Sinh ra ở vùng quê nổi tiếng với nghề làm lược sừng hàng trăm năm nay, anh Nguyễn Thành Trung (29 tuổi) ở Thụy Ứng (Hoà Bình,Thường Tín, Hà Nội) đã vươn lên làm giàu với thu nhập khoảng 3 tỷ đồng/năm. Đồng thời, anh cũng là người có công rất lớn trong việc đưa lược sừng quê mình đến với nhiều nước trên thế giới.
Vốn là một địa chỉ thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của miền Bắc về các sản phẩm chế tác từ sừng trâu nhưng đã có thời gian, làng nghề rơi vào suy thoái. Thời điểm đó, có đến khoảng 80% hộ dân trong làng bỏ nghề, cộng với sự cạnh tranh gay gắt của lược nhựa, gỗ… nên làng nghề có nguy cơ thất truyền.
Chân dung chàng "tỷ phú" trẻ |
Là con trai của nghệ nhân làm lược sừng, anh Trung biết làm lược sừng thủ công từ năm 9,10 tuổi nhưng chưa bao giờ anh nghĩ rằng mình sẽ nối nghiệp cha. Theo anh lúc đó, nghề làm lược không có triển vọng kinh tế, bố mẹ anh cũng không muốn anh theo nghề này.
Tuy nhiên, khi thị trường biết đến mặt hàng này nhiều hơn, công việc làm lược sừng của gia đình có nhu cầu mở rộng thì Trung bắt đầu lựa chọn nghề này để gắn bó.
Nhận thấy làm thủ công đạt sản lượng thấp, Trung mạnh dạn đầu tư máy móc, cải tiến mẫu mã và áp dụng những kiến thức về công nghệ thông tin, marketing đã học được ở trường đại học vào công việc kinh doanh.
“Lúc đó, tôi đề xuất với bố mua chiếc máy hơn 200 triệu đồng để làm lược, thuyết phục mãi thì bố tôi cũng đồng ý. Sau này, so sánh những sản phẩm làm thủ công và sản phẩm máy thì làm bằng máy có ưu thế hơn, tinh xảo hơn ở nhiều chi tiết, nhất là chi tiết nhỏ” – Trung cho hay.
Sản phẩm lược sừng do cơ sở của anh Trung sản xuất |
Nhờ hướng đi này, sản phẩm của Trung đã gây được nhiều sự chú ý đối với thị trường trong nước cũng như các thị trường ở nước ngoài, nhất là châu Âu.
Trung chia sẻ, chế tác đồ trang sức, lược từ sừng trâu vốn là thế mạnh của làng cũng như của gia đình. Lớn lên bên những món đồ này, Trung có một tình yêu đặc biệt đối với chúng nên không nỡ nhìn thấy đặc sản quê hương bị mai một. Vì thế, khi đầu tư vào làm những sản phẩm này, Trung nghĩ đó không chỉ là làm giàu cho gia đình mà còn góp phần lưu giữ những tinh hoa của địa phương.
Ngoài lược sừng, anh Trung còn sản xuất thêm nhiều sản phẩm mỹ nghệ khác từ sừng |
Nguyên liệu chế tác lược chủ yếu từ sừng trâu nên khi mở rộng sản xuất, nguồn cung nguyên liệu khan hiếm, anh Trung phải nhập khẩu thêm sừng trâu từ nước ngoài. Ngoài những quốc gia ở Đông Nam Á thì anh Trung còn nhập sừng từ châu Phi.
Khi nhập sừng về, sau công đoạn vệ sinh thì những người thợ tiến hành cưa sừng thành từng mảnh sao cho phù hợp với sản phẩm chế tác. Sau đó cho sừng vào nồi hơi để luộc mềm rồi ép phẳng bằng lò hơi thủy lực rồi tiến hành cắt răng, chà lát, đánh bóng… để chế tác, hoàn thiện sản phẩm. Sau công đoạn này, răng lược, các họa tiết trang trí cũng được hình thành và xuất xưởng.
Công đoạn cưa răng lược trong chế tác lược sừng |
Theo anh Trung, làm sừng rất khó bởi mỗi chiếc mỗi khác, người thợ phải tùy theo từng chiếc sừng mà hơ, ép, pha, cắt. Sừng trâu non uốn khỏi tay lại vênh, có cái phải uốn tới cả chục lần, nhưng khó nhất vẫn là lúc tạo dáng hay còn gọi là lấy phôi. Nếu ngay từ khâu lấy phôi không chuẩn thì sẽ mất đi dáng lược, lược bị biến dạng.
Mỗi sản phẩm lược của gia đình anh Trung chỉ có giá từ 30 nghìn đến vài trăm nghìn tùy loại. Sản phẩm lược sừng không đắt đỏ ở nguyên liệu nhưng hết sức công phu ở khâu chế tác.
Người thợ đang chế tác bức tranh từ chất liệu sừng trâu |
Hiện nay, sản phẩm của gia đình anh không chỉ xuất hiện ở nhiều địa chỉ du lịch khắp cả nước mà còn có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc hay Châu Âu. Mỗi tháng anh Trung xuất xưởng vài chuyến hàng ra nước ngoài, đem về hàng trăm triệu đồng. Nhờ sản phẩm lược sừng và một số sản phẩm trang sức khác, mỗi năm anh Trung thu về hơn 3 tỉ đồng.
Ngoài ra, cơ sở sản xuất của Trung còn tạo việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương với thu nhập ổn định.
(Theo Một thế giới)