Đầu năm 2016, tổ chức sách kỷ lục Guinness đã trao tặng danh hiệu “Ứng dụng đầu tiên bị gỡ bỏ sau khi đứng trên top của App Store cho Nguyễn Hà Đông, tác giả game Flappy Bird nổi tiếng. Dù đây là kỷ lục khác thường và chưa có tiền lệ, nhưng đã khẳng định sự thành công của giới trẻ Việt Nam được thế giới ghi nhận.
Hà Đông - Flappy Bird
Năm 2014, game di động Flappy Bird mới khiến dư luận dậy sóng khi trở thành một trong những tựa game được đánh giá “gây nghiện” nhất thế giới. Vào lúc cao điểm, Flappy Bird mang lại cho Hà Đông khoảng 50 nghìn USD/ngày khi không chỉ gây sốt với người Việt mà trên toàn thế giới.Thành công từ game di động đã đưa tên tuổi của Nguyễn Hà Đông lên tầm thế giới.
Hà Đông cùng CEO Google trong buổi gặp gỡ |
Tuy nhiên, Nguyễn Hà Đông đã quyết định “khai tử” tựa game này, cho dù Flappy Bird vẫn đứng hàng đầu các ứng dụng được tải nhiều nhất trên cả App Store lẫn Google Play.
Cuối tháng 12, CEO Google đã có chuyến thăm tới Việt Nam. Nguyễn Hà Đông cũng là người trẻ được trò chuyện với vị lãnh đạo tập đoàn lớn về công nghệ tại một quán trà đá vỉa hè ở Hà Nội. Nguyễn Hà Đông cũng là là một trong 30 người có mặt trong danh sách “30 under 30” do tạp chí Forbes Việt Nam lựa chọn.
Nữ hoàng khởi nghiệp Việt Nam
“Nữ hoàng khởi nghiệp Việt Nam” là cái tên mà BCC gọi cô gái người Việt, Thủy Trương (tên đầy đủ Trương Thanh Thủy) bởi cô là người Việt đầu tiên có ứng dụng được công ty tại thung lũng Silicon, Mỹ, mua với giá triệu đô.
Trước tuổi 30, Thủy thành lập tổng cộng 3 doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau, một trong số đó có chỗ đứng nhất định tại thung lũng công nghệ nổi tiếng Silicon. Có thể nói cô là nữ hoàng khởi nghiệp thành công trên đất Mỹ.
Cô gái xinh đẹp được ví như nữ hoàng khởi nghiệp |
Tốt nghiệp Đại học Nam California nhưng Thủy quyết định khăn gói trở về quê hương để phát triển sự nghiệp. Trong thời gian mở công ty sữa chua ở Biên Hoà, Thủy cộng tác với một bạn mở Công ty GreenGar, chuyên phát triển phần mềm và ứng dụng cho điện thoại thông minh, và đặt trụ sở TP HCM. Whiteboard, một trong những ứng dụng nổi bật nhất mà công ty Thủy từng phát triển, đạt 9 triệu lượt tải trong 4 năm đầu kể từ khi ra mắt. Ứng dụng này được các sinh viên tại nhiều trường học ở hơn 100 quốc gia sử dụng.
Lần thứ ba khởi nghiệp, Thủy cho ra đời phần mềm nhắn tin xã hội Tappy – được coi là thành công lớn nhất của cô gái 29 tuổi này. Khoảng 10 tháng sau, Tappy được Công ty game di động Weeby (trụ sở thung lũng Silicon, bang California – Mỹ) mua lại với giá trị lên đến 7 con số. Cô cũng được mời làm giám đốc phát triển kinh doanh của Weeby tại khu vực châu Á.
Top 100 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới
Một cô gái khác cũng khá đáng nể về thành tích của mình là Trần Thị Khánh Trang. Trang đã được tạp chí Mỹ vinh danh “Top 100 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới” (Top 100 Leading Global Thinkers 2015).
Sau khi học tập tại Mỹ, Trang đã quyết định về nước lập nghiệp. Từ rơm rạ ngoài đồng, Trang đã tìm ra được giải pháp cải thiện tình trạng đốt rơm rạ tràn lan ở những vùng nông thôn, dự án về nông nghiệp đã ra đời.
