- Trong ký ức của người già, chợ này chỉ bán duy nhất là heo và có một đội quân chuyên bồng heo thuê để kiếm sống. Đó là chợ heo Bà Rén (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), được hình thành từ những năm 70 của thế kỷ trước.

Chợ hàng độc

Chợ Bà Rén nằm bên quốc lộ 1A. Cũng giống như bao chợ khác ở miền quê đất Quảng, đây là nơi người dân gặp gỡ, trao đổi hàng hóa từ củ khoai, củ sắn đến con gà, con heo,...

Điều đặc biệt, ở chợ, người ta giành ra cả một khu đất rộng để buôn bán heo các loại, chủ yếu là heo con. Đến năm 1975, chợ heo tách hẳn ra và trở thành khu chợ heo nổi tiếng Bà Rén ngày nay.

Trưởng Ban quản lý chợ heo Bà Rén, ông Lê Đình Lai, người gắn với khu chợ này hơn 20 năm, cho biết, chợ bán duy nhất một mặt hàng là... heo, nên nhiều người ghé đây thường gọi là chợ hàng độc.

{keywords}

Chợ heo Bà Rén ngày cuối năm

{keywords}

Cảnh mua bán heo tấp nập tại chợ heo Bà Rén

“Bình quân mỗi ngày, chợ heo này mua bán hơn 2.000 heo con các loại. Có thời điểm, Trung Quốc nhập heo con để làm món heo sữa nên tại chợ có lúc mua bán cả chục nghìn con. Chất lượng heo con làm giống ở Quảng Nam khá tốt, được người bán bảo hành đổi lại trong vòng 10 ngày với trường hợp heo bệnh. Thế nên, người dân các tỉnh phía Nam rất chuộng heo bán tại chợ” - ông Lai kể.

Theo ông Lai, khu chợ là nơi tụ họp của thương lái từ các huyện đổ về mua bán, rất ít nông dân mang heo đến. Nếu ai muốn bán heo con đều phải qua tay thương lái tại đây.

Thường thì, thương lái phải lặn lội về vùng nông thôn để mua heo con, sau đó vận chuyển xuống chợ đầu mối bán lại, sau đó heo con được các đầu nậu đưa lên xe vận chuyển vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ.

“Giá heo con tại chợ này cũng trồi sụt như thị trường chứng khoán, nhưng cũng chỉ dao động ở mức người chăn nuôi có lãi”, ông Lai nói.

Theo đó, giá heo giống hiện khoảng 100.000 đồng/kg. Bình quân, mỗi con heo con nặng 3 ký trở lên thì mỗi ngày, chợ heo này tiêu thụ hơn 6 tấn, cho nguồn thu hơn nửa tỷ đồng - một nguồn thu không nhỏ với người nông dân Quảng Nam.

Bồng heo, bồng cả đói nghèo

Chợ heo Bà Rén còn có một nghề độc khác, đó là nghề bồng heo.

Không biết có tự bao giờ, nhưng có cung ắt có cầu. Nghề bồng heo xuất hiện cách đây hơn 30 năm, khi những thương lái heo tại chợ bận rộn, không còn thời gian để vận chuyển heo từ lồng này sang lồng khác đưa lên xe. Từ đó, đã hình thành đội ngũ các bà, các chị chuyên bồng heo.

{keywords}

Cảnh mua bán heo tấp nập tại chợ heo Bà Rén

{keywords}

Bà Thảo chỉ cân nặng 40 kg nhưng bà bồng con heo nặng gần 20 kg đưa lên bàn cân mỗi ngày

{keywords}

Chị Nguyễn Thị Thủy chuyên nghề bồng heo thuê, có con nặng 20 kg chị vẫn bồng nhẹ tênh.

Bà Lê Thị Thảo (50 tuổi) có thâm niên hơn 30 năm bồng heo thuê tại chợ, cho hay, nghề này đã giúp bà kiếm sống nuôi 2 đứa con ăn học. “Cái nghề cực khổ trăm bề, người lúc mô cũng mùi hôi nước đái heo, nhưng không biết làm gì để sống và nuôi 2 đứa con nhỏ nên tôi cố làm. Vậy mà cũng tròn 30 năm rồi”, bà nói.

Mỗi con heo con bồng từ lồng này sang lồng khác, sau khi mấy bà lái heo ngã giá xong họ trả bà 500 đồng đối với heo con từ 2 đến 5 kg, còn heo lớn từ 10-15 kg là 2.000 đồng. Nghề này tuy cực nhưng cho thu nhập ổn định, bình quân mỗi ngày cũng kiếm được 100.000 đồng.

Theo bà Thảo, nghề bồng heo không đơn giản, bởi bồng không chắc lỡ sẩy tay heo chạy ra ngoài không bắt lại được là phải móc túi đền cho chủ heo.

Nhiều thợ chuyên bồng heo như bà Thảo, bà Xuân, chị Thu,... đều bảo, ai mới vào nghề đều phải trả học phí. Ngày đầu đi bồng heo chưa quen, chị Nguyễn Thị Thu để chạy mất 3 con đã phải vay mượn hơn 500.000 để đền cho chủ.

Như bà Xuân phải mất hơn 10 ngày tập sự, bằng cách bắt heo trong chuồng nhà mình bồng lên thả xuống cho quen tay. Nhờ kiên nhẫn học nghề nên khi ra chợ làm, đến nay đã hơn 20 năm, bà không để con heo nào tuột khỏi tay mình.

Để cân heo, đầu tiên bà cân trọng lượng của mình, sau đó bồng heo rồi ngồi lên cân. Đem tổng trọng lượng trừ đi số cân của bà, phần còn lại là cân nặng của heo.

“Mỗi ngày bồng heo tôi lên xuống cân hàng trăm lần, mệt đứt hơi. Khổ nhất là bồng con nặng 20 kg, phải ôm cho kỹ mới dám bước lên cân. Chỉ cần sơ sẩy, ngã xuống là heo chạy mất, biết lấy chi mà đền”, bà Thảo vui vẻ kể.

Nghe các chị em chợ Bà Rén tâm sự cái nghề bồng heo, bồng cả đói nghèo mà rơi nước mắt.

Vũ Trung