Gần đây, trên mạng xã hội facebook xuất hiện cái tên Cửa hàng hóa chất Kim Biên rao bán cà phê pha sẵn có hóa chất độc hại với thành phần bắp, đậu, hóa chất (để tạo màu đen, độ sánh, vị đắng) và hương công nghiệp. Thực - hư chuyện buôn bán này như thế nào?

Quảng cáo “trên trời”

Là facebook rao bán cà phê nhưng cái tên Cửa hàng hóa chất Kim Biên cực kỳ gây sốc bởi trùng tên với chợ Kim Biên (TP HCM) từng được mệnh danh là chợ “thần chết”, thủ phủ của các mặt hàng hóa chất công nghiệp. Theo như facebook này quảng cáo, đây là loại cà phê pha sẵn “siêu tiết kiệm, siêu lợi nhuận”.

Với 150.000 đồng/bình 5 lít thì giá thành chỉ vào khoảng 1.300 đồng/ly, bán ra giá gấp 10 là 13.000 đồng/ly hoặc hơn như ở các quán. Loại cà phê này có thể để tới một tháng, với nhiều sự lựa chọn khi có tới ba loại mùi với các tên nghe rất hấp dẫn như: Robusta, Moka, Brazil...

{keywords}

Facebook có tên Cửa hàng hóa chất Kim Biên ngang nhiên công khai bán cà phê bẩn

Ngoài ra, facebook Cửa hàng hóa chất Kim Biên này còn hướng dẫn: “Cà phê này phù hợp với căng tin, trường học, bệnh biện, nhà hàng, quán. Siêu tiện lợi, mua về có thể đổ ra bán liền hay phối theo tỉ lệ (của ba mùi) để tạo sự khác biệt của mỗi quán. Khi mua 10 bình trở lên sẽ được chiết khấu 5%”. Và facebook còn đăng tải tìm đại lý trên cả nước cho loại cà phê siêu lợi nhuận này.

Người đọc sẽ còn cảm thấy sốc hơn khi chủ facebook Cửa hàng hóa chất Kim Biên này chia sẻ rất “chân thành”: “Cà phê của mình cũng chẳng khác cà phê bẩn bán ở các quán từ quán cóc cho đến quán sang. Nghĩa là cũng bắp, đậu, hóa chất (để tạo màu đen, độ sánh, vị đắng) và hương công nghiệp. Cà phê của mình chỉ khác là mình pha sẵn, nên mua về không mất công pha phin”.

Một điều đáng nói ở đây, chủ facebook Cửa hàng hóa chất Kim Biên lý giải vì sao họ bán cà phê: Vì các quán bán cà phê hám lợi nên chấp nhận bán cà phê bẩn. Lo ngại hơn nữa là khách hàng đã “quen mùi” với cà phê bẩn và xem cà phê bẩn là chuẩn mực. Họ yêu cầu cà phê nguyên chất là phải đặc, đen, đắng, đậm, thơm ngào ngạt. Vậy chủ cửa hàng muốn có cà phê đạt chất lượng, mà bán lại vừa rẻ, vừa có lãi thì chỉ có cà phê pha hóa chất như thế này mới làm được. Do vậy, dù bán theo kiểu nào, ở đâu (vỉa hè, xe đẩy hay hàng, quán) thì mức độ độc hại cũng không khác gì nhau.

Facebook này chỉ mới xuất hiện trong 1 - 2 tháng trở lại đây nhưng đã thu hút tới hàng nghìn lượt bình luận với các phản ứng rất dữ dội. Tuy nhiên, chủ facebook vẫn “chai mặt” và bất chấp tất cả, mời gọi người xem vào mua hàng.

{keywords}

Những quảng cáo giá thành, thành phần siêu lợi nhuận cửa hàng này

Giết người không dao

Theo tìm hiểu thực tế, các xe bán cà phê dạo với giá rất “bèo”, chỉ 8.000-10.000 đồng/cốc. Hay tại một số quán cóc cũng đã sử dụng một loại cà phê pha sẵn nào đó đựng sẵn trong chai nhựa Lavi, khi khách hỏi mua thì 2 phút sau sẽ có một ly cà phê nóng hoặc lạnh thơm lừng. Tất cả những loại cà phê này đều được bán với giá rất rẻ. Và khi được hỏi nguồn gốc thì đều nhận được câu trả lời: “Yên tâm, cà phê xịn hẳn hoi”.

Vậy giá thành thực một cốc cà phê thực sự sạch là bao nhiêu? Theo anh Hiển, một chủ quán cà phê ở Hà Đông chia sẻ: “Như quán của tôi, nếu chỉ tính giá gốc thì cũng phải mất 10.000 đồng cho một cốc cà phê nguyên chất”. Và bản thân anh Hiển cũng là người đồng ý với việc cho thêm các chất phụ gia với các hương vị nếu khách yêu cầu. Nhưng nó phải đảm bảo chất lượng và phải dưới mức cho phép để đảm bảo sức khỏe cho người dùng.

Còn anh Minh, chủ một quán cà phê ở đường Giải Phóng khẳng định: “Sẽ không thể có một cốc cà phê vừa sạch vừa rẻ trừ khi bạn mua một cốc cà phê được pha từ những gói cà phê của một số hãng lớn như Trung Nguyên, Vinacafe... Còn một khi đã kinh doanh và có tâm thì sẽ không có cốc cà phê rẻ cho bạn uống”.

Chúng ta chỉ đang bàn tới giá để có thể bán một cốc cà phê, còn thành phần độc hại đối với sức khỏe có trong cà phê bẩn thì không thể lường hết được. Trong cà phê này có pha thêm hóa chất để cà phê có màu đen, tạo độ sánh và có vị đắng đúng như mùi vị của cà phê nguyên chất.

Hiện nay, các xe bán cà phê dạo và các quán cóc ven đường bán công khai cà phê bẩn thì ai cũng biết. Liệu rằng trong những hàng quán sang trọng, cà phê có thực sự “sạch” như mọi người vẫn nghĩ hay không? Hay một số chủ quán sẽ phớt lờ mọi nguy hiểm đến tính mạng của người dân mà bất chấp để “buôn gian, bán lận”.

Trước nhiều thông tin được cảnh báo về thực phẩm hay các sản phẩm không đủ an toàn hiện nay, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc và người dân nên chuẩn bị những kiến thức tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình mình.

(Theo Pháp luật Việt Nam)