Đồng rúp của Nga tiếp tục rớt xuống mức thấp lịch sử, xuyên thủng mức thấp kỷ lục xác lập vào cuối năm 2014 khiến tương lai của nền kinh tế dưới thời trị vì của Tổng thống Vladimir Putin nhiệm kỳ thứ 3 trở nên thách thức hơn bao giờ hết.
Lần đầu tiên trong lịch sử đồng rúp của Nga rớt xuống dưới ngưỡng 80 rúp đổi 1 USD trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang chìm sâu trong suy thoái. Giá dầu lao dốc không phanh đang khiến cơ hội hồi phục của đất nước xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới trở nên xa vời hơn bao giờ hết.
Trong phiên giao dịch 20/1/2016, đồng rúp giảm 4,1% xuống 81,941 rúp đổi 1 USD, xuyên thủng kỷ lục thấp của đồng tiền này ghi nhận được trong cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính Nga trong tháng 12/2014.
Khác với nỗ lực can thiệp trước đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina giờ đây cho rằng, đồng rúp đang được giao dịch ở một mức giá hợp lý và không cần sự hỗ trợ nào cả.
Giá dầu xuống mức thấp lịch sử, phá ngưỡng 81 rúp đổi 1 USD. |
Đồng rúp rớt xuống mức thấp kỷ lục mới được cho là do giá dầu chìm sâu trong 3 tuần đầu năm mới 2016 trong bối cảnh nguồn cung trên thế giới không hề suy giảm mà còn có thể còn tăng do cường quốc dầu mỏ Iran sắp tham gia thị trường sau khi được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ lệnh cấm vận. Trong khi đó, cầu tiêu thụ dầu có thể còn giảm do kinh tế Trung Quốc và nhiều nền kinh tế mới nổi khác tăng trưởng chậm lại nhanh chóng.
Trong năm 2015, đồng rúp đã mất giá 26% so với USD và đóng cửa ở mức hơn 73 rúp/USD. Trước đó, trong năm 2014, đồng tiền này cũng đã mất giá gần một nửa.
Như vậy, sau một thời gian khá ổn định nửa đầu 2015, trong khoảng 50-60 rúp đổi 1 USD, đồng tiền của nước Nga đã tiếp tục rơi vào thời kỳ khủng hoảng. Đồng tiền này trượt giá mạnh trong những ngày đầu năm mới do dầu bất ngờ rớt sâu xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng.
Sự biến động của đồng rúp diễn ra trong bối cảnh Nga không đủ lực để néo giữ đồng tiền này ở một mức tương đối cố định, xung quanh mức 30-35 rúp đổi 1 USD trong nhiều năm trước đó. Ngày 10/11/2014, NHTW Nga đã buộc phải thả nổi đồng rúp do lạm phát nước này tăng cao trong bối cảnh nước Nga chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây trong đó có Mỹ và EU.
Sự tụt giảm dự trữ ngoại hối đã khiến NHTW Nga không thể phiêu lưu mang tiền ra cứu đồng rúp. Kể từ tháng 7/2015, bà Elvira Nabiullina đã không mua bán ngoại tệ trên thị trường cho dù vẫn trấn an người dân và khẳng định họ có đủ công cụ để can thiệp trong trường hợp thị trường bất ổn.
Ông Putin đau đầu vì dấu, rúp giảm giá. |
Putin đau đầu vì rúp mất giá, dầu lao dốc
Hiện tượng đồng rúp giảm giá liên tục và chưa có dấu hiệu ngừng giảm đã khiến Thủ tướng Medvedev cảnh báo về một "kịch bản xấu nhất" cho nền kinh tế nước này.
Dầu và khí đốt cung cấp hơn 50% cho ngân sách nước Nga. Do vậy, không có gì đảm bảo cho một tương lai tươi sáng hơn cho nền kinh tế dưới thời trị vì của Tổng thống Vladimir Putin trong nhiệm kỳ thứ 3 này khi mà nhiều dự báo cho rằng, dầu có thể còn giảm xuống 20 USD/thùng, thậm chí 10 USD/thùng khi mà cuộc chiến dầu khí giữa OPEC và các nước không thuộc tổ chức này đang ngày càng căng thẳng.
Chính ông Putin cũng từng cho rằng, việc giá dầu trở lại 50 USD/thùng trong năm nay như cái mốc mà nước Nga dùng để tính toán cho ngân sách là một con số không thực tế.
Trước đó, nhiều quan chức trong chính quyền Moscow cho rằng, kinh tế Nga có thể hồi phục trở lại trong năm 2016 sau khi suy giảm khoảng 3,7% trong năm 2015. Tuy nhiên, nhiều người trong cuộc cũng đã nghi ngờ về khả năng này.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây vừa hạ dự báo tăng trưởng của Nga. Theo đó, GDP của nước này sẽ giảm 1% trong năm 2016 do giá dầu thô vẫn trên đà giảm giá và khó sớm hồi phục.
Trên thực tế, Nga đã đưa ra khá nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn. Chính phủ Nga đã lên kế hoạch cắt giảm 10% chi tiêu ngay trong năm 2016 với hy vọng tiết kiệm được khoảng 9,2 tỷ USD nhằm giảm khoản thâm hụt ngân sách dự kiến gần 34 tỷ USD.
Mặc dù vậy, triển vọng kinh tế Nga dường như chưa thể thoát ra khỏi diễn biến của mặt hàng xuất khẩu chủ lực dầu thô. Cú sốc từ Iran với khả năng sản xuất dầu siêu rẻ (có thể xuống tới 1 USD/thùng) cùng với sự “cứng đầu” của người dẫn dắt OPEC Saudi Arabia và những tín hiệu đáng buồn của kinh tế Trung Quốc… khiến dầu khó có cơ hội ngóc đầu trở lại.
Đồng rúp của Nga xuống tới ngưỡng 82 rúp đổi 1 USD. |
Sức ép đang ngày càng tăng đối với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhất là trong bối cảnh nước này đang vật lộn chưa thoát ra khỏi đợt suy thoái nặng nề nhất kể từ năm 2009.
Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây dự báo kinh tế Nga có thể giảm 4,3% trong năm 2015 và tiếp tục rơi vào suy thoái trong năm tới.
Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin vẫn rất cao. Một thăm dò hồi cuối 2015 cho thấy, gần 90% người dân Nga ủng hộ ông Putin bất chấp thực tế kinh tế Nga gặp khó khăn. Mặc dù vậy, ông Putin cũng đang chịu rất nhiều khó khăn áp lực khi mà người dân Nga đang phải trả nhiều cho các bước đi chính trị. Đồng rúp xuống thấp kỷ lục đang gia tăng sức ép lên giá cả tại Nga sau khi lạm phát đã đạt trên 12% trong năm 2015. Một thống kê trước đó cho thấy có tới 14% dân số Nga đang sống trong cảnh nghèo khó.
V. Minh