- Chưa năm nào hoạt động cổ phần hóa lại mạnh mẽ và sôi động như trong năm 2015. Càng về cuối năm, dòng tiền đổ vào các phiên đấu giá vốn nhà nước càng lớn. Đây là một thành công mà trước đó ít người nghĩ có thể làm được. 

Sau quyết định thoái vốn NN tại 10 DN lớn trong tháng 10/2015 được thị trường chào đón, tại phiên họp Chính phủ tháng 11/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo: "Cái nào tư nhân mua được mà họ quản lý tốt thì các đồng chí bán luôn đi để chúng ta thu hồi vốn đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết, quan trọng khác". Đây chính là những chỉ báo cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

{keywords}

Quyết định được thị trường chào đón

Đúng như kỳ vọng, càng về cuối năm, dòng tiền từ lĩnh vực tư nhân đổ vào các phiên đấu giá DNNN càng lớn. Từ chỗ cổ phần NN bán ế trong 2014 và đầu 2015, nay cổ phần của hàng loạt các DN lại 'đắt như tôm tươi'.

Trước đó, tại Hội nghị giao ban về tái cơ cấu DNNN hồi cuối tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn, DNNN yếu kém trong quản trị mà giữ cổ phần chi phối thì bán không ai mua.

Thực tế, với tỉ lệ cổ phần bán ra khá thấp, hàng loạt các DNNN cảng biển, nông nghiệp, giao thông vận tải… đã rất vất vả bán vốn nhà nước theo như kế hoạch. Tỉ lệ thành công khá thấp. Để giải quyết tình trạng này, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ban, ngành tiếp tục rà soát các vướng mắc và tháo gỡ để bán vốn chủ sở hữu nhà nước.

{keywords}

Sự quyết liệt của Thủ tướng, Chính phủ đã mang tới kết quả tích cực trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

“DN nào Nhà nước không cần thiết nắm giữ thì sẽ bán hết, đồng thời với CPH là niêm yết trên TTCK để tăng tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.

Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh, giảm bớt tỉ lệ nắm giữ của NN để tập hợp được sức mạnh của các thành phần kinh tế, “toàn dân làm kinh tế” mới hiệu quả.

Quyết định “bán hết cổ phần tại các DN không cần thiết nắm giữ” là một bước ngoặt của CPH  trong 2015. Và đó cũng là hướng đi mà nhiều đối tác phát triển của Việt Nam khuyến nghị.

Tại Diễn đàn Đối tác Phát triển VN (VDPF) tháng 12/2015, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc WB tại Việt Nam nhấn mạnh: "Chính phủ cần có những bước đi rút ra khỏi những lĩnh vực không cần tham gia".

Hàng loạt DN nông nghiệp gần đây đã đấu giá thành công, DN cảng biển bán vốn tỷ lệ lớn được các NĐT lớn tranh nhau mua. Trong khi đó, Cienco ngành giao thông bán vốn rất thuận và DN cũng nhanh chóng làm ăn tốt sau CPH. Bệnh viện GTVT cũng đã được bán vốn và đang thay da đổi thịt hàng ngày.

Đặc biệt, phiên đấu giá 52,4% vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Công ty Du lịch Kim Liên, giá từ mức khởi điểm 30.600 đồng/cp lên tới 274.200 đồng/cp. Từ số tiền dự kiến 112 tỷ đồng, SCIC đã thu về gấp gần 10 lần, tới 1.000 tỷ đồng.

Trong năm 2015, VN thực hiện CPH được khoảng 210 DN, nâng tổng số DN CPH trong giai đoạn 2011-2015 lên gần 460 DN, đạt khoảng 90% kế hoạch.

Bộ GTVT là đơn vị đi đầu trong sắp xếp, đổi mới hoạt động DNNN. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2011-2015, bộ này phải CPH 70 DNNN nhưng bộ đã bổ sung 76 DNNN khác vào diện CPH.

Tạo đà hội nhập

Sự kiên định và quyết liệt được hiện thực hóa với hàng loạt các giải pháp để tháo gỡ các nút thắt CPH như: cho phép bán theo lô (Quyết định 41/2015), bán dưới mệnh giá (Quyết định 51), áp trách nhiệm trực tiếp lên lãnh đạo DNNN cần CPH, đề xuất xác định giá trị DN theo thực tế, tăng cường minh bạch thông tin (theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP), lên danh mục nới room cho các NĐT nước ngoài…

Bên cạnh đó, sự triệt để rà soát như trường hợp Chính phủ cho phép SCIC thoái vốn tại 10 DN làm ăn tốt như Vinamilk, FPT, FPT Telecom, Bảo Minh… đã thổi một luồng gió mới vào TTCK.

Bà Victoria Kwakwa cho rằng, việc thoái vốn NN tại 10 DN tốt, trong đó có Vinamilk (VNM) là một bước đi đúng đắn và những việc làm tương tự như thế này sẽ giúp tăng hiệu quả của Chính phủ Việt Nam.

{keywords}

Nhóm Công tác Thị trường vốn Diễn đàn DN Việt Nam đánh giá, quyết định cùa Thủ tướng Chính phủ về việc thoái vốn NN tại 10 DN… là một quyết định sáng suốt, thể hiện quyết tâm của Thủ tướng và Chính phủ đối với việc CPH. Quyết định cùng với việc cho phép tăng sở hữu nước ngoài là một bước đột phá để đưa TTCK VN lên xếp hạng “thị trường mới nổi”.

Cũng theo nhóm này, việc yêu cầu các DNNN đã CPH phải niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán theo Quyết định 51 của Thủ tướng và tại Nghị định 60 (6/2015) là quy định đúng đắn và là một dấu hiệu rất đáng khích lệ.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục TCDN - Bộ Tài chính cho rằng, thành công lớn trong quá trình CPH năm 2015 là những chuyển biến về tư duy, về khuôn khổ pháp lý, cũng như nỗ lực tổ chức thực hiện, cải thiện việc công bố thông tin theo hướng minh bạch và truyền thông rộng rãi với các NĐT trong và ngoài nước. Đây là cơ sở để có sự đột phá về CPH và thoái vốn nhà nước.

Ông Trương Văn Phước, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cấu trúc của thị trường tài chính VN gồm 2 “chân” là thị trường vốn (đứng sau là chính sách tài khóa) và thị trường tiền tệ (đứng sau là chính sách tiền tệ). Theo ông Phước, cải cách thị trường vốn rất quan trọng, nếu không 3-5 năm nữa, VN sẽ lại gặp khó khăn.

Tại VDPF 2015 đầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: 2015 là năm VN chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Theo Thủ tướng, bên cạnh đảm bảo tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, VN sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu hiệu quả nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN, mà nội dung chính là CPH, nâng cao quản trị và đặt họ trong môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Thủ tướng cho rằng, thực tế đã chứng minh, CPH để đa dạng hoá sở hữu là biện pháp hữu hiệu để đổi mới quản trị DN, nâng cao hiệu quả DNNN. CPH để toàn dân làm kinh tế. Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cho rằng, nguồn lực để phát triển kinh tế rất lớn, mấu chốt nằm ở chỗ phải hoàn thiện tốt hệ thống chính sách và môi trường để thu hút.

“Chúng tôi ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân, dưới hình thức vừa và nhỏ. Chúng tôi coi người dân là yếu tố quyết định sự thành bại của nền kinh tế. Đây là nội lực mang tính quyết định”, Thủ tướng chia sẻ.

Mạnh Hà