Không có con số thống kê cụ thể nào, chỉ biết rằng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, người làm dịch vụ cho vay tiền rất nhiều. Với các dịch vụ này, mọi thủ tục vay đơn giản, nhanh gọn rất nhiều lần vay ở ngân hàng. Nhưng không phải ai vay được tiền rồi cũng sung sướng. Không ít người khốn khổ vì vướng vào “tín dụng đen”.

Hà Nội vẫn còn những xóm liều, xóm nào cũng nhang nhác giống nhau, bởi đa số dân làm nghề tự do, bán xôi bán bánh, chạy xe chở hàng thuê, buôn hoa quả rong... Và đi kèm với đội quân này là dịch vụ lô đề, cho vay nặng lãi. Có ở trong những xóm liều mới thấy cơn “khát” tiền cao độ ở mức nào.

Thị trường béo bở

Do có quen biết từ trước, nên tôi có ý định tìm hiểu công việc làm ăn của Minh “Lepzic” biệt hiệu của một đầu mối “tín dụng đen” ở khu vực các quận Thanh Xuân và Đống Đa (Hà Nội). Sở dĩ Minh có biệt danh này vì khi 19 tuổi hắn đã rời quê Ninh Bình, sang Đức làm ăn, rồi gây ra những vụ thanh toán, bắn nhau. Minh bị cảnh sát Đức trục xuất về Việt Nam và cấm cửa quay trở lại châu Âu. Về nước, Minh vẫn phát huy sở trường, tập hợp vốn liếng nuôi đàn em “chăn chíp” và làm nghề “tín dụng” (cho vay tiền).

Gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực này, Minh bật mí: “Những xóm liều ở Hà Nội là thị trường béo bở nhất, tuy không có những miếng to nhưng thu nhập đều và khả năng rủi ro thấp”.

{keywords}

Nhân viên dịch vụ cho vay tiền (trái) đang thu tiền lãi.

Minh bảo, nhiều người vẫn nghĩ dân xóm liều kinh khủng, lưu manh, máu lạnh. Nhưng đã đến xóm liều thì xác định thuộc loại “ăn bốc đi đất” rồi, vì ai cũng cần một chỗ để sống. Sống lệch ở xóm liều chỉ còn nước là chui xuống đất, nên đám dân tứ cố vô thân chẳng dại gì chọn kiểu ấy cả, nên họ vay là trả, chưa có thì phải đi “cày” để trả bằng được.

Để có cơ sở kinh doanh, hiện nay nhóm của Minh “chiếm” được địa bàn xóm Gò thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân.

Lịch sử xóm Gò ghi nhận: Trước kia, sau trận chiến gò Đống Đa, quân Tây Sơn đã dùng khu vực này làm nơi chôn xác giặc Mãn Thanh. Xác giặc nhiều đến nỗi chất cao thành 7 cái gò, và khu đất mồ mả này có tên là xóm Gò từ đó. 25 năm trước, nơi này vẫn là những thửa đất hoang chỉ để cấy rau muống, từ khi chia tách phường người dân tới đây chiếm đất làm nơi trú ngụ rất nhiều. Dân tứ cố vô thân dựng lều, nhà cấp 4 nhan nhản, rồi bán mua chuyển nhượng cho nhau tùm lum với tỷ lệ dân số hằng năm tăng gấp đôi so với số lều, nhà được dựng.

Đây là thị trường béo bở của Minh “Lepzic”. Ngoài ra Minh còn liên kết với mấy tay làm tín dụng khác để mở rộng thị trường ở xóm liều Hoàng Cầu, Long Biên và khu vực Lương Yên.

Minh bật mí: “Cứ có trong tay dăm cái xóm liều thì đảm bảo dân cho vay lãi không bao giờ chết đói, tất nhiên phải có vài đệ “cứng”, sẵn sàng dao búa để dẹp yên mấy con nợ tính chuyện bùng, hay truy tìm bằng ra nơi khách hàng trốn, thế là ổn”.

{keywords}

Khoản tiền mà Vinh “quắt” chuẩn bị đem cho vay.

“Không có tiền, mang đồ đến xử!”

Được sự giới thiệu của Minh, tôi gặp Vinh “quắt” - nhân viên tín dụng của Minh để đi theo hắn một ngày giải ngân - thu nợ ở xóm Gò. Vinh nói: “Tầm nhân viên như em được duyệt cho vay đến 10 triệu đồng, khách nào nhân thân tốt, có nghĩa trong quá khứ chưa bùng nợ, đúng hẹn thì có thể cho vay đến 20 triệu”.