Nguồn vốn ban đầu đến từ những học bổng Khánh Trang giành được khi còn là sinh viên tại trường Colorado State và từ các tổ chức đỡ đầu doanh nhân doanh nghiệp xã hội hàng đầu trên thế giới như tổ chức Echoing Green tại Hoa Kỳ. Trang cũng đưa Fargreen thành công trong việc tìm đầu tư từ rất nhiều các cuộc thi khởi nghiệp tại châu Mỹ và châu Âu. Hai giải lớn phải kể đến là Giải nhì cuộc thi Thử thách Xanh (Green Challenge) năm 2014 tại Hà Lan và Giải nhất cuộc thi Dự án Doanh nghiệp Xã hội Toàn Cầu (Global Social Entrepreneurship Competition) năm 2014 được tổ chức bởi Đại Học Tổng Hợp bang Washington.
Cô gái thành công từ rơm rạ |
Năm 2015, Trang được tổ chức TED chọn làm thành viên chính thức và được tạp chí Foreign Policy của Mỹ chọn vào nhóm 13 nhà quản lý thuộc 100 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới (Top 100 Leading Global Thinkers).
Theo đánh giá của tạp chí Mỹ, nữ CEO trẻ tuổi này không chỉ nhìn ra lợi ích của việc trồng nấm, tăng thu nhập, giảm khí thải độc hại mà còn có tầm nhìn về cơ hội kinh doanh nấm tại Việt Nam.
Ông bố sữa mẹ
Nhận được giải thưởng sáng tạo vì trẻ em – Unicef Mobile Hackathon, dự án xuất sắc nhất – Vietnam Demo Day 2014 và giải nhất bình chọn – Startup Nations Competition – Hàn Quốc 2014, đó là những gì mà ông bố Trình Quốc Tuấn đạt được từ khi bắt tay vào khởi nghiệp.
Tuấn trở thành gà trống nuôi con sau khi người vợ qua đời sau khi sinh 10 ngày. Mới chỉ mới bắt đầu hành trình làm cha, Tuấn đã phải đảm nhận thêm vai trò của một người mẹ.Lúc đó việc chăm sóc và nuôi dưỡng một đứa trẻ với ông bố trẻ hoàn toàn lạ lẫm, thiếu kiến thức lẫn kinh nghiệm.
Ông bố trẻ khởi nghiệp từ điều hết sức giản dị |
Chuỗi ngày ròng rã xin sữa mẹ cho con gái, đã tạo động lực cho nhiều người mẹ cố gắng làm điều tốt nhất cho con. Tuấn cùng với những con người chung chí hướng sáng lập ngân hàng sữa mẹ (Human milk for human babies Vietnam) và hội sữa mẹ với mong muốn có ngày càng nhiều trẻ em được bú sữa mẹ.
Đồng thời, Tuấn nhận thấy rất nhiều bà mẹ cũng gặp phải những vấn đề khó khăn như trong hành trình nuôi con. Dự án Babyme ra đời để giúp các bà mẹ giải quyết những khó khăn đó và làm những điều tốt nhất cho con.
Dự án sữa mẹ của Tuấn đã thu hút hơn 9.000 thành viên, kết nối với hệ thống Human Milk for Human Babies của thế giới. Ngoài ra, anh còn là đồng sáng lập Hội Sữa mẹ, một cộng đồng hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ với hơn 40.000 thành viên.
Có thể nói những gương mặt trẻ của Việt Nam khởi nghiệp được thế giới ghi nhận thể hiện niềm tự hào của những người trẻ đam mê cống hiến và sáng tạo. Họ là những đại diện cho một thế hệ mới, nhanh nhạy về công nghệ và biết nắm bắt những cơ hội để khẳng định mình.
Trong buổi trò chuyện mới đây của CEO Google với cộng đồng Startup Việt, ông đưa ra quan điểm nên phủ sóng ở thị trường trong nước thật tốt trước khi tiến ra nước ngoài. Đây cũng là cách các startup thành công tại Trung Quốc hay Ấn Độ đang làm. Có thể startup tại Việt Nam còn gặp một số khó khăn nhất định vì thị trường chưa đủ lớn. Tuy nhiên, nếu kiên nhẫn chờ đợi, sẽ có rất nhiều cơ hội cho người làm khởi nghiệp.
D.Anh