Cây rau liệt (hay còn gọi là rau xà lách xoong) – loài rau bao đời nay đã giúp hàng trăm hộ dân xã Gio An, huyện Gio Linh (Quảng Trị) có được những cái Tết ấm no. Điều đặc biệt là loài cây này chỉ sinh trưởng ở trên đá và sống trong nguồn nước sạch từ các giếng cổ đổ ra.
Kỳ lạ thứ rau chỉ sống bằng nước giếng cổ
Tuy nhiên, đặc biệt hơn nữa là loài rau này chỉ sống bằng thứ nước sạch từ mạch giếng cổ đổ ra mà không chịu được sự tác động của các thuốc bảo vệ hay phân bón, hóa chất. Có lẽ vì thế mà mỗi khi nhắc đến Gio An, người ta thường hay gắn kèm 2 đặc sản song song là “Làng rau liệt” và “Vùng đất của những chiếc giếng cổ độc đáo”.
Theo những nghiên cứu của các nhà khoa học thì hệ thống giếng cổ ở Gio An vốn do người Chăm tạo tác từ cuối thế kỷ XII và được hình thành từ các mạch nước ngầm ở sườn đồi đất đỏ bazan, sau đó bằng lối sắp xếp đá mồ côi cạnh mạch nước ngầm chảy ra và theo các máng dẫn đổ xuống các khu ruộng.
Hiện tại, cả xã Gio An có 14 giếng cổ, phân bổ ở 5 trong số 8 thôn của xã và được đặt bằng những cái tên rất ngắn gọn và hết sức mộc mạc, thôn quê. Đó là: giếng Pheo (thôn Tân Văn); giếng Máng (thôn Long Sơn); giếng Gái 1, Gái 2, giếng Nậy (thôn An Hướng); giếng Tép, giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai (thôn Hảo Sơn); giếng Côi, giếng Dưới, giếng Búng, giếng Trạng, giếng Đào (thôn An Nha).
Những người dân ở đây cho hay, nguồn nước ở các giếng cổ bao đời nay chẳng khi nào khô cạn, luôn chảy quanh năm. Về mùa hè thì dòng nước rất mát, còn mùa đông thì lại rất ấm, vì thế cứ chiều chiều bà con lại tập trung đến giếng gánh nước về ăn uống và tắm giặt nên khá náo nhiệt. Và cũng chính từ những giếng cổ này, dòng nước mát lạnh đã tưới tắm nên vùng rau liệt nức tiếng miền Trung.
Vốn là một giống rau kén chọn môi trường sống và cực kỳ khó trồng nên muốn canh tác được giống rau, các khu ruộng còn phải không có bùn và khu ruộng nào càng nhiều đá thì rau lại càng tươi tốt. Thêm vào đó, khí hậu phải lạnh, thường có mưa phùn và sương vào buổi sớm. Chính vì vậy mà cây rau liệt ở Gio An được mệnh danh là cây rau siêu sạch, thậm chí có thể ăn sống ngay tại ruộng mà không cần rửa qua nước như những loại rau khác.
Mạch nước quanh năm cứ đổ về các khu ruộng. |
Có mặt tại cánh đồng rau liệt Hảo Sơn, chúng tôi mới thật sự tin vì sao người dân Quảng Trị hay gọi loài rau này là cây rau siêu sạch, khi mà đáy ruộng và rễ rau đều nhìn thấy rõ trong làn nước mát lành.
Bà Trần Thị Giáp (74 tuổi) cho biết: “Xưa kia, cây rau liệt ở Gio An từng được đưa vào kinh thành Huế dâng vua Nguyễn và các quan triều thần và được nhà vua dành rất nhiều lời khen ngợi cùng sự khuyến khích người dân canh tác, bảo tồn giống rau quý ấy. Vào thời kháng chiến chống Mỹ, bom đạn của kẻ thù tưởng chừng đã san phẳng cả làng Gio An và phá diệt loài rau này. Nhưng may sao, sức mạnh đạn bom vẫn không giết chết được sự sống kỳ diệu của cây rau, để từ vài cọng rau còn sót lại trên các mỏm đá, bà con đã gây dựng lại thành những cánh đồng rau xanh mướt như giờ đây”.
Theo ông Lê Phước Hiếu, Phó Chủ tịch xã Gio An, hiện tại ở xã có gần 200 hộ dân đang canh tác rau liệt, với tổng diện tích khoảng 15 hecta, phân bổ ở các thôn có giếng cổ, trong đó riêng thôn Hảo Sơn đã có hơn 8 hecta. Trung bình mỗi mét vuông trồng rau liệt có thể thu 50 - 70 bó/vụ, với giá bán từ 4.000 - 7.000 đồng/bó. Mỗi mùa người dân sẽ thu hoạch rau khoảng 8 đợt , mỗi lần thu hoạch cách nhau 10 -15 ngày. Tính sơ sơ mỗi vụ, một sào rau sẽ mang lại nguồn thu từ mười mấy triệu đồng cho đến hai, ba chục triệu, lại không tốn công chăm sóc và tiền đầu tư.
Nhờ trồng rau liệt mà nhiều gia đình ở đây đã có cuộc sống khá giả hơn trước, xây được nhà cửa khang trang và điều kiện kinh tế quê hương cũng ngày một phát triển.
Rau liệt Gio An rất sạch có thể ăn sống tại ruộng. |
Những năm gần đây, do thời tiết thay đổi, giá rét của mùa đông mất dần, thay vào đó là nắng nóng nên những vụ liên tiếp vừa qua rau liệt đã bị mất mùa, năng suất giảm sút. Chỉ tính vụ mùa năm 2015 này, toàn xã đã thất thu hơn 3 tỉ tiền rau.
Vì sinh trưởng trong một môi trường đặc biệt nên cây rau liệt ở Gio An thường có màu xanh bóng láng, lá to, còn cành và thân nhỏ, mùi thơm và vị đậm đà hơn so với rau liệt trồng ở các tỉnh, thành khác.
Chính vì những ưu điểm ấy nên thị trường thu mua rau liệt ngày càng được mở rộng, hiện tại rau được xuất đi các tỉnh, thành lân cận như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và sang cả Lào.
“Hy vọng trong tương lai gần sắp tới, chúng tôi sẽ đưa thương hiệu rau liệt Gio An có mặt ở thêm nhiều tỉnh, thành trong toàn quốc. Thế nhưng để làm được điều này cần phải có những chính sách bảo vệ và khôi phục các giếng cổ. Bởi lẽ, rau sống được là nhờ nguồn nước giếng ấy. Giếng cổ còn rau còn, giếng cổ mất thì rau cũng sẽ bị “xóa sổ” theo” – ông Hiếu chia sẻ.
(Theo PL)