Nguyên tắc vay bằng tín chấp, nghĩa là không có tài sản gì kèm theo thì 1 triệu đồng lãi 5.000 đồng/ngày. Vay dài ngày thu lãi trước 10 ngày một, còn vay có kèm theo tài sản thì lãi 3.000 đồng /1 triệu đồng/ngày, đảm bảo tiền giải ngân trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Nếu lãi 5.000 đồng thì chủ đầu tư vốn thu 3.000; nhân viên tín dụng được 1.000, còn 1.000 dùng để xử lý rủi ro bùng nợ, thực ra là làm việc dao búa.

Vinh chở tôi bằng xe máy, phóng vèo vèo vào xóm Gò, rồi đỗ xịch ngay trước một dãy nhà tạm, lợp bạt. Trước nhà là 4 chiếc xe chở hàng ba bánh, giống như xe thương binh. Vinh cất giọng gọi: “Ông Bình ơi, đến ngày đóng lãi rồi”.

Hôm sau, tôi gặp lại Vinh “quắt”. Nhắc lại chuyện mang “đồ” đi xử lý con nợ hôm trước, hắn cho biết: “Đó là chuyện vặt anh ạ, có những ngày bọn em đi thu nợ đánh nhau tới 3 trận tơi bời mới lấy được tiền. Nhiều khách hàng rắn, mình không cứng, khó ăn được tiền của họ”.

 Từ trong nhà tạm, một người đàn ông gần 50 tuổi lập cập chạy ra, đứng lần hết túi áo trên đến túi quần dưới, đếm đi đếm lại được 600.000 đồng. Ông này nói khó với Vinh: “Mấy hôm nay có việc gì mà người ta bắt xe kinh lắm, bọn anh cả ngày phải nấp ở nhà, tối đến mới chở được ít hàng vặt, người anh em cho tôi thiếu 400, mấy hôm nữa tôi đưa đủ?”.

Vinh “quắt” quắc mắt nói: “Không được, chiều tôi quay lại ông phải nộp đủ, hôm nay là ngày chốt sổ với sếp rồi, ông muốn làm gì thì làm, không nộp lãi là tôi đòi cả gốc đấy”. Hình như đã quá quen với phong cách dữ dằn của Vinh, ông Bình chỉ còn cách ậm ừ hẹn 7 giờ tối.

Quay đi Vinh nói với tôi: “Thằng đó còn tiền nhưng găm lại đấy, đợi đến 7 giờ tối xem có ăn lô không thì trả đấy mà. Nó vay 20 triệu đồng từ năm ngoái để mua cái xe chở hàng, mỗi tháng trả 3 triệu lãi, nhưng ít khi chậm tiền lắm”.

Đi sâu vào trong xóm Gò, Vinh dừng lại trước cửa một bàn bán rau, thịt cho sinh viên và đám thợ xây trọ ở đây, thì bị ngay một chị khoảng 30 tuổi túm được mắng té tát: “Đ.m các ông, còn coi tôi là con em thì đừng cho thằng chồng chết đâm, chết chém của tôi vay tiền nữa, nhìn đàn con tôi kia kìa! Đầu tháng làm đ. gì có tiền đóng học”.

Từ trong nhà một thanh niên cũng khoảng 30 tuổi gầy dặt dẹo, tay cầm cái điếu cầy phi ra quát: “Con điên này cút vào trong, táng bỏ m. mày bây giờ”. Thì ra gã là chồng của chị bán rau. Vinh vớ được hắn liền nói: “Tao không giao dịch với vợ mày nhé, sao để vợ mày thái độ với tao?”.

Gã chồng gầy còm nhom nhăn nhở: “Chấp gì! Hôm nay tôi đến hẹn trả cả gốc lẫn lãi 22 củ (triệu), nhưng giờ mới có 12 củ thôi, ông để tôi đi xoay mai đến tôi trả”. Vinh đếm xong 12 triệu, nghe điện thoại, rồi quay sang nói với tôi: “Anh tự về đi, ở Giáp Bát có mấy thằng khách đang định lệch, em về lấy đồ rồi ra xử lý chúng nó”.

Trước khi đi, Vinh còn chỉ vào mặt anh gầy thiếu 10 triệu đồng, nói: “Mai không có thì tôi mang đồ đến gặp ông đấy!”.

(Theo Dân Việt)