Sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 và cuộc khủng hoảng tài chính 2008 xuất phát từ Mỹ, đang có những lo ngại về một cuộc khủng hoảng mới xảy ra sớm hơn so với chu kỳ thường thấy trên thế giới, mà nguyên nhân xuất phát từ những rắc rối lớn trong nền kinh tế Trung Quốc.

Dự cảm xấu từ George Soros 

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu với nhận định cho rằng, nền kinh tế thế giới đang rơi vào một giai đoạn khó khăn với nguy cơ khủng hoảng tài chính mới đang xuất hiện.

Theo đó, hầu hết các nền kinh tế của khối BRICS, bao gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đối mặt với sự suy thoái đồng bộ. Nguy cơ khủng hoảng tài chính mới có thể sẽ gây nguy hiểm cho tăng trưởng toàn cầu trong năm 2016. Tổ chức này hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 từ mức 3,3% trước đó xuống còn 2,9%.

Theo WB, diễn biến tăng trưởng chậm lại cùng lúc của hầu hết các nền kinh tế mới nổi là một diễn biến chưa từng có kể từ những năm 80s của thế kỷ trước. Sự sụt giảm mạnh của thương mại toàn cầu, dòng vốn di chuyển và các sức ép tiền tệ đang tạo ra một môi trường thực sự khó khăn.

{keywords}
Hiện tượng liên tục sập sàn của TTCK Trung Quốc khiến giới đầu tư thế giới lo ngại.

Trên Bloomberg, tỷ phú nổi tiếng George Soros - người được cho là gây ra khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 - cho rằng, các thị trường trên toàn cầu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những trục trặc, rắc rối lớn trong nền kinh tế TQ.

Tỷ phú người Mỹ cho rằng, ông nhìn thấy một sự rắc rối lớn ở TQ và rắc rối này là một thách thức nghiêm trọng. Nó khiến cho “thiên tài bán khống” này nhớ lại cuộc khủng hoảng hồi năm 2008.

Nhiều chuyên gia khác cũng đưa ra dự báo không mấy khả quan về kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh TQ liên tục trải qua nhiều cú sốc với 2 cú sập sàn chứng khoán ngay trong tuần đầu năm mới, tổng cộng đã mất khoảng 15%. TTCK Mỹ cũng chứng kiến 4 phiên đầu năm giảm điểm chưa từng có trong lịch sử. TTCK toàn cầu mất hơn 2 ngàn tỷ đồng. Giá dầu có lúc xuống mức thấp nhất 12 năm, sát tới 32 USD/thùng.

Trên tờ NYT, các chuyên gia lo ngại, năm 2016 kinh tế giới bị ảnh hưởng bởi sự trở lại của bóng ma hạt nhân với vụ thử bom nhiệt hạch đầu năm mới tại CHDCND Triều Tiên và sự căng thẳng giữa 2 cường quốc tại Trung Đông: Saudi Arabia và Iran. Đây là những yếu tố có thể gây ra khó khăn cho nền kinh tế thế giới.

Thế giới bất định và ngòi nổ Trung Quốc

Lịch sử phát triển thế giới cho thấy, sự xuất hiện của các đợt khủng hoảng tài chính và kinh tế không phải là điều bất thường. Một chu kỳ kinh tế bao gồm giai đoạn mở rộng và thu hẹp của tăng trưởng và lạm phát. Trên thị trường tài chính, chu kỳ thường kéo dài hơn, và đó là sự biến động của tín dụng và giá tài sản.

{keywords}
Đồng NDT của Trung Quốc liên tục giảm giá kể từ 8/2015.

Chia sẻ mới đây, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý Trung ương, cho rằng, thế giới ngay nay có những đặc trưng rất khác so với trước đây. Trong đó, một đặc trưng nổi bật là tốc độ dịch chuyển rất nhanh, nhanh nhất là thông tin, nhì là tài chính, thứ 3 là dịch vụ hàng hóa, chậm nhất nhưng đang nhanh dần là dịch chuyển lao động.

“Dịch chuyển nhanh nên không bền vững, tính rủi ro và những cú sốc diễn ra thường xuyên”, ông Thành chia sẻ. “Cái từ mà tôi rất thích giờ là “bất định”.

Tại tọa đàm “Vai trò của chính sách tiền tệ trong việc nâng cao khả năng hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài tới kinh tế Việt Nam” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Học viện NH tổ chức hôm 7/1, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, cho rằng những đánh giá về nền kinh tế thế giới ngay nay biến đổi rất nhanh.

“Nhiều tổ chức uy tín dự báo dầu sẽ xuống dưới 30 USD/ounce. Nhiều tổ chức uy tín còn dự báo giá xuống 20 USD. Tuy nhiên, trên Bloomberg mới đây, đã có chuyên gia tính tới khả năng giá lên mức 200 USD/thùng nếu sản xuất dầu giữa 2 nước Saudi Arabia và Iran bị gián đoạn”, ông Ánh chia sẻ.

{keywords}
Sức nặng của kinh tế TQ đối với thế giới là rất lớn.

Hàng loạt các bất ổn cộng với sự bất định tại TQ đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại về một cuộc khủng hoảng mới xảy ra sớm hơn so với chu kỳ thường thấy trên thế giới.

Sự suy yếu của TQ cũng là yếu tố dẫn tới hiện tượng tăng trưởng chậm lại của rất nhiều các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Nigeria… Châu Âu và Nhật cũng đang tăng trưởng rất khiêm tốn. Ngay cả những nền kinh tế phát triển và ổn định như Canada... cũng bị ảnh hưởng bởi những biến động trên thế giới.

Điều mà nhiều người lo lắng nhất hiện nay chính là sự bất định tại TQ. Phản ứng của TTCK và động thái điều chỉnh tỷ giá bất thường của NHTW TQ cho thấy giới đầu tư không hoàn toàn tin tưởng vào các số liệu thống kê của nền kinh tế này.

Các số liệu về sản xuất liên tục giảm trong hàng chục tháng cùng với tốc suy giảm kỷ lục của tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt của TQ đang vẽ ra một bức tranh thật hơn về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Ở chiều ngược lại, nhiều người cho rằng, thế giới đang ngày càng biến động và bất định hơn nhưng diễn biến chưa đến mức quá xấu. Ngay cả TQ, nền kinh tế nước này vẫn còn rất nhiều nguồn lực để vượt qua khó khăn. Dự trữ ngoại hối nước này, cho dù đã sụt giảm gần 110 tỷ trong 2015, nhưng vẫn ở mức khổng lồ, khoảng 3,3 ngàn tỷ USD.

V. Minh