Mặc dù đưa ra tới 6 kịch bản để ứng phó với giá dầu giảm song Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lại không lường trước được kịch bản “xấu” nhất là 30 USD/thùng cũng có thể xảy ra?
Giá dầu thế giới đã xuống dưới mức 35 USD/thùng và dự kiến sẽ còn giảm sâu hơn nữa, ở mức 30 USD hoặc thậm chí là 20 USD/thùng theo dự báo của nhiều chuyên gia.
Là nước xuất khẩu dầu mỏ, việc giá dầu giảm sâu đã tác động nặng nề đến hoạt động xuất khẩu cũng như ngân sách của Việt Nam. Trong đó, PVN là doanh nghiệp trực tiếp khai thác, sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ sẽ là đơn vị bị ảnh hưởng nhiều nhất về doanh thu và lợi nhuận.
Kịch bản xấu nhất cuối cùng cũng đã xảy ra!
Giá dầu giảm sâu tác động đến PVN không phải là bài toán đặt ra cho Tập đoàn này trong năm vừa qua, mà từ năm trước khi giá dầu bắt đầu có xu hướng lao dốc, PVN đã phải “chịu trận”.
Mặc dù bán được ở mức trung bình là 103 USD/thùng trong năm 2014, chỉ giảm 9,3 USD/thùng song đại diện của PVN cho biết mức giảm này đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của tập đoàn, đặc biệt làm giảm nguồn thu của PVN những tháng cuối năm 2015.
Nguồn: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) |
Mặc dù đã xây dựng các phương án giá dầu, song kịch bản ứng phó với giá dầu mà PVN đưa ra lại chỉ tập trung ở mức 60 USD/thùng, khi Tập đoàn này xem đây sẽ là "đáy" của giá dầu thô trên thị trường thế giới? Do đó, khi những kịch bản xấu nhất đang diễn ra thì doanh thu của Tập đoàn này đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Thực tế, ngay trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng doanh thu hợp nhất của PVN đạt 168.000 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2014, lợi nhuận sau thuế đạt 23.600 tỷ đồng, cho dù các chỉ tiêu sản xuất đều tăng.
Trước tình hình giá dầu giảm mạnh, đầu tháng 9 Chính phủ đã có chỉ đạo các Bộ liên quan và PVN lập Kế hoạch khai thác dầu thô ứng phó với các phương án giá dầu giảm. Lúc này, phương án xấu nhất là 40 USD/thùng mới được tính đến trên cơ sở rà soát và áp dụng các biện pháp tiết kiệm chi phí.
Cũng tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ở thời điểm đó, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng việc cho phép PVN tăng sản lượng khai thác thêm 1 triệu tấn dầu so với kế hoạch là sự chủ động của ngành dầu khí để góp phần thực hiện các mục tiêu của cả nước về kinh tế. Theo đó, từ mức 14,74 triệu tấn theo chỉ tiêu mà Chính phủ giao, sản lượng dầu khí khai thác tăng lên 15,75 triệu tấn.
Thế nhưng, dù tăng sản lượng khai thác thì sự sụt giảm liên tục của giá dầu thế giới đã tiếp tục ảnh hưởng lớn đến doanh thu của PVN. Trong cuộc họp tại Bộ Công Thương vào đầu tháng 12 vừa qua, đại diện Tập đoàn này cho biết dự kiến doanh thu năm 2015, PVN sẽ đạt khoảng 718.400 tỷ đồng.
Song do giá dầu thô giảm mạnh nên mức thực hiện chỉ đạt khoảng 555.000 tỷ đồng, như vậy hụt thu khoảng 163.400 tỷ đồng. Mức doanh thu này được tính toán trên cơ sở giá dầu trung bình ở mức 55,6 USD/thùng, giảm 50,4 USD/thùng so với cùng kỳ năm ngoái.
Và đến thời điểm này, kịch bản "xấu" nhất đang diễn ra khi giá dầu xuống mức 35 USD/thùng. Theo nhiều dự báo, trong năm 2016 giá dầu sẽ tiếp tục đà giảm mạnh, có thể xuống mức 30 USD hoặc thậm chí là 20 USD/thùng, thì bài toán khai thác dầu sẽ phải được PVN tính toán lại.
Giá dầu về 30USD/thùng, PVN liệu có đóng cửa một số mỏ và giảm đầu tư?
Phương án giá dầu 30USD/ thùng không phải là tập đoàn chưa từng tính tới. Chỉ có điều, việc tính toán chỉ mới ở mức con số. Còn, những phương án ứng phó vẫn ở kịch bản giá dầu 60 USD/ thùng.
Đối với phương án 30 USD/thùng, doanh thu toàn Tập đoàn giảm 348,4 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN giảm 101,7 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 27,6 nghìn tỷ đồng so với mức giá dầu kế hoạch.
Giá thành khai thác dầu tại các mỏ của PVN dao động trong khoảng 30-37 USD/thùng. Thậm chí, mỏ Bạch Hổ chỉ có giá thành khai thác dưới 30 USD/thùng, nên nếu giá dầu dao động trong khoảng 60 - 70 USD/thùng, về cơ bản là tốt cho nền kinh tế và cũng không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của PVN. Song nếu giá dầu xuống mức 30 USD/thùng, thì nếu tiếp tục khai thác dầu PVN rất có thể phải đối diện với nguy cơ bị lỗ.
Tập đoàn này đã từng tính đến chuyện nếu giá dầu giảm sâu xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng sẽ “đóng cửa” một số mỏ để đảm bảo hiệu quả khai thác. Đồng thời, sẽ phải điều chỉnh cắt giảm đầu tư cho hoạt động sản xuất thường xuyên trên cơ sở cân đối hiệu quả. Song với hoạt động đầu tư cơ bản dài hạn vẫn giữ mức độ ổn định nhằm giữ khách hàng, cũng như ổn định gia tăng sản lượng.
Kịch bản xấu nhất đang diễn ra, liệu rằng trong năm 2016 tới đây PVN có phải tính đến chuyện "đóng cửa" một số mỏ và giảm đầu tư? Đây chính là bài toán khó tiếp tục đặt ra cho PVN trong năm tới.
(Theo Trí thức trẻ)