Trước khi 'cụ Rùa' Hồ Gươm chết chiều qua, đã có ít nhất 3 'cụ rùa' khổng lồ ở hồ Hoàn Kiếm bị xẻ thịt.

Rùa Hồ Gươm quan trọng trong văn hóa tâm linh người dân cả nước đến nỗi, mỗi lần “cụ” nổi lên trên mặt nước, cũng khiến hàng triệu người quan tâm, để ý, thậm chí còn lo lắng rằng “cụ” đang… khó ở.

Riêng với PGS-TS Hà Đình Đức, mỗi khi “cụ rùa” có biểu hiện lạ là ông mất ăn mất ngủ. Chẳng thế mà, mấy lần, ngồi tiếp chuyện với ông, mấy lần ông mắng mỏ tôi vì tội gọi “cụ rùa” là “con rùa”, “loài rùa”, “giống rùa”.

Ông Đức say mê rùa đến nỗi, cả ngày, cả tháng, cả năm, ông sẵn sàng tiếp chuyện bất cứ ai muốn tìm hiểu về rùa Hồ Gươm. Ông sẽ nổi giận đùng đùng nếu ai đó gọi “cụ rùa” Hồ Gươm là con giải, hoặc giải Thượng Hải.

{keywords}
"Cụ" rùa cuối cùng trong Hồ Gươm vừa "qua đời"

Tuy nhiên, trên thực tế các nhà khoa học trong nước và thế giới đã làm các nghiên cứu, xét nghiệm AND và khẳng định rùa Hồ Gươm là giải Thượng Hải.

Người ta cứ mang truyền thuyết để gán cho những con giải khổng lồ Hồ Gươm. Riêng tôi, tôi chả tin. Đó chẳng qua là những sinh vật lớn của hồ Hoàn Kiếm mà thôi.

Và rất ít người biết rằng, đã có rất nhiều “cụ rùa” bị bắt ngay trên bờ hồ Hoàn Kiếm rồi bị mang đi xẻ thịt, nấu cao.

Thương tâm nhất là “cụ rùa” khổng lồ, đồn là đã 900 tuổi, bị những người đánh cá sát hại vào ngày 2/6/1967. Hôm đó, vào lúc gần trưa, sát ven bờ, tại khu vực nhà Thủy Tạ bây giờ, có rất nhiều người xúm xít xem rùa nổi. Thấy nhiều người tập trung, lực lượng công an đã tìm đến giải tán nhân dân vì sợ máy bay địch ném bom bất ngờ và cũng là bảo vệ “cụ rùa”.

“Cụ rùa” có vẻ yếu lắm, cứ nổi trên mặt nước. Trên cái mai rêu mốc ấy có một đám bọt màu hồng to như cái mũ sùi lên. Nhìn đám bọt ấy, người ta biết rằng cụ đã bị thương.

{keywords}
Rùa Hồ Gươm trong một lần nổi lên khỏi mặt nước

Trong khi hai cảnh sát đang “đội bom” bảo vệ “cụ rùa”, thì có toán người của Quốc doanh cá phóng mô tô ba bánh đến nhìn ngó. Một ông chỉ đạo đội thợ mang lưới ra quây, kéo “cụ rùa” vào bờ, một mặt sai người chạy đi gọi đại diện Công ty Thực phẩm đến định giá. Ngày đó, việc khai thác thủy sản ở Hồ Gươm là nhiệm vụ và quyền lợi của họ, nên công an cũng không can thiệp được.

Ngày đó, Quốc doanh cá thả lưới bủa vây suốt ngày ở Hồ Gươm, nhưng chỉ được cá, chứ tuyệt đối không được “ba ba” khổng lồ, nên việc tóm được chú “ba ba” ngoại cỡ này quả là chiến tích, dễ được tặng bằng khen về thành tích khai thác thủy sản, nên ai cũng hồ hởi ra mặt. Cả chục công nhân đánh cá nhảy xuống hồ vần “cụ” lên bờ, rồi vật ngửa “cụ” ra.

Nhằm đúng lúc “cụ rùa” thò đầu ra thở, họ tròng dây thừng thít cổ, rồi hò dô kéo “cụ” xềnh xệch trên mặt đất cứ như kéo pháo. Ông Đức lôi cho tôi xem cái biên bản đánh máy vẫn còn ghi rõ sự kiện này và ông Đức rất giận khi trong văn bản ấy họ gọi “cụ rùa” ở Hồ Gươm là con ba ba.

{keywords}
Tiêu bản rùa khổng lồ trong đền Ngọc Sơn

Vì là con “ba ba” khổng lồ, hiếm có, nên nó được định giá khá cao, tới... 2,7 đồng một kg. Công ty thực phẩm đang khiêng “ba ba” lên xe thì ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Duy Hưng ra chỉ thị gấp cho công an phải bảo vệ “cụ rùa”, bên y tế thì có trách nhiệm cứu chữa khẩn cấp. Có ý kiến của ông Trần Duy Hưng, ông chủ nhiệm Quốc doanh cá mới bỏ ý định bán rùa Hồ Gươm để xẻ thịt.

