Giới chơi xe cổ không lạ gì anh Trần Khắc Dũng với nickname Vespa Lang Bạt. Tới nhà anh, tôi không khỏi bất ngờ khi căn nhà nằm ngay mặt tiền đường lớn, trước khu chợ sầm uất nhưng anh không kinh doanh mà chỉ để làm phòng trưng bày những chiếc xe cổ độc và các bộ sưu tập đồng hồ, hộp quẹt…
Nhìn những chiếc xe sắp đặt ngẫu hứng trong nhà, gương mặt anh thoáng buồn, vì hiện nay có một số người kinh doanh đã góp phần làm chảy máu xe cổ ra nước ngoài, trong đó có nhiều mẫu xe quý hiếm từng gắn bó và đồng hành với một phần lịch sử và con người Việt Nam.
Tìm 10 năm không thấy, bỗng dưng xe đến tìm người
Mặc dù anh Dũng khá may mắn khi chơi xe tương đối sớm, vào thời điểm giá xe cổ còn rẻ và còn dễ tìm kiếm nhưng điều đó không có nghĩa là việc sưu tập luôn dễ dàng. Có những mẫu xe không phải cứ là dân chơi có tiếng hay có tiền là lùng được, mà nó giống như sự sắp đặt nhân duyên có lúc không ngờ đến. Như chiếc Calessino là một trong những sản phẩm đầu tiên của Vespa, được sử dụng để chở khách du lịch đi citytour. Xe chỉ có một tài xế với hai khách nhưng khi nhập về Việt Nam được đóng khung cải tiến để chở tới… 10 người. Với cách sử dụng quá tải như vậy, dòng xe này mau chóng hư hỏng và biến mất dần trên thị trường, giới chơi xe sau này săn lùng đỏ mắt không ra.
Chiếc xe này của anh bây giờ vừa mang vẻ đẹp quý phái, vừa cực hiếm. Việt Nam chỉ còn một chiếc! Vì vậy chỉ những cặp uyên ương nào cực thân đến nói khó anh mới lấy xe đi chụp ảnh và rước dâu giùm. Thế nhưng khi lần tìm về lai lịch của chiếc Calessino này là cả một câu chuyện dài.
Một hôm, vào ngày 26 tết khi anh Dũng đang cùng gia đình chuẩn bị đón tết thì một người bạn trẻ gõ cửa, nói là có một người quen ở Củ Chi muốn bán một chiếc xe ba bánh cũ. Ông ấy dùng để chở nước đá nhiều năm nay, giờ cũ nát quá muốn bán để mua xe khác mà xe trông lạ quá, không biết xe gì. Khi anh bạn trẻ đưa ảnh chụp ra, anh Dũng gần như bị choáng nặng vì đó chính là chiếc Calessino 150 mà anh đã săn tìm 10 năm nay không có kết quả. Bỏ dở mọi thứ, anh chạy ngay lên Củ Chi và sung sướng nhìn ngắm chiếc xe tuy bề ngoài xuống cấp nhưng quan trọng nhất là máy móc và khung sườn vẫn còn nguyên. Một hình ảnh khó quên với gia đình anh lẫn bạn bè tết năm đó: Trong căn nhà được trang hoàng đẹp đẽ thì ngay giữa phòng khách “ngự” trang trọng một chiếc xe ba bánh cũ nát, han gỉ!
Ăn tết xong, anh tức tốc nghiên cứu phục chế lại chiếc xe, trước đây anh hiểu về Calessino 150 rất nhiều nhưng không phải kiến thức để phục dựng lại chiếc xe. Anh bắt đầu lần mò trên mạng để tìm các bản vẽ thiết kế. Nhà anh thành xưởng sửa chữa vì anh không mang xe đến garage mà thợ phải mang hết đồ nghề đến nhà anh để làm, để anh yên tâm, để được nhìn thấy nó thay đổi từng ngày, từng giờ.
Việc anh Dũng tìm được mẫu xe hiếm được bạn bè chung vui không phải chỉ bằng lời nói. Một người bạn đã đặt thợ đóng tặng anh nguyên thùng xe bằng gỗ sồi theo đúng mẫu anh cung cấp, người gửi tặng cái logo, người gửi tặng chiếc kèn xe đúng đời... Những món đồ đó lâu nay nằm rải rác trong tay các tay chơi xe cổ không tìm được chủ nhân thì giờ đây góp phần phục dựng lại chiếc xe Calessino 150 mà cho đến ngày hôm nay ở Việt Nam vẫn chưa tìm được chiếc thứ hai.
Công cuộc phục dựng mất tám tháng vất vả mới xong, không phụ lòng chủ nhân, chiếc xe luôn trở thành “cây đinh” ở bất kỳ nơi nào nó hiện diện.
Với chiếc xe Calessino duyên nợ. Chiếc xe này đặc biệt được các cặp cô dâu, chú rể săn đón (ảnh do nhân vật cung cấp).
“Cụ Mẹc” của tướng tình báo
Với dân chơi xe, một trong những giá trị rất lớn là tính lịch sử, ví dụ xe đã từng được những yếu nhân sử dụng, hoặc gắn với các sự kiện lịch sử. Có những xe ở nước ngoài không có gì nổi bật nhưng đưa vào sử dụng ở Việt Nam có giá trị khác hẳn. Chiếc Mercedez 180 mà anh và bạn bè thường hay gọi là “cụ Mẹc” là một câu chuyện ly kỳ không kém chuyện người đi rừng tìm trầm hay đào vàng. Nguyên chiếc xe này của một người chơi xe ở Vĩnh Long, xe này anh rất mê mà chủ xe cũng rất quý nên anh không bao giờ dám mở miệng hỏi mua. Lâu lâu từ Sài Gòn anh lại chạy xuống Vĩnh Long chỉ để ngồi ngắm chiếc xe, có khi cả buổi. Vậy mà một hôm ông chủ xe gọi anh tới nói: “Tao thấy mày mê cái xe của tao quá, thăm thú săm soi biết bao lâu nay. Mày yêu cái xe, rành cái xe còn hơn cả tao nữa nên thôi mày lấy xe về đi, còn tiền bạc thì đưa bao nhiêu cũng được”.
