30 năm trôi qua nhưng với những người Hà Nội đã từng trải qua thời kỳ bao cấp, trong ký ức về Tết của họ vẫn luôn hiện hữu những điều không thể nào quên...

Gặp lại người từng đề xuất gộp Tết âm với Tết dươngGặp lại người từng đề xuất gộp Tết âm với Tết dương

Tròn 30 năm về trước, Tết Bính Dần 1986 chính là cái Tết cuối cùng mang đậm “chất” bao cấp. Nhân dịp này, phóng viên Báo Gia đình và Xã hội có dịp trò chuyện với một số người Hà Nội gốc về nét văn hóa Tết trước kia.

Tết thời “tem phiếu”

Ngày đó, người Hà Nội đa phần là chỉ sắm được một con gà cúng Tết đêm giao thừa hoặc nhà nào sang hơn thì có hai con.

Chia sẻ với phóng viên Báo Gia đình & Xã hội, cụ Nguyễn Thị Hà (81 tuổi) tại phố Nguyễn Hữu Huân (Hoàn Kiếm) cho biết: “Xếp hàng từ 3 - 4 giờ sáng, mỗi người được 3 lạng thịt, 1 cân bột mì, 1 túi hàng tết trong đó có: 1 bánh pháo, 1 hộp mứt tết, chè, 1 chai rượu hoa quả có đề tem của Nhà máy rượu Hà Nội và 1 gói kẹo của Xí nghiệp Kẹo Hà Nội lúc bấy giờ”.

Nói về thứ kẹo tết lúc đó, bà Nguyễn Thị Yến – con gái cụ Hà nhớ lại: “Kẹo đó bên trong có một lớp giấy màu màu và lót một lớp giấy khác màu lòng trắng trứng, tôi nhớ là giấy đó còn có thể ăn được và trẻ con thì rất thích ăn”.

{keywords}
Xếp hàng mua hàng tết. Ảnh TL

Theo bà Yến: “Năm 1986, lúc ấy tôi 14 tuổi, xếp từ 6h sáng đến 5h chiều để mua gạo ở cửa hàng Cung cấp Thực phẩm Vân Hồ, đến trưa đói nhưng không dám bỏ về và đợi đến 5h chiều đến lượt thì… cũng hết nước mắm!”.

“Cả ngày chen chúc nhau đến lả người, có hôm đặt viên gạch để giữ chỗ nhưng lát sau quay lại thì gạch đã bị đá tung đi mất rồi”.

Nhiều thứ đã không còn được lưu giữ

Mâm cỗ Tết của người Hà Nội ngày nay rất sang trọng và đủ đầy nhưng có một vài món ăn vốn đã gắn bó từ lâu đã không còn nữa. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người Hà Nội nuối tiếc hơn chính là tình cảm trong Tết giờ đây đã phai nhạt hơn trước kia rất nhiều.

Đối với người Hà Nội thời đó, mâm cỗ Tết thường tuân chuẩn theo nguyên tắc “ba bát, năm đĩa” hoặc có thể “bốn bát, năm đĩa” tùy theo điều kiện.

Trong đó, “ba bát” bao gồm: canh măng, canh bóng và canh khoai. Canh khoai hồi đó chính là khoai tây nấu cà ri: cổ, cánh gà chặt ra, nấu trộn với khoai tây xào và hòa bột cà ri thơm lừng lên và rất ngậy.

Ngoài bánh chưng, xôi gấc thì 5 đĩa bắt buộc là: gà luộc, giò xào, giò lụa, nộm và một đĩa hạnh nhân xào. Nếu nhà nào sang thì sẽ có thêm chả quế.

Nói về món hạnh nhân xào – cái tên nghe rất sang nhưng thực tế với người Hà Nội ngày đó là “đầu thừa, đuôi thẹo” của củ su hào, cà rốt đem thái hạt lựu, xào trộn lẫn với mề gà băm nhỏ và sau cùng có nêm thêm lạc rang.

{keywords}
Đường phố Hà Nội những ngày tết xưa. Ảnh TL

“Hồi ấy người ta ăn uống thanh cảnh lắm, cái gì cũng nhỏ nhỏ xinh xinh thôi nhưng vẫn phải đầy đủ, chứ không “ăn thùng uống vại” như bây giờ. Ví dụ như một con gà ngày xưa phải chặt nhỏ ra và bày được 3-4 đĩa” – bà Yến chia sẻ.

Bà Lâm (78 tuổi) tại số 34 Lương Ngọc Quyến cho biết: “Tôi nhớ là tầm 22, 23 thì mọi người đã rủ nhau mang trứng gà và bột mì đến cửa hàng làm bánh quy gai để họ gia công.

Nhà nào cũng như nhà nào, chỉ khác ở lượng trứng và khuôn bánh thôi. Tôi đi từ 4 - 5 giờ sáng mà đợi mãi đến chiều tối vẫn chưa đến lượt làm bánh. Bánh làm xong, mang về cho vào túi buộc lại để đến tết mở ra ăn rất ngon!”

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Lâm (78 tuổi)l, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Ảnh: N.Thuyết

Đặc biệt, chè kho là món không thể thiếu. Gồm có: chè kho, chè bà cốt, chè con ong. Chia sẻ với phóng viên, bà Yến nói rằng: “Ngày Tết nhà nào cũng có các loại chè đó, khách đến chơi bao giờ cũng nếm và ăn chè nào mà ngon thì chứng tỏ gia chủ đó đảm đang. Bây giờ thì có một số người vẫn nhớ nhưng chỉ mua thôi chứ không làm”.

{keywords}
Chè kho là một món không thể thiếu trong ngày Tết của người Hà Nội. Ảnh: Monngon

Với hoa ngày Tết, mặc dù không nhiều như bây giờ nhưng nguyên tắc của người Hà Nội lúc bấy giờ là nhà nào cũng phải có một bình hoa “thập cẩm”. Gọi là bình hoa “thập cẩm” bởi vì gồm nhiều loại: hoa dơn, thược dược, violet, hoa đồng tiền và hoa mõm chó. Còn ban thờ thì cũng phải có cành đào, hoa huệ hoặc hoa thủy tiên.

Mâm ngũ quả ngày Tết những năm bao cấp chỉ có: cam đường (còn gọi là cam giấy), bưởi, chuối, quất, ớt và táo Thiện Phiến. Trong đó, cam đường và táo thiện phiến là hai loại quả nhất thiết phải có.

Theo bà Yến thì “cam đường đó có thể để được lâu và phải qua rằm tháng Giêng mới được ăn. Nhưng vì giống cam ấy ít năng suất nên dần dần người ta không trồng nữa…”. Còn táo Thiện Phiến là một giống táo ngon thường trồng ở vùng đất Thiện Phiến (Hưng Yên) ngày trước, quả dạng tròn hơi dẹt vốn rất được chuộng lúc bấy giờ.

Hồi đó, quy định chỉ được nghỉ tết từ chiều 30 Tết đến hết mồng ba. Bà Hà kể rằng: “Mồng bốn đã phải đi làm rồi chứ đâu có được nghỉ nhiều như bây giờ. Nhân viên trông thấy thủ trưởng thì sợ lắm, Tết đến gần nhưng phải dấu diếm đi chợ búa hoặc là phải tranh thủ đi thật sớm.

Tết bây giờ được nghỉ nhiều, muốn mua gì đều có nhưng người ta chạy theo sắm sửa vật chất quá nhiều và tình cảm thì không chan hòa như trước nữa”.

Theo GĐ&XH