Ngày 23/2/2015, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (mã HNG) công bố thông tin đã phát hành thành công 59 triệu cổ phần cho hai đối tác chiến lược là Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh.

Hoàn tất thương vụ, lỗ ngay gần 1.100 tỷ đồng

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/2 (ngày hoàn tất thương vụ), cổ phiếu HNG của HAGL Agrico tăng trần, đạt mức giá 9.400 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, ngay sau khi mua vào, hai đối tác chiến lược của HAGL Agrico đã lỗ gần 1.100 tỷ đồng. Nói cách khác, hai tổ chức này đã “mua hớ” cổ phiếu HNG tương đương 1.100 tỷ đồng so với giá thị trường.

Có thể thấy đây là thương vụ “kỳ lạ” hiếm thấy trong lịch sử giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, xét về quy mô thua lỗ tại thời điểm hoàn tất thương vụ.

Đương nhiên, việc xác định đối tác chiến lược trong thương vụ phát hành 59 triệu cổ phần của HAGL Agrico đã được thông qua vào tháng 10 năm ngoái. Khi đó, cổ phiếu HNG vẫn còn là một trong những “ngôi sao” trên sàn Tp.HCM (HOSE).

Cụ thể, khi quyết định được đưa ra cùng với tên cụ thể của hai đối tác chiến lược, cổ phiếu HNG đã tăng kịch trần lên mức 30.100 đồng trong phiên giao dịch ngày 30/10/2015 - cao hơn 2.100 đồng so với mức giá dự kiến chào bán.

{keywords}
Trang trại nuôi bò của HNG Agrico

Ít ai ngờ rằng, chỉ trong vỏn vẹn 4 tháng, HNG đã lao dốc nhanh về mức giá 8.300 đồng hôm 18/2/2016 và đóng cửa ở mức 10.000 đồng/cổ phiếu hôm 23/2.

Dù vậy, hai đối tác chiến lược vẫn thực hiện cam kết và mua cổ phiếu HNG với mức giá “không tưởng” 28.000 đồng/cổ phần, dù thực tế, thanh khoản vài phiên gần đây của HNG đã tăng đột biến, với hơn 40 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HOSE.

HAGL Agrico được gì?

Trong thương vụ này, lẽ dĩ nhiên bên được hưởng nhiều ưu thế là HAGL Agrico. Cái dễ thấy nhất là công ty nhanh chóng thu về hơn 1.652 tỷ đồng từ đợt phát hành.

Bên cạnh đó, cơ cấu vốn của HNG cũng trở nên lành mạnh hơn với việc bổ sung 1.652 tỷ đồng vào phần vốn chủ sở hữu.

9 tháng đầu năm 2015, công ty này lãi ròng gần 1.000 tỷ đồng. Hiện HNG vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2015.

Cổ phiếu HNG đã trải qua giai đoạn lao dốc mạnh trong vòng 1 tháng trở lại đây. Đặc biệt từ ngày 25/1/2016, cổ phiếu HNG đã có nhiều phiên giảm sàn liên tiếp.

Trước thông tin công ty này phát hành thành công 59 triệu cổ phiếu riêng lẻ với mức giá cao hơn 2,8 lần thị giá, về mặt lý thuyết, cổ phiếu HNG sẽ có nhiều cơ hội tăng giá sau giai đoạn u ám vừa qua.

Theo báo cáo bán niên soát xét 2015 của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) - công ty mẹ đang nắm giữ trên 70% cổ phần HNG, 124 triệu cổ phiếu HNG được HAG dùng làm tài sản đảm bảo cho 1.650 tỷ đồng trái phiếu của HAG.

Việc cổ phiếu HNG giảm giá như vậy không chỉ làm xấu đi tình hình của bản thân HNG, mà còn đặt HAG vào tình trạng khó khăn, do phải đối diện nguy cơ bổ sung tài sản đảm bảo cho số trái phiếu phát hành nêu trên.

Vì thế, HNG tăng giá không chỉ là mong muốn của bản thân HNG, mà còn niềm vui của HAG.

Gần đây, HAG còn đề xuất phương án trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu HNG phát hành thêm. Đây là phương án chưa từng có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu được thông qua, cổ phiếu HNG càng tăng giá, lại càng có lợi cho cổ đông của HAG…

Lợi với HNG thì đã thấy rõ, nhưng cũng vì thế mà thị trường lại thấy khó hiểu với thương vụ “kỳ lạ” mà Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh vừa thực hiện.

Được biết, hai công ty có giao dịch “lạ” này cùng được thành lập vào tháng 3/2014 và có cùng địa chỉ tại L14-08B lầu 14, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, Tp.HCM. Vốn điều lệ của hai công ty trên đều ở mức 30 tỷ đồng.

Theo VnEconomy