“Phố thịt chó” Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) với 50 nhà hàng tấp nập khách nhậu ngày đêm giờ chỉ còn duy nhất một nhà hàng hoạt động nhưng cũng vắng khách. Vì sao “thương hiệu” thịt chó Nhật Tân biến mất và thực hư ra sao những câu chuyện bị báo ứng như mọi người vẫn đồn đại?
Mơ về “thời hưng thịnh”
Cứ chiều xuống là phố Nhật Tân lại chìm trong làn khói mờ ảo mang theo mùi thơm quyến rũ từ những xiên chả chó nướng như muốn níu chân mọi người. Nhưng đó là câu chuyện của chục năm về trước.
Hiện tại, những dãy nhà cao tầng, biệt thự đắt tiền, những cửa hiệu rực rỡ sắc màu đã thay thế cho những dãy nhà hàng lá cọ với đặc sản thịt chó nổi tiếng bậc nhất Hà Nội xưa.
Quán thịt chó mang tên Anh Tú Béo là quán còn tồn tại duy nhất từ bấy đến giờ, chứng kiến một thời “hưng thịnh - suy tàn” của phố thịt chó Nhật Tân. Vì sao quán lại không “chung số phận” như những “anh em” cùng thời?
Phố thịt chó Nhật Tân nổi tiếng một thời nay đã biến mất, thay vào đó là các nhà cao tầng, biệt thự đắt tiền |
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mái tôn rộng thênh thang, bà Minh - chủ nhà hàng Anh Tú Béo không giấu được nỗi buồn: “Anh chị thấy đó, hôm nay là ngày cuối tuần và lại là dịp cuối năm nữa. Ngày xưa tầm này là đông đúc lắm, nhưng giờ ngồi từ sáng đến chiều chỉ có lác đác mấy khách”.
Bà Minh cho biết, nhà hàng thịt chó Anh Tú Béo là một trong những nhà hàng nổi tiếng ở Nhật Tân trước đây. Đầu những năm 1990, đất Nhật Tân còn hoang vu lắm. Nhà bà đã ra cắm bạt dựng lều để bán thịt chó bên đê.
Khách đến mỗi ngày một đông, rồi gia đình bà mở hẳn nhà hàng. Lúc đó nhà A Trang cũng ra đây mở quán và kéo theo đó là một loạt nhà hàng khác ra đời và biến nơi đây thành “phố thịt chó”.
Thời điểm hưng thịnh nhất là từ năm 1993-2005, phố Nhật Tân có trên dưới 50 nhà hàng. Riêng nhà bà Minh phải thuê đến hơn 10 người phục vụ. Những ngày đông khách, nhà hàng mổ tới 50-60 con chó và luôn trong tình trạng quá tải. Khách muốn có chỗ phải đặt trước.
Cách quán Anh Tú Béo là quán nước của bà Muôn – người từng cho người cháu thuê nhà để mở quán bán thịt chó cùng thời bấy giờ.
Bà Muôn mơ màng nhớ lại: “Hồi ấy, các quán nổi tiếng đến mức cứ trưa hoặc chiều tối nườm nượp ô tô, xe máy đến đây ăn thịt chó. Năm 1993 chúng tôi đã thu 5.000 đồng/xe ô tô, còn xe máy cho để nhờ vì đông xe quá, không kiểm soát xuể. Bàn ghế xếp cả ra đường, tràn lan cả lên đê”.
Cũng theo lời bà Muôn, những hôm đông khách cửa hàng không đủ chỗ phải thuê sân và nhà chính của nhà bà. Có những hôm bà thu được 50.000 – 200.000 đồng tiền thuê chiếu ngồi cho các mâm ăn. Nhưng tất cả đó là câu chuyện của cả chục năm trước…
“Vận đen” vì an toàn thực phẩm
Theo chia sẻ của ông Hiền, người dân sống ở “phố thịt chó” Nhật Tân, thịt chó là loại dễ chế biến và chỉ có mấy món chính. Hầu như nơi nào cũng có cách chế biến giống nhau. Nhưng thịt chó Nhật Tân nổi tiếng bởi họ biết cách tẩm ướp gia vị kỹ thuật hơn.
Mặt khác, do hình thành một hệ thống nhà hàng nên người người, nhà nhà cứ “đua” nhau đến ăn.
Quán Anh Tú Béo - quán thịt chó duy nhất còn tồn tại đến bây giờ nhưng cũng vắng khách |
Nhiều người làm ở các quán thịt chó này khi đi nơi khác cũng mang theo “thương hiệu” thịt chó Nhật Tân và kinh doanh rất thành công. Nhưng vì sao một “thương hiệu” như vậy lại biến mất? Và có đúng là đã xảy ra những câu chuyện, những tai họa liên tiếp ập xuống với các chủ quán nên họ phải đóng cửa để sống “yên thân” như mọi người vẫn đồn đại?
Theo bà Minh, chủ nhà hàng cuối cùng ở phố Nhật Tân, không có chuyện đó xảy ra. Năm 2001 Hà Nội có nghi án trong thịt chó có vi khuẩn tả đã khiến lượng khách giảm đáng kể. Báo, đài đưa tin suốt ngày về vi khuẩn chết người này nên không mấy ai còn muốn ăn thịt chó ở đây nữa.
Còn theo ông Cần, cũng là một người dân sống ở khu “phố thịt chó” Nhật Tân, thì: “Hồi ấy, Hà Nội có rất ít quán thịt chó, nên thịt chó Nhật Tân gần như là độc quyền.
Đến những năm 2005 - 2010, các quán thịt chó bắt đầu mở tràn lan và chất lượng không kém gì ở đây, người dân dễ dàng có thể mua hoặc ăn thịt chó ngon ở bất kỳ chỗ nào trong Hà Nội”.
Một nguyên nhân khác khiến cho món “mộc tồn” Nhật Tân bị chết yểu vì vào thời điểm những năm 2008 -2010, cơn sốt đất ở Hà Nội lên đỉnh điểm nên các chủ quán đã bỏ quán bán đất để được “ôm số tiền lớn” rồi chọn nghề khác an nhàn hơn, lại đỡ phải sát sinh.
Còn câu chuyện báo ứng như mọi người vẫn đồn đại, theo bà Xìu - chủ quán Trần Mục: “Đó là sự trùng hợp khi có nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh đen đủi khiến họ không còn mặn mà với nghề này nữa”.
Sự trùng hợp này là bà Xìu đã bị ngã gãy tay hai lần khi đang làm nghề này. Còn bà Minh thì khi làm nhà, người thợ xây đã bị điện giật gây tai nạn nặng. Nhiều gia đình trước đây “hốt bạc” từ nghề bán thịt chó, sau khi bán đất con cái trở nên đổ đốn, ăn chơi, cờ bạc, phá của...
... Một loạt những cú sốc kéo dài liên quan đến an toàn thực phẩm, rồi sự trùng hợp vận hạn khiến các chủ quán thịt chó Nhật Tân không thể gượng dậy được nữa và dần biến mất với muôn lời đồn đại, phỏng đoán.
Theo lời bà chủ quán Anh Tú Béo thì sở dĩ quán tồn tại cầm chừng đến bây giờ vì bà chủ “nhớ nghề”. Và chính chủ quán này cũng phải thừa nhận rằng: “Đã là con vật thì con nào cũng có linh hồn, nhất là loài chó gần gũi với con người nhất, nên giết hại là có tội”…
(Theo baophapluat)