- Mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu quá số lượng Salbutamol (chất tạo nạc thịt lợn) so với giấy phép được cấp, thậm chí một doanh nghiệp dược còn bị phát hiện đã buôn bán trái phép 5 tạ chất tạo nạc ra thị trường.
Tại buổi Họp báo về nhiệm vụ trọng tâm tháng 12/2015 của Bộ NN&PTNT diễn ra chiều tối 7/12, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT) cho biết, trong tháng 11, lực lượng Thanh tra Bộ NN&PTNT cùng C49 đã lấy 89 mẫu thức ăn chăn nuôi (TACN) của một số công ty nghi vấn để phân tích, kiểm nghiệm.
Kết quả cho thấy, có 23 mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol, trong đó 16 mẫu là vượt ngưỡng. Thanh tra BộNN&PTNT đang phối hợp với C49 xác lập hồ sơ để xử lý và điều tra mở rộng nơi cung cấp.
Phát hiện nhiều công ty dùng chất tạo nạc và chất vàng ô trộn vào thức ăn chăn nuôi |
Cũng trong tháng 11 này, Đoàn thanh tra của Bộ đã tiến hành thanh tra đột xuất 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng TACN có dấu hiệu sử dụng chất cấm tại các tỉnh, thành phố Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội. Kết quả, đã xác định được 2 Công ty có sử dụng Salbutamol là Công ty TNHH TACN Trường Phú (Hải Dương) và Công ty TNHH Thịnh Đức (Bắc Giang). Ngoài ra, trong quá trình thanh tra 2 công ty này còn bị bắt quả tang đang sử dụng chất vàng ô và chất tạo màu công nghiệp Auramine để phối trộn vào TACN.
“Đặc biệt, trong quá trình điều tra nguồn cung cấp Salbutamol, Thanh tra Bộ NN&PTNT và C49 đã xác định và đang điều tra làm rõ một công ty dược có hành vi buôn bán 5 tạ chất Salbutamol chưa đúng mục đích sử dụng”, ông Dũng cho hay.
Theo ông Dũng, việc phát hiện, xử lý một loạt sai phạm đối với các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi sử dụng chất cấm, Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng đã phát hiện hành vi vi phạm mới trong sử dụng chất cấm.
Cụ thể, hiện tượng công ty thức ăn chăn nuôi bán sản phẩm có kèm một túi bột màu trắng cho người chăn nuôi. Qua kiểm tra cho thấy đây chính là Salbutamol có hàm lượng rất cao, gấp 100 lần mức cho phép thông thường. Nếu người chăn nuôi thiếu cảnh giác hoặc cố tình sử dụng sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
Cũng theo ông Dũng, Thanh tra Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra xem có phải doanh nghiệp sử dụng mánh khóe đó để kích thích người chăn nuôi sử dụng chất cấm nhằm giúp heo ăn nhanh lớn, nhiều nạc hay không.
Hiện nay, cả nước có khoảng 10 doanh nghiệp được phép nhập khẩu Salbutamol. Còn tình trạng có doanh nghiệp bán Salbutamol trái phép ra ngoài thị trường là bởi sự phối hợp trong quản lý giữa các bộ, ngành chưa tốt, điển hình như giữa Bộ NN&PTNT với Bộ Y tế; ngành Nông nghiệp với Hải quan… Ông Dũng nhận định, để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, công tác phối hợp giữa các bộ ngành cần phải được tăng cường hơn nữa.
Bảo Hân