Đến lúc ngồi lên cầm lái chiếc xe về anh vẫn còn hồi hộp, chỉ khi xe về tới nhà mới thở phào sung sướng. Nhưng vẫn chưa hết, khi đi làm giấy tờ chuyển vùng về Sài Gòn anh mới ngã ngửa ra khi đọc hồ sơ gốc: Thì ra chiếc xe này nguyên là do tỉnh trưởng Kiến Tường đi, sau năm 1975 bị tịch thu đưa về Bến Tre cho chủ tịch UBND tỉnh sử dụng, rồi được đưa qua cho giám đốc ngân hàng và sau đó được thanh lý ra ngoài qua mấy đời chủ nữa. Thậm chí nhiều người còn nói chiếc xe này trước năm 1975 từng được cán bộ tình báo cao cấp sử dụng khi ông trong vỏ bọc sĩ quan của Việt Nam Cộng hòa. Vậy mà nhiều chủ xe trước đó lại không biết đến những giá trị vô hình đó.
Khi tôi hỏi lý do vì sao bộ sưu tập lừng lẫy giờ chỉ còn 20 chiếc, anh tâm sự: “Mình rất ít khi bán xe, sau này chỉ còn giữ lại ba chiếc xe hơi vì xe hơi chiếm diện tích nhiều mà phải “nuôi” tốn kém. Còn xe máy là do bạn bè, anh em nào thân thiết mà mê quá nên mình để lại”.
Làm nghề xây dựng, đi lại nhiều nhưng anh Dũng chưa bao giờ từ bỏ niềm đam mê được phiêu bạt trên mọi miền đất nước. Hình ảnh một người đàn ông luống tuổi, dáng vẻ gầy gò tương phản với những chiếc xe cổ to lớn lang bạt trên nhiều cung đường đất nước đã quá quen với giới đi phượt và dân chơi xe cổ. Không phụ lòng chăm sóc của chủ nhân, những chiếc xe có tuổi đời hơn 6-7 chục tuổi đó chưa bao giờ trục trặc, hỏng hóc hay phải nằm đường, dù xuyên Việt hay ở những đoạn đường Tây Bắc xấu nhất. Cuộc hành trình của anh chỉ có một mình vì vợ anh, một người luôn chia sẻ niềm đam mê xe cổ với anh, không thể theo cùng vì phải ở nhà chăm sóc gia đình để anh được đi đây đó. Anh nói gia đình yên ổn, hạnh phúc là vì mê xe đến đâu cũng phải có mức độ, không để việc đam mê xe chiếm quá nhiều thời gian hay tiền bạc với gia đình.
Niềm đam mê với xe của anh Dũng Trần đã có từ nhỏ, như anh thừa nhận vốn ảnh hưởng từ cha - cũng là người am hiểu về xe và thường hay độ chế xe cộ.
Gửi trọn tình yêu Vespa vào nickname
Trở về thời gian xa hơn, anh Dũng cho biết mãi đến những năm 1990, khi bước vào tuổi 30 anh mới bắt đầu thực hiện giấc mơ chơi xe của mình. Thực ra thú chơi xe ấy ban đầu chỉ là do anh bắt đầu hoài niệm về cuộc sống gia đình ngày xưa, muốn sắm lại những mẫu xe thân thương đã từng lăn bánh đưa cả gia đình dạo khắp phố phường Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Có những lúc trong nhà anh có tới hơn 40 chiếc xe đủ loại, một con số đủ khiến giới chơi xe nể mặt.
Câu chuyện về xe của anh Dũng như một cuộc hành trình đi về quá khứ của xe cổ, anh có thể nhớ lại tường tận từng dòng xe, mẫu xe ra đời năm nào, cải tiến ra sao. Bộ sưu tập xe máy của anh phần lớn là xe scooter (xe có thể bước chân ngang qua vì sàn xe đặt rất thấp), ngoài một số hãng khác như Lambretta nhưng phần lớn vẫn là Vespa và anh cũng sử dụng nick Vespalangbat như một sự thừa nhận tình yêu của mình cho loại xe này. “Scooter có kiểu dáng thiết kế đẹp ngay từ ban đầu, đến nay hơn 60 năm rồi vẫn không thay đổi vì chưa bao giờ “đề mốt” cả.
“Mà nói thật là mình cũng rất nghiện tiếng nổ của máy xe lẫn mùi khói xe”. Anh Dũng chia sẻ tại sao anh có niềm đam mê đặc biệt với dòng scooter như vậy.
“Làm tài xế rước dâu đâu phải dễ, nhất là rước dâu bằng Vespa cổ. Ăn mặc cũng theo kiểu thập niên 1950, trên xe mở mấy bài tình ca Ý cho điệu đàng. Trên đường xả khói mịt mù cứ nơm nớp xe dở chứng giữa đường, vậy chứ lúc nào cũng cười toe để khỏi hỏng bộ ảnh cưới của người ta” - Facebook Vespalangbat. |
Theo PL TP HCM