Dồn dập mở bán cuối năm, lượng căn hộ chào bán trên thị trường Hà Nội tăng đột biến. Dự báo sẽ có thêm một nguồn cung khổng lồ vào năm nay các ông lớn bất động sản ồ ạt ra hàng. Giá cả theo đó cũng có xu hướng giảm.
Tứ phía rao hàng
Theo quan sát trên thị trường, căn hộ cuối năm đổ dồn về khu vực phía Tây khi lượng dự án mở bán tăng mạnh. Chỉ tính riêng khu vực Lê Văn Lương – Nguyễn Tuân đã có tới gần chục dự án tấp nập mở bán với hàng nghìn căn hộ như Imperia Garden, mới nhất là Goldseason, với 4 tòa tháp của CTCP Bất động sản mùa Đông - VID.
Phía bên kia Hà Đông, Công ty đầu tư Thủ đô đang mở bán dự án Ecolife Capitol, dự án Seasons Avenue của Capitaland, Hà Nội Landmark 51. Khu vực Mỹ Đình, thị trường nóng lên với HD Mon City.
Gần đây, thị trường khu vực này bắt đầu “nổi sóng” với hàng loạt dự án công bố ra thị trường. Trong đó, Vinhomes Gardenia là một dự án lớn có quy mô 17,6ha nằm trên trục đường Hàm Nghi (Mỹ Đình 1), với trên 2000 căn hộ chung cư, 172 căn nhà phố (shophouse), 154 liền kề và 38 biệt thự.
Căn hộ giao dịch đạt mức kỷ lục |
Vingroup cũng dự kiến triển khai trong năm 2016, như Dự án StarCity Centre đường Trần Duy Hưng, dự án tổ hợp quy mô 110.000 m2 tại 233-235 Nguyễn Trãi.
Hiện một số “ông lớn” BĐS như Vingroup, TNR Holdings, Capitaland, BRG, FLC...đã và đang khởi động khá nhiều dự án ở phía Tây.
Đại diện sàn bất động sản ở Trung Hòa Nhân Chính cho hay: "Lượng căn hộ mở bán dồn dập khiến bản thân sàn của ông cũng đang bị quá tải về kế hoạch bán hàng. Dự án này bán chưa xong đã phải cuốn chiếu để sang dự án khác. Các chủ đầu tư đang đẩy mạnh việc đưa hàng ra thị trường trong thời gian này nhằm tranh thủ lúc còn nhiệt".
Lượng căn hộ giao dịch đạt kỷ lục
Trong năm nay, phân khúc căn hộ cao cấp đã trở lại với tỷ lệ tăng mạnh trong cả lượng mở bán và giao dịch. Căn hộ cao cấp chiếm tỷ trọng 28% trong tổng số căn chàobán mới, cao hơn so với mức 21% trong năm đỉnh điểm 2011 về mở bán.
Theo vị trí, tỷ lệ mở bán mới tại khu phía Nam (quận Hoàng Mai) và rìa trung tâm (quận Hai Bà Trưng) tăng mạnh, chiếm tới 50% lượng mở bán, tỷ lệ này trước đây luôn thấp hơn khu phía Tây và Tây Nam với nhiều hạ tầng đang được triển khai. Lượng mở bán mới từ khu phía Tây và Tây Nam chiếm 46%, thấp hơn các năm trước khi thường trên 50%.
Các phân khúc cao cấp và hạng sang có sự cải thiện trong tỷ lệ giao dịch sau mỗi quý và đạt tỷ lệ khoảng 32% tổng lượng giao dịch tại thời điểm cuối năm, tỷ lệ này thường thấp hơn 20% trong các năm trước.
Mặc dù tỷ lệ giao dịch phân khúc bình dân và trung cấp có thấp hơn so với 2014, song các phân khúc này vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng lượng giao dịch cả năm.
Phân khúc biệt thự, liền kề với 1.246 căn mở bán mới, gấp đôi so với năm ngoái. So với cùng kỳ năm trước, các huyện Hoài Đức, quận Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Thanh Xuân và Mê Linh đã chứng kiến mức giảm giá thứ cấp trong khi các quận Cầu Giấy, Hà Đông, Tây Hồ, Thanh Trì và Từ Liêm lại được ghi nhận các mức tăng khác nhau, từ 7% đến 10%.
Nhận định về thị trường, ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, hầu hết các chủ đầu tư đều đặt mục tiêu biên lợi nhuận địa ốc vào khoảng 20%, nhưng trước khi nghĩ về con số này, các chủ đầu tư cần quan tâm lối thoát hiểm và kiểm soát rủi ro.
Với số lượng lớn các dự án được triển khai, doanh thu của các doanh nghiệp sẽ khó tăng nếu như không muốn nói là có sự sụt giảm nhẹ do nguồn cung nhiều, độ cạnh tranh thị trường quá cao. Bởi vậy, trong bối cảnh hiện nay, đầu tư bất động sản tại Việt Nam không thể nhanh và vội. Các nhà đầu tư cần kiên nhẫn và làm việc cần mẫn trong một thời gian dài.
D.Anh