Thường là trước 30 tết vài ngày, các bà nội trợ lại “giật mình” đi mua sắm bổ sung cho tủ lạnh. Nhưng theo các chuyên gia, chính giờ phút “bồng bột” đó mà thực phẩm ngày tết thường ê hề, đổ đi sau tết.

Nhớ lại sự kiện kinh dị tết Ất Mùi năm trước, chị Trần Thu Hồng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn không hết kinh hãi. Như mọi năm, 27 tết, chị Hoa đã cùng chồng con cùng về quê nội ăn tết. Nhưng vào dịp tết, chị có nhiều bạn bè cho thực phẩm, chồng cũng có người biếu quà quê. Thế là chị không sắm mà nhà chất đầy đồ: 2 cân giò nạc, 1 cân giò bò, 1 cân giò ngựa, 2 cân thịt bò úc. Còn có 2 con gà, 2 cân sườn. Con thích ăn đồ hải sản nên chị cũng bê 2 cân tôm, 2 cân mực, dự định liên hoan trước tết, nhưng do bận rộn nên chị chất đống cả trong tủ lạnh. Mẹ đẻ ở Thái Nguyên lại gửi xuống nửa con lợn mán, 5 con chim câu “nhà nuôi được”, rồi mấy con cá trắm đen “nhà bắt được”, 6 cái bánh chưng “nhà gói được”. Cùng với rau dưa, bánh mứt kẹo… May mà nhà chị sắm tủ lạnh 2 cánh gần 600 lít nên mới chất hết.

Chị Hồng dự định ra tết mời đồng nghiệp rồi họ hàng về làm lẩu 1-2 bữa thì cũng hết. Nào ngờ, chồng yêu quý của chị Hồng cẩn thận củi lửa nên khi đóng cửa về quê đã dập cầu dao tổng. Tết năm ngoái trời nóng, ẩm ướt, cộng với trong nhà đóng kín cửa nên đồ trong tủ lạnh thiu thối hết, chảy từng vũng nước kinh dị ra sàn nhà.

{keywords}

“Không thể miêu tả nổi cảm giác kinh hãi khi tối mùng 5 tết quay về nhà, mở cửa ra. Mùi hôi thối nồng nặc tựa như có con vật khổng lồ chết thối rữa trong nhà. Đến mức hàng xóm còn chạy ra cửa hỏi “Mùi gì mà kinh thế” – chị Hồng rùng mình.

Chị Hồng phải sơ tán hai đứa con nhỏ về nhà chị gái, còn hai vợ chồng đeo khẩu trang, bò ra lau dọn. Đồ ăn thiu thối phải bỏ vào các túi nilon bọc thật kín, đem ra tận ngoài xe rác thả chứ không dám ném ở chỗ đổ rác ở chung cư. Chăn đệm ở buồng ngủ, rèm cửa, sopha đều ám mùi thối, phải đem giặt toàn bộ. Chị vừa lau vừa khóc, vừa oán trách ông chồng. Có lúc không chịu nổi chị nôn thốc nôn tháo. Dù xông phòng bằng đủ cách, xịt hàng chục lọ nước xịt phòng nhưng cả tháng sau, chị Hồng vẫn thấy mùi hôi thối phảng phất.

“Tính ra mấy chục cân thịt các loại, vứt đi gần chục triệu đồng. Đầu năm đã thối nên hai vợ chồng cãi nhau kịch liệt, làm ăn cũng bết bát. Rút kinh nghiệm năm nay, đến mùng 2 tết gia đình mới về quê nhưng mình lên thực đơn kỹ cho từng ngày, mua vừa đủ dùng. Đồ cúng cũng làm ít một, không ăn hết cũng tận dụng cho người nhà ăn hết vào hôm sau chứ không chế biến thêm món mới. Còn mùng 2 tết về quê, nếu còn gì trong tủ mình cũng sẽ mang về quê luôn. Giờ chỉ mùng 2 tết là người ta họp chợ rồi, ăn đắt một tí cũng còn tiết kiệm hơn mua về mà đổ đi” – chị Hồng cho biết.

Cũng có kinh nghiệm đau thương từ tủ lạnh ngày tết, năm nay, chị Nguyễn Thị Lịch (Mai Dịch, Hà Nội) chỉ mua dè dặt ít xương nấu măng, 2 con gà cúng ngày 30 và mùng 1, 1 cân giò nạc, 1 cân giò bò và nửa cân tôm. “Năm ngoái, tôi mua nhiều đồ nên tủ lạnh không đủ tích trữ, phải để giò, bánh chưng bên ngoài. Vì thế, bánh chưng mốc nấm xanh nhưng tôi vẫn tiếc của giời nên gọt phần mốc đi, rán cho cả nhà ăn. Nào ngờ, cả nhà ngộ độc thực phẩm, mùng 5 tết vợ chồng con cái đã nằm giăng hàng trong bệnh viện. Năm nay thì sợ rồi, chỉ ăn đồ tươi thôi” – chị Lịch cho biết.

“Không ít phụ nữ thường lo lắng chợ họp muộn, thực phẩm sau tết lên giá, cũng sợ gia đình nghỉ ngơi nên ăn nhiều, đồ cúng lễ phải làm đầy đặn, chu đáo. Vì vậy, chị em đã tích cực chất đầy đủ lạnh của mình bằng tất cả các loại thực phẩm mà chị em nghĩ là “sẽ dùng”. Sau đó lại thừa mứa, đổ đi hoặc tiếc tiền nên ăn cố, ăn thực phẩm để lưu cữu, không đảm bảo an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Hiện nay đời sống no đủ nên mọi người không chờ tết để được ăn ngon nữa. Tết bây giờ chỉ đi chơi là chính, hầu hết mọi người đều không muốn ăn uống rườm rà, cũng ngại chế biến cầu kỳ, nhiều món. Hơn nữa, ở thành phố, chợ họp đến 30, mùng 2 đã bày bán trở lại. Vì thế, chị em nên mua ít, mua đủ dùng, tốt nhất là lên thực đơn cho từng ngày tết rồi mua thực phẩm tương ứng, tránh mua sắm theo kiểu “thấy thiên hạ mua thì mình cũng mua” hoặc “nghe nói là ngon” rồi mua, rất dễ khiến gia đình “bội thực” vì thức ăn ngày tết” – bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi – Chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ với tiêu dùng Hà Nội khuyên.

(Theo Dân việt)