Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, người Trung Quốc đứng đằng sau, đầu tư tiền cho người Việt mua gom đất ven biển, khu vực sân bay Nước Mặn và một số địa điểm thuộc các phường của hai quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn là có thật. Danh sách 246 lô đất vệt biệt thự ven biển cho thấy, đa phần đều nằm ở vị trí nhạy cảm, liên quan đến khu vực phòng thủ hoặc vùng quân sự…

Nhà nghèo, tiền đâu mua 12 lô đất?

Trong danh sách các công ty và cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (bìa đỏ) nhiều lô, một số người đứng tên 2 – 5 lô, người 10 lô và đặc biệt có người đứng tên 12 lô. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, đa số những người này đều không thể nào có khả năng kinh tế để mua đất ven biển nhiều như thế.

Một trong những người sở hữu nhiều lô đất ở vệt biệt thự quanh sân bay Nước Mặn (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) là ông Trác Duy Phúc (tổ 96 Khuê Mỹ). Ông Phúc ban đầu là đội trưởng đội bảo vệ tại khu nghỉ dưỡng Shilver Shores nay đã nghỉ.

{keywords}
Vệt biệt thự ven biển bên sân bay Nước Mặn hiện có nhiều lô đất được người Trung Quốc “giấu mặt” sở hữu.

Theo ông Lê Tấn Nghĩa – Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ, ông Phúc người Cao Bằng, gốc Hoa đến làm ăn sinh sống ở Khuê Mỹ mấy năm nay, hiện đang có một nhà trọ ở đường Nguyễn Đức Thuận (gần sân bay Nước Mặn), cho người Trung Quốc thuê.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Phúc thừa nhận các lô đất ông mua ở xung quanh sân bay Nước Mặn là do có sự hợp tác đầu tư của người Trung Quốc. “Chúng tôi mua đất để đầu tư kinh doanh, việc này hoàn toàn đúng luật. Khi đầu tư, tôi cũng nói với phía đối tác của tôi là phải chấp hành và tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp Việt Nam. Đặc biệt trong thời gian gần đây, dư luận râm ran về nhạy cảm chính trị gì đó. Tuy nhiên chúng tôi đầu tư làm ăn kinh tế, đâu có nghĩ gì sâu xa” – ông Phúc nói.

Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ Lê Tấn Nghĩa thừa nhận, là người quản lý địa bàn, ông vô cùng lo lắng trước tình hình này.

Người đứng tên nhiều nhất (12 lô) là một người tên Lý Phước C. ở thôn Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang). Theo tìm hiểu, người tên Lý Phước C. độ 26 tuổi, có vợ con tuy nhiên nhà thuộc diện kinh tế trung bình.

{keywords}
Một đoạn khu phố Tàu ở đường Võ Nguyên Giáp

Ông Nguyễn Đức Thành – Bí thư chi bộ thôn Dương Sơn xác nhận, gia cảnh C. chỉ đủ ăn. “Tôi khẳng định ông Lý Phước C. không đủ tiền mua một lô ở nam cầu Cẩm Lệ chứ nói gì đến 12 lô đất ven biển. Không bao giờ có chuyện đó”. Theo tìm hiểu, giá chuyển nhượng thực tế của 12 lô đất (mỗi lô trên 150m2) mà Lý Phước C. nhận bìa đỏ xung quanh sân bay Nước Mặn hiện nay phải trên dưới 50 tỷ đồng. Ông Thành cho rằng, chắc chắn Lý Phước C. đang đứng tên giùm cho ai đó mua đất, có phải người Trung Quốc hay không thì không thể khẳng định được.

Toàn “9 điểm”

Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ Lê Tấn Nghĩa thừa nhận, là người quản lý địa bàn, ông vô cùng lo lắng trước tình hình này. Ông Nghĩa cho hay, cả phường hiện có 11 hộ dân có nhà cho khoảng 30 người Trung Quốc thuê. Tuy nhiên, đây là con số có đăng ký tạm trú, còn nhiều người “sống chui” vẫn không thể quản lý được. Cấp phường chỉ quản lý đối với người thuê nhà, đối với các hộ dân, còn công nhân viên làm việc ở các khu nghỉ dưỡng hoặc du khách người Trung Quốc do cấp quận, thành phố quản lý.

Ông Nghĩa kể, với khách sạn có tên 1 8, ban đầu chủ đầu tư đến đăng ký lấy tên khách sạn là “9 điểm”. Đây là một từ rất nhạy cảm, đã nằm ven biển, có đối tác Trung Quốc đầu tư, lại có tên “9 điểm” thì không được. Cãi nhau căng lắm, cuối cùng họ đành phải lấy tên là 1 8, cộng ra cũng thành “9 điểm”. Sau này, nhiều khách sạn, nhà hàng mọc lên cũng lấy tên là 3 6 hoặc 333. Đáng nói, trong danh sách những lô đất vệt biệt thự quanh sân bay Nước Mặn, có nhiều lô số diện tích đất mà các con số thường cộng lại bằng 9 điểm.

Ông Lê Tấn Nghĩa cũng đề nghị, cần phải quản lý chặt lượng du khách Trung Quốc sang Đà Nẵng trên các chuyến bay hàng tuần. “Nhiều thông tin tôi nhận được, du khách Trung Quốc tới Đà Nẵng nhiều nhưng về rất ít. Có thể họ về theo đường bộ hoặc các sân bay khác. Tuy nhiên, vấn đề này phải lưu tâm. Phải quản lý chặt từ khai báo tạm trú, thời gian lưu trú, xong họ đi đâu để tránh lượng người Trung Quốc sống chui trên địa bàn” – ông Nghĩa nói.

Theo Tiền Phong