Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá chia sẻ với Góc nhìn thẳng về vụ vi phạm “xăng pha nhựa” thương hiệu Petrolimex.

Chất lượng xăng dầu kém, bị gian lận pha lẫn tạp chất luôn gây lo ngại cho hàng triệu người tiêu dùng. Vấn đề này lại nóng lên một lần nữa khi những ngày vừa qua, tại Tp HCM và Tiền Giang, hàng loạt xe máy, ô tô bỗng dưng bị sự cố chết máy sau khi đổ xăng A95.

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietnamNet trao đổi với ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá, Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ KHCN về vấn đề này.

Mời bạn đọc theo dõi cuộc trao đổi tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, như ông cũng đã biết, những ngày vừa qua, tại Tp HCM, Tiền Giang, hàng loạt ô tô, xe máy gặp phải hiện tượng "bị lịm dần" khi đang chạy xe, rồi chết máy sau khi đổ xăng A95. Xin ông cho biết cụ thể về hiện tượng này và các phân tích nguyên nhân bước đầu?

Ông Trần Quốc Tuấn: Chất lượng xăng dầu được kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu sản xuất đến lưu thông ra thị trường. Năm 2015, có trên 10,5 triệu tấn xăng dầu nhập khẩu đã được kiểm tra, đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đưa ra lưu thông trên thị trường. Xăng dầu sản xuất trong nước tại một số nhà máy như Dung Quất cũng được kiểm tra rất chặt chẽ trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, trên thị trường xuất hiện tình trạng một số lượng xăng dầu nhập lậu hoặc có hiện tượng gian lận xăng dầu nên đã ảnh hưởng đến chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường.

Vừa rồi, một số hiện tượng về chất lượng xăng đã xảy ra ở địa phương ở phía Nam, Tp HCM và Tiền Giang. Chúng tôi đã vào cuộc và lấy mẫu, phân tích.

Kết quả, chúng tôi phát hiện ra một số mẫu xăng dầu, đặc biệt là mẫu xăng có liên quan đến các xe bị chết máy phát hiện trong xăng có hàm lượng nhựa cao hơn mức quy định trong tiêu chuẩn Việt Nam.

Hiện nay, tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam quy định hàm lượng nhựa không qua 5mg/100ml xăng, nhưng hàm lượng nhựa ở đây đã vượt quá nhiều lần.

Có thể, đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng chết máy, máy lịm dần khi xe sử dụng các loai xăng này.

Nhà báo Phạm Huyền: Tuy nhiên, như ông cũng đã biết, Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 đã kiểm nghiệm một số mẫu xăng do các đơn vị này cung cấp cho thấy, vẫn đạt tiêu chuẩn. Tại sao một loại xăng đã đạt tiêu chuẩn như vậy lại vẫn gây ra chết máy khi sử dụng? Xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Ông Trần Quốc Tuấn: Theo tôi được biết, các mẫu xăng được gửi đến để phân tích, thì người ta lại bỏ qua, không phân tích chỉ tiêu hàm lượng nhựa. Người ta chỉ phân tích một số chỉ tiêu theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia thôi, không làm hết. Do đó, những chỉ tiêu thì đáp ứng, những chỉ tiêu không phân tích thì không có kết quả.

Do vậy, người ta tưởng là mẫu đó đạt quy chuẩn nhưng thực tế là mẫu xăng đó đã không đạt chuẩn theo Tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn công bố áp dụng và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

Hiện nay, các doanh nghiệp đều công bố phần lớn bám sát theo ngoài Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mà còn theo Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, có vấn đề trong công tác kiểm định chất lượng xăng dầu trước khi lưu thông ra thị trường. Xin ông cho biết, thời gian vừa qua, việc kiểm soát chất lượng xăng dầu đối với xăng dầu nhập khẩu cũng như xăng dầu pha trộn trong nước trước khi đưa ra thị trường đã được thực hiện như thế nào?

Ông Trần Quốc Tuấn: Như tôi đã nêu ở trên, xăng dầu là mặt hàng đặc biệt quan trọng. Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản quản lý, từ các Nghị định quản lý về xăng dầu như Nghị định 84, 83. Bộ KHCN cũng đã ban hành Thông tư 15/2015 quy định về đo lường chất lượng xăng dầu, thay thế Thông tư 11.

{keywords}
Thông tư 15 có hiệu lực từ tháng 4/2016, trước đây vẫn áp dụng Thông tư 11, các quy định này đều quản lý chất lượng xăng dầu theo xu hướng rất chặt chẽ, từ trong sản xuất đến xăng dầu nhập khẩu, lưu thông trên thị trường, quản lý theo chuỗi và có quy định trách nhiệm cụ thể các đơn vị ở từng khâu một.

Các văn bản này cũng quy định rõ về việc quản lý các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, đại lý và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Xăng dầu tại các khâu nào không đảm bảo chất lượng thì các đơn vị, doanh nghiệp quản lý khâu đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhà nước cũng sẽ xem xét các doanh nghiệp liên đến trong việc sản xuất, cung ứng, vận chuyển và sẽ truy trách nhiệm và doanh nghiệp nào gây ra việc đó thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, quay trở lại hiện tượng sự cố cụ thể ở Tp HCM, Tiền Giang, trong trường hợp này, doanh nghiệp cung ứng loại xăng kém chất lượng như vậy thì sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào đối với người tiêu dùng? Nếu như xảy ra chuyện xăng dầu kém chất lượng lưu hành ra ngoài như vậy thì doanh nghiệp đó có bị xử phạt hay không?

Ông Trần Quốc Tuấn: Nếu có bằng chứng khẳng định rõ ràng và tất cả các kết luận cho thấy, doanh nghiệp đã bán xăng dầu không đạt chất lượng. Như vậy, doanh nghiệp này sẽ vi phạm quy định trong các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường chất lượng. Ví dụ, trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu có Nghị định 97 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Nghị định 80 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Doanh nghiệp mà bán sản phẩm xăng dầu không đảm bảo chất lượng phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin ông cho biết thêm, trong quan hệ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng ở đây thì doanh nghiệp  phải chịu trách nhiệm như thế nào đối với người tiêu dùng?

Ông Trần Quốc Tuấn: Ngoài việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử phạt bổ sung, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện bồi hoàn thiệt hại của người tiêu dùng theo quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin trân trọng cảm ơn ông!