“Cụ rùa” được đem về căn nhà số 90 phố Thợ Nhuộm cứu chữa, nhưng do vết thương rất nặng, lại bị mấy thợ đánh cá thít cổ kéo đi, nên cụ đã qua đời ngay trong chiều hôm đó. Người ta đã mang thước ra đo, thấy chiều dài của “cụ rùa” lên tới 2,1m, ngang 1,2m, cao 0,3m và “cụ” nặng tới 250kg. Người ta cũng đo được vết thương trên lưng cụ có đường kính tới 5cm và sâu thấu phổi.

Khi đó, khu vực quanh Hồ Gươm thường xuyên bị bom Mỹ dội, nên ai cũng đoán cụ bị trúng mảnh bom. Tuy nhiên, khi mổ xẻ thì không thấy mảnh bom nào. Thế là công an vào cuộc điều tra.

Chẳng có gì khó khăn, công an đã tìm được “hung thủ” là ông Thu, một thợ đánh cá của Quốc doanh cá. Trong khi nhóm thợ đang kéo lưới vét thì bỗng thấy nặng chịch, như lưới mắc vào vật cản.

Ông Thu bơi thuyền lại gỡ lưới, thì phát hiện một con “ba ba” khổng lồ đang mắc vào lưới. Ông Thu đã lấy xà beng, thủ thế trên thuyền rồi ráng sức đâm thật lực vào lưng nó. Do đâm sâu quá, ông Thu còn bị “ba ba” kéo chạy trên mặt nước. Phải mất nhiều sức mới rút được xà beng ra khỏi lưng “ba ba”.

Sau khi gây ra cái chết cho “cụ rùa”, bị dư luận lên án, ông Thu đã trốn biệt về quê ở Thái Bình. Lúc đó, đang chiến tranh ác liệt, nên người ta cũng chả đi "hỏi tội" ông Thu làm gì.

Ngay khi “cụ rùa” chết, Chủ tịch Trần Duy Hưng đã chỉ đạo làm tiêu bản. Ông cụ tên Vũ đã moi hết ruột gan, bóc hết thịt “cụ rùa”, rồi nhồi bông vào bụng. Hiện “cụ rùa” được đặt trong tủ kính và trưng bày ở đền Ngọc Sơn cho hàng triệu người chiêm ngưỡng “ngọc thể” khổng lồ của loài rùa Hồ Gươm.

{keywords}
Bộ xương rùa trưng bày ở Bảo tàng Hà Nội dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Một “cụ rùa” Hồ Gươm xấu số nữa cũng đã bị giết, và bộ xương được bảo quản trong chùa Hưng Ký (Hoàng Mai, Hà Nội), nơi cất giữ cổ vật của Bảo tàng Hà Nội suốt mấy chục năm. “Cụ rùa” này cũng bị một vết thương lớn ở trên mai.

Cái chết của “cụ rùa” này là một bí ẩn mãi mãi không được khám phá. Chỉ đến khi “cụ” chết nổi lềnh bềnh, người ta mới phát hiện và vớt “cụ” về lọc lấy bộ xương đem bảo quản. Trong dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, dân chúng đã được chiêm ngưỡng di cốt của “cụ” rùa này ở Bảo tàng Hà Nội.

Vào khoảng năm 1963, trời mưa to, nước ngập, một “cụ rùa” hứng chí muốn ngắm phố phường Hà Nội, đã bò lên vườn hoa Chí Linh. Đúng lúc ấy, mấy thanh niên đi qua nhìn thấy đã thay nhau trèo lên lưng cụ bắt cụ… phi nước đại.

Chở mấy thanh niên nghịch ngợm một lúc thì “cụ” mệt, nằm thở phì phò. Không còn sức chống cự, mấy anh chàng bám một bên mai vật ngửa “cụ”, rồi hè nhau khiêng về mổ thịt, đem xương đi… nấu cao! Mấy người này, ông Đức thường gọi họ là mấy ông “ăn thịt di tích”!

Ngược dòng thời gian vào năm 1945, đúng dạo nước sông Hồng lên cao, mưa lớn ngập khắp phố phường Hà Nội, một “cụ rùa” đã bò lên phố Lê Thái Tổ. Mấy ông chạy xe ba gác nhìn thấy con “ba ba” khổng lồ liền đuổi theo tóm lại rồi khiêng lên xe ba gác chở về… nấu chuối xanh. Cũng may mà chính quyền đuổi theo đòi lại được. Nhưng số phận “cụ rùa” này đến nay vẫn là một ẩn số.

Sau đó hơn chục năm, vào năm 1956, bão gió, lụt lội khắp phố phường Hà Nội, một “cụ rùa” lại mò lên đền Hàng Trống. Một ông đạp xích lô đâm phải ngã chỏng vó. Tức mình, ông ta hô người khiêng “cụ” lên xe, kéo về phố Hàng Hành.

Người ta dùng thừng thít cổ cụ, treo lên xà nhà để chuẩn bị chọc tiết, xẻ thịt như mổ heo trong nhà máy bên Tây. Cũng may mà quần chúng phát hiện báo công an giải cứu “cụ rùa” đúng lúc cụ đang ngắc ngoải. Do “cụ” yếu quá, nên người ta thả cụ vào ao bán nguyệt trong Vườn Bách Thảo. Sau thì "cụ" này cũng chết.

Theo VTC