ cần có vài trăm triệu là có quyền đến hỏi "mua" xe nhẹ như lông hồng. Đây, anh ký vào đây mua xe cũ nhé, trả trước như thế này chỗ còn lại nợ và tính lãi 800 đồng/triệu/ngày. Nào thử làm phép nhân, cứ cho là nợ lại một tỷ, xin phép viết bằng chữ bởi nếu không sẽ hết một dòng bởi những con số 0 sẽ là 800.000 đồng/ngày tiền lãi, tương đương lãi suất 28,8%/năm.
Điều quan trọng với đa số những thanh niên khách hàng không công ăn việc làm, ngoài nhiệm vụ đi chơi và mưu sinh bằng đỏ đen thì việc thanh toán công nợ nghe chừng thiên nan vạn khó. Không sao cả, cứ đóng lãi đều khoản nợ còn thiếu cho đến lúc không trả được gốc thì các anh chủ sẽ đến thu xe về. Bài toán tiếp theo là trừ khấu hao xe, trầy xước thân vỏ thẳng vào số tiền đã thanh toán, đôi khi sau một vài tháng làm đại gia giả vờ trên những chiếc xe hơi của người khác khiến bao chị em xinh tươi lè lưỡi lác mắt thì nay cầm về vài chục triệu đồng gốc. Nếu tôi rơi vào hoàn cảnh ấy chắc hẳn sẽ phải khóc nhiều lắm, đôi khi tai nạn của người khác là kinh nghiệm cho bản thân, tôi thấy hạnh phúc với chiếc xe máy khá tốn xăng của mình.
Xét cho cùng nhu cầu hưởng thụ những vật phẩm xa xỉ là có thật, dù sở hữu một cách lấp lửng là đi thuê đi chăng nữa thì điều đó phần nào nó cũng đã hiện thực hóa được giấc mơ, mong ước của mỗi cá nhân theo từng quan điểm riêng. Nhưng có thể lờ mờ thấy rằng đó cũng không phải là một nhu cầu bức thiết, nhất là với việc "mua" xe hơi kiểu tốn tiền, đồng tiền luôn mang bộ mặt của người xài nó, rộng rãi chật hẹp hay bọn chen, thật khó để hình dung. Sống trong vỏ bọc giống như chúng ta đi trên ngón chân cái hàng ngày, cao hơn được một chút đó nhưng quả thật rất mỏi.
Theo An Ninh Thế Giới