30 năm sau đổi mới, chúng ta đã có rất nhiều doanh nghiệp thành công, những doanh nghiệp đầu tàu của nền kinh tế, có thương hiệu mạnh, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa và khu vực, nhưng một câu hỏi vẫn đau đáu đặt ra đó là tại sao 30 năm rồi, khoảng cách đủ để một thế hệ trưởng thành, chúng ta vẫn chưa có những công ty, tập đoàn tầm cỡ thế giới.
Từ tốt đến vĩ đại
Trong Bảng xếp hạng Top 500 DN lớn nhất Việt Nam về doanh thu – VNR500 công bố tháng 12/2015 vừa qua, chỉ có 3 doanh nghiệp xuất hiện của Việt Nam có mặt trong Bảng Top 2000 doanh nghiệp toàn cầu (Global 2000 Leading Companies) của Forbes và chỉ đứng ở các vị trí khiêm tốn, lần lượt là VietinBank (vị trí 1902/2000), BIDV (1913/2000) và VCB (1985/2000). Trong khi đó một số nước trong khu vực như Philippine có 8 DN (trải dài từ vị trí 900 đến 1808), Singapore có 21 DN (Từ vị trí 268 đến 1962) và Thái lan có 16 DN (từ vị trí 227 đến 1976)
Thời điểm này cùng nhìn lại những tư tưởng của Giáo sư Jim Collin (GS Đại học Stanford – Mỹ) đưa ra trong cuốn sách Từ Tốt đến Vĩ Đại (Good to Great) mới thấy thấm thía hơn bao giờ hết, có những điều rõ ràng doanh nghiệp chúng ta chưa làm tốt được, thì mức vĩ đại còn là một tầm với rất xa.
Có nhiều thứ trong tư tưởng này đã được nhắc đến trong nhiều năm qua như nhân sự tài năng, tầm nhìn, đổi mới công nghệ hay văn hóa doanh nghiệp, trong khuôn khổ bài viết ngắn này chỉ xin lạm bài đến hai khía cạnh nổi bật đó là Trải nghiệm đương đầu với thử thách khách nghiệt và Đối mới tư duy quản trị, đặc biệt trong bối cảnh một cơ hội lớn nhưng cũng là một thử thách lớn chưa từng có đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt: Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương.
Trải nghiệm thử thách: Định hình phong độ
Lịch sử kinh tế cho thấy phần lớn các tập đoàn kinh tế tầm cỡ thế giới đều trải qua giai đoạn dò tìm các định hướng phát triển, và trong con đường đó, họ phải đương đầu với những thử thách khắc nghiệt để sau này mới có được thành công, chỗ đứng và thương hiệu trên thương trường. Lãnh đạo các doanh nghiệp này biết lắng nghe, biết phân tích các thất bại để rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân và cho công ty. Bản thân họ cũng tự biết trau dồi bản thân mình, đưa mình vượt ra khỏi phạm vi “người thường” để dẫn dắt doanh nghiệp tiến tới các thành công.
Quay trở lại với Việt Nam, thực tiễn cho thấy phần ít doanh nghiệp có chiến lược dự phòng, đối phó với các khủng hoảng, các cơ hội. Công ty nếu không gặp các cú sốc (dù bất lợi hay có lợi) thì cứ đều đều phát triển và tăng trưởng. Nếu gặp các cú sốc bất lợi rất dễ buông xuôi hoặc thậm chí phá sản. Theo số liệu thống kê từ VCCI, số doanh nghiệp phá sản năm 2012 trên toàn quốc là 58.128 DN, đến cuối năm 2014, con số này đã tăng lên tới 67.823 doanh nghiệp. Nếu gặp các điều kiện có lợi bất ngờ thì lại không có chuẩn bị trước đáng kể nên thành thử rơi vào thế bị động, khó tận dụng được cơ hội mang lại.
Trong cuộc khảo sát các doanh nghiệp lớn Việt Nam trong Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam do Vietnam Report tiến hành tháng 10 và 11 năm 2015, khi được hỏi về DN đã có chuẩn bị gì cho Hiệp định lịch sử này, phần lớn các DN đều cho biết chưa có chuẩn bị gì hoặc có chuẩn bị một chút đối với các mục như Đào tạo năng lực cán bộ (37.8%); Dành ngân sách cho TPP (38.3%) hay Cùng đối tác chuẩn bị cho những cơ hội từ TPP (28.3%).
