Theo đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (NTD): Cửa hàng cơm tại Đà Nẵng đã công khai giá bán, nếu thấy đắt thì lẽ ra khách hàng không nên mua.

Niêm yết 200.000 đồng/hộp: “Ăn thì ăn, không ăn thì thôi!”

Chuyện “chặt chém” khách đầu xuân năm mới ở các điểm du lịch không còn là chuyện mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, mới đây, câu chuyện hộp cơm hải sản giá 200.000 đồng tại Đà Nẵng khiến nhiều người tiêu dùng bất bình.

Bởi lẽ nó xảy ra ở nơi vốn được coi là “thiên đường nghỉ dưỡng” lý tưởng, ở địa danh nổi tiếng với dịch vụ hoàn hảo, giá cả phải chăng cùng những con người hiền lành, chất phác.

Điều đáng nói là mức giá 200.000 đồng/hộp lại được niêm yết giá một cách công khai.

Mặc dù Sở Văn hóa – Thể thao du lịch Đà Nẵng sau khi nghe phản ánh bức xúc của khách hàng đã tới cửa hàng kiểm tra nhưng chưa đưa ra kết luận phán quyết cuối cùng do quán cơm đột ngột dừng bán hàng.

Trao đổi với PV chiều ngày 13/2/2016, ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (Vinastas) chia sẻ: Ông có biết qua thông tin này trên báo chí tuy nhiên không theo dõi chi tiết cụ thể về sự việc.

{keywords}
Ông Vương Ngọc Tuấn, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng 

Ông Tuấn cho rằng: Về luật thì quán cơm bình dân đó không vi phạm bởi họ bán 200.000 đồng/suất và đã công bố công khai, cũng giống như việc các hãng hàng không khi bán cho hành khách đi máy bay cũng thông báo vé bán của mình.

“Chẳng hạn 2.000 USD/vé từ đây vào Sài Gòn, khách đi thì đi, không đi thì thôi” – ông Tuấn nói.

Cửa hàng cơm tại Đà Nẵng đã công khai giá cả bán nhằm thông tin với khách hàng rằng: “Tôi bán với giá đó. Rất đắt đấy. Anh ăn thì ăn, không ăn thì thôi… Nếu thấy đắt thì đừng mua”.

Theo ông Tuấn: Giả sử trước khi ngồi vào bàn ăn, khách hàng không biết mức giá đấy thì lại là chuyện khác. Còn nếu biết trước, họ bán với giá 200.000 đồng/suất mà “khách đã chấp nhận thì cũng không nên than phiền”.

Tuy vậy, ông Tuấn cũng nhấn mạnh: “Một suất cơm 200.000 đồng quả thật là đắt, nó đắt bởi vì về mặt giá trị thực phẩm, giá trị công không đáng với giá đó”.

Đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD nhận xét: Những người kinh doanh ở đây đã lợi dụng đầu xuân để nâng giá lên kiếm lời, đó là mục đích không tốt.

Câu chuyện “chặt chém” này cũng thể hiện nét văn hóa kinh doanh chộp giật, ảnh hưởng tới tâm lý và niềm tin của người tiêu dùng vào một vùng đất vốn có tiếng là thanh lịch, hiếu khách.

“Theo tôi, kinh doanh phải thể hiện trách nhiệm của họ tạo nên sự công bằng, hợp lý để người tiêu dùng có thể chấp nhận sử dụng. Ở đây, có thể anh bán đầu xuân để lấy lộc hoặc cố tình bán giá cao để kiếm lời” – ông Tuấn nhận định.

200.000 đồng/suất: Chuyện không riêng ở quán cơm

Cũng nêu quan điểm xung quanh chuyện suất cơm 200.000 đồng đầu năm mới 2016, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đã tỏ ra khá bất bình với cách kinh doanh của cửa hàng cơm bình dân tại Đà Nẵng.

Ông Phú lưu ý: “Niêm yết rồi nhưng bán theo kiểu bèo bọt như thế là không có đạo đức. Doanh nghiệp này đã nhân chuyện du lịch, lễ Tết để tranh thủ chặt chém”.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: Việc “rút hầu bao” khách hàng không chỉ xảy ra ở quán cơm này mà nó là tình trạng phổ biến ở Việt Nam.

Có rất nhiều lĩnh vực “chặt chém” du khách một cách khủng khiếp từ giá gửi xe, giá xe khách cho tới nhà nghỉ, khách sạn… Ông Phú thẳng thắn: “Ước tính có tới 50 – 70% là ma giáo”.

“Tôi đi, tôi biết nó hành mình như thế nào, không riêng chuyện ăn mà cả ngủ, nghỉ…

Nó giết chết cả một nền du lịch Việt Nam khiến Việt Nam không thể tiến lên được. Đất nước Việt Nam không thể đi lên là vì vậy. Tới đây sẽ còn nhiều cảnh “chặt chém” đau đớn tại chùa Hương và nhiều nơi khác” – ông Phú bức xúc.

Trước khi cảnh báo người tiêu dùng cẩn thận trước các “chiêu trò” của các cơ sở làm ăn, “tôi nghĩ bản thân những người kinh doanh trước hết phải có lương tâm, nếu không thì dịch vụ của mình cũng chỉ là sọt rác thôi” – ông Phú bày tỏ.

Riêng với câu chuyện 200.000 đồng một hộp cơm tại Đà Nẵng, ông Phú đề nghị cần làm rõ: “Hàng mẫu đâu mà anh nói là niêm yết rồi. Anh đã đưa hộp cơm vào những thứ gì? Cơ quan chính quyền địa phương, phòng kinh tế ở quận, huyện đó phải kiểm tra.

Chứ không phải cứ nói bán đúng niêm yết rồi là không kiểm tra”.

Ông Phú một lần nữa nhắc lại: “Đó là trò mèo, vớ vấn, cần loại trừ ngay kiểu làm ăn chộp giật như thế! Tiền nào của nấy, không thể niêm yết giá mà muốn làm voi, làm chuột gì cũng được. Không thể có chuyện một suất cơm bôi ra tý hải sản rồi đòi bán 200.000 đồng”.

Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, chị Nguyễn Thị Diệp Thy (khách du lịch TP.HCM) cùng một người bạn đến TP Đà Nẵng du lịch trong dịp Tết Bính Thân 2016.

Chiều tối ngày 10/2, chị Thy cùng bạn vào quán ăn bình dân Đỉnh Khôi (vòng xoay đường Võ Văn Kiệt – Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) mua hai hộp cơm xào hải sản mang về.

Tại đây, quán ăn làm hai hộp cơm rồi giao cho chị Thy. Tuy nhiên, chị Thy choáng váng khi nhân viên tính tiền và thông báo 2 hộp cơm hải sản có giá 400.000 đồng. Mỗi hộp có giá 200.000 đồng.

Ngày 13/2, quán cơm này đã bất ngờ nghỉ bán sau khi bị Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra. Theo xác nhận của Đoàn kiểm tra, quán bán đúng giá niêm yết nhưng không xuất hóa đơn khi khách có yêu cầu.

Theo Trí Thức Trẻ