Thịt, cá, rau...nhiễm độc, tồn dư khánh sinh, thuốc trừ sâu...bủa vây bữa năn người dân đã đến mức báo động đỏ từ lâu nhưng chưa được ngăn chặn, kiểm soát một cách hiệu quả.

Góc nhìn thẳng mời ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để làm rõ hơn về câu chuyện này.

Xin cảm ơn ông Nguyễn Xuân Dương đã nhận lời tham gia chương trình

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, các số liệu thống kê về tỷ lệ thịt, cá, rau nhiễm độc tồn dư kháng sinh, thuốc trừ sâu...còn gây tranh cãi, nhưng thực phẩm chúng ta đang dùng hàng ngày kém an toàn là điều chắc chắn, vậy theo ông, bữa ăn của người Việt hiện nay an toàn đến mức nào?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Nhìn chung, thời gian qua đúng là có nhiều tranh cãi về an toàn thực phẩm. Nhiều thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng thì có thông tin đúng, có thông tin hơi thái quá nhưng tôi cũng thực sự chia sẻ sự âu lo trong an toàn bữa ăn của người Việt. Trong đó, có các vấn đề tồn dư chất bảo vệ thực vật trong rau; chất dấm chín, bảo quản trái cây; chất cấm, tồn dư kháng sinh; vi sinh vật trong thịt… là có vấn đề. Tôi cho rằng việc dư luận đang quan tâm, đang băn khoăn về an toàn trong bữa ăn của người Việt là có cơ sở.

Nhà báo Phạm Huyền: Nhiều ý kiến cho rằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện khá đầy đủ, vì sao thực phẩm bẩn, nhiễm độc, tồn dư...dường như càng ngày càng nhức nhối?Còn nếu chỉ tuyên truyền để nâng cao ý thức của người sản xuất, nuôi trồng thì liệu có ngăn chặn được thực phẩm kém an toàn, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong câu chuyện này vô cùng quan trọng nhưng đó chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ mà phải kết hợp với tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Nói cách khác là pháp luật đi vào cuộc sống và người sản xuất cũng nâng cao được nhận thức. Cộng cả hai vấn đề này lại thì chúng ta sẽ có thực phẩm an toàn, chất lượng. Không ai dám nói chỉ nghiêng về một hướng.

Giờ đặt vấn đề tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất có quan trọng không thì tôi nói là vô cùng quan trọng. Bởi vì người sản xuất quyết định đến chất lượng, sự an toàn của sản phẩm họ làm ra. Và cũng chính người sản xuất, kinh doanh quyết định sự tồn tại hay không tồn tại của họ.

{keywords}

Nước nào cũng vậy, nếu người sản xuất không tự nhận thấy vai trò của họ mà chỉ trông chờ vào luật pháp thì khó, đối với chúng ta càng khó vì nước ta có hàng chục triệu hộ tham gia sản xuất nông sản, thực phẩm. Vì thế, vai trò của người sản xuất càng quan trọng chứ còn ở các nước có nền sản xuất phát triển, tỷ lệ người tham gia sản xuất nông nghiệp chỉ có 3% dân số nên khả năng kiểm soát và tự giám sát rất dễ. Còn nước ta tỷ lệ này là 50-60% dân số đang tham gia sản xuất nông nghiệp, luật pháp không để đến tất cả chuồng gà, chuồng lợn, mảnh vườn được. Vì thế, tôi vẫn cho rằng tuyên truyền, giáo dục rất quan trọng, kết hợp với tăng cường quản lý nhà nước, hai yếu tố này cộng lại sẽ ra thực phẩm sạch.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin ông cho biết ngay dịp Tết Nguyên đán sắp đến này, các cơ quan chức năng sẽ làm gì để hạn chế bớt tình trạng thực phẩm kém an toàn?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Trong dịp Tết này, tôi cho rằng, cứ thực hiện đầy đủ, quyết liệt các nội dung trong kế hoạch hành động mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã phát động các đợt cao điểm về tăng cường kiểm sát an toàn vệ sinh thực phẩm nông nghiệp thì tình hình sẽ cải thiện tốt.

Trong đó, tôi nhấn mạnh, chúng ta không có khâu nào là không quan trọng cả, vì mọi khâu đều có kẽ hở để cho thực phẩm không an toàn đều vào được. Chẳng hạn, khâu sản xuất. chế biến tốt nhưng ở khâu kinh doanh, người ta đem thịt bày bán trên chiếc phản cả tuần, cả tháng không rửa thì thịt cũng nhiễm vi sinh ngay. Thế nên, chúng ta phải quản lý tốt tất cả các khâu. Thứ đến, trong dịp tết này, nếu phát hiện vi phạm, ngoài việc xử lý thật nghiêm theo luật pháp, thì biện pháp quan trọng nhất là tuyên truyền công khai những cơ sở, địa chỉ vi phạm để người tiêu dùng, người buôn bán tẩy chay thực phẩm không an toàn.

Song song với việc này, chúng ta khuyến cáo những địa chỉ tin cậy như các cửa hàng rau sạch, của hàng thịt sạch, của hàng bán thực phẩm an toàn mà có chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước càng tốt. Còn những cơ cở kinh doanh, sản xuất thực phẩm không an toàn thì người dân sẽ tẩy chay dần, không mua nữa. Đương nhiên người nào, cơ sở nào sản xuất kinh doanh thực phẩm không an toàn khó có đất tồn tại.

Vì thế, dịp Tết này, nếu các giải pháp trên được làm ngay, làm rộng khắp, quyết liệt thì tôi tin là sẽ có thực phẩm an toàn hơn cho người tiêu dùng.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thẳng thắn. Xin kính chào quý vị và hẹn gặp lại ở Góc nhìn thẳng số tiếp theo.

VietNamNet