Doanh nghiệp đã chuẩn bị những gì cho Hiệp định TPP. Kết quả điều tra khảo sát các DN trong BXH VNR500 11/2015-Vietnam Report |
Đối mới tư duy quản trị
Đổi mới tư duy quản trị từ lâu đã được xem xét như yếu tố cốt lõi có tác động lan tỏa và chi phối đến các chiến lược cốt yếu của doanh nghiệp, tạo ra sức mạnh cạnh tranh cao, tạo sự khác biệt để đem đến thành công. Khi hội nhập sâu và toàn diện trong thị trường trong thế giới phẳng, đổi mới tư duy quản trị mà trước hết là tư duy quản trị chiến lược tựa như “sợi chỉ đỏ” dẫn đường thành công cho các chiến lược về thị trường cũng như chiến lược phi thị trường - như chiến lược marketing xây dựng thương hiệu, phát triển mạng lưới bán hàng; tạo lập sức mạnh liên kết bên cạnh việc nắm bắt chính sách và quy định pháp luật mới - những điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập.
Đổi mới tư duy quản trị trước hết phải dựa trên cơ sở nhận thức sâu sắc về bối cảnh các hiệp định thương mại tự do, nhận diện rõ ràng những thời cơ và thách thức do bối cảnh này đem lại. Để làm được việc này, doanh nghiệp có thể tự nghiên cứu; thành lập các tổ công tác, ban nghiên cứu; tích cực tham gia các cuộc hội thảo, tọa đàm để có những thông tin xác thực và nhiều chiều.
Trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do, vấn đề hàng đầu đặt ra là phải thay đổi tư duy quản trị để nâng cao năng lực cạnh tranh dảm bảo các mục tiêu của doanh nghiệp. Càng hội nhập sâu, các doanh nghiệp Việt càng bộc lộ ra những hạn chế cần khắc phục như khả năng quản trị kinh doanh kém; tình trạng thiếu vốn; trình độ khoa học - kỹ thuật lạc hậu; khả năng liên doanh, liên kết, mở rộng thị trường hạn chế, khả năng ứng biến với những khó khăn khủng hoảng không linh hoạt và đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực thấp. Muốn tồn tại và phát triển trong môi trường kinh doanh đầy biến động, khách hàng và đối thủ cạnh tranh thay đổi, khi đổi mới tư duy quản trị chiến lược các doanh nghiệp Việt Nam phải xác định được các chiến lược mặt hàng và chiến lược thị trường trong bối cảnh thị trường mở; áp dụng các hệ thống quản lý hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng; hoàn thiện phương thức kinh doanh, tạo ra bản sắc riêng có, những nét độc đáo của doanh nghiệp mình thông qua đó thu hút khách hàng, phát triển thị trường, phát triển thương hiệu.
Con đường thực hiện đổi mới, với ước mơ vươn tới những doanh nghiệp tầm cỡ châu lục và thế giới trong thập kỷ tới sẽ trở nên xa vời nếu chúng ta không có những chuẩn bị tốt nhất cho hội nhập, bắt nguồn từ doanh trí của người doanh nhân, đến tư duy quản trị mọi khía cạnh của hoạt động sản xuất kinh doanh. Rõ ràng rằng không thể đổ hoàn toàn trách nhiệm cho cơ chế quản lý nhà nước hoặc hệ thống pháp luật, mà cơ bản nhất vẫn nằm ở thay đổi tư duy của chính các lãnh đạo doanh nghiệp. Thay đổi tư duy thì doanh nghiệp chúng ta mới hy vọng thoát khỏi ao làng, để thấy biển rộng trời cao và đủ sánh vai với các đối tác trong khu vực thế giới.
Ngày 12/01/2016, Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Báo VietNamNet sẽ chính thức tổ chức Buổi Lễ Công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2015 tại Khách sạn Rex, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là năm thứ 9 liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được công bố nhằm ghi nhận những Doanh nghiệp không chỉ đạt được những thành tựu to lớn trong kết quả kinh doanh mà còn có những đóng góp to lớn cho cộng đồng và xã hội. |
Anh Lê – Vietnam Report