Dù đạt được doanh thu khổng lồ lên tới hàng tỷ USD mỗi năm nhưng công ty quản lý trang mạng xã hội Facebook lại chỉ phải nộp khoản thuế doanh nghiệp bèo bọt. Tại nhiều quốc gia, Facebook bị chỉ trích dùng chiêu trò để né thuế khiến cơ quan chức năng không làm gì được.
Thuế doanh nghiệp mà Facebook nộp cho chính phủ Anh trong năm 2014 không bằng thuế thu nhập cá nhân của một công dân Anh bình thường. Mạng xã hội đình đám chỉ đóng hơn 4.300 bảng Anh cho cơ quan thuế, thấp hơn mức trung bình của một người lao động nước này 1.000 bảng.
Tổng số tiền thuế mà mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook hoạt động tại Anh phải nộp là không tương xứng với doanh thu thực tế của Facebook tại xứ sở Sương mù. Đây là con số khó tin khiến BCC đặt câu hỏi.
Ngay cả với những quốc gia có hệ thống pháp luật chặt chẽ như ở Tây Âu, các công ty công nghệ của Mỹ cũng có những cách để lách luật và trốn thuế dễ dàng. Financial Times nhận định, với số tiền quá ít ỏi như thế, có thể xem Facebook đang gần như không phải trả thuế doanh nghiệp cho chính phủ Anh.
Doanh thu khổng lồ nhưng Facebook bị nghi án trốn thuế |
Trong phản hồi của Facebook, công ty này cho biết họ tuân thủ đầy đủ các quy định về thuế ở Anh cũng như tất cả các quốc gia khác. Sở dĩ Facebook có thể né thuế tại Anh chủ yếu vì công ty này đang đặt trụ sở châu Âu tại Ireland, vốn được biết đến là một trong những thiên đường thuế phổ biến của các doanh nghiệp hiện nay. Để trốn thuế, phần lớn các hợp đồng quảng cáo của Facebook tại Anh đều được thực hiện thông qua lãnh thổ Ireland.
Nhà đồng sáng lập Facebook, Eduardo Saverin từng bị dư luận chỉ trích khi đã từ bỏ quốc tịch Mỹ trước IPO để trốn thuế thu nhập từ kinh doanh chứng khoán. Ông Saverin xin nhập tịch ở Singapore vì đảo quốc sư tử không áp thuế thu nhập từ kinh doanh chứng khoán.
Năm 2015, Facebook ghi nhận con số tăng trưởng vượt bậc, lợi nhuận của hãng trong quý cuối cùng năm ngoái là 1,56 tỷ USD, tăng ấn tượng so với con số 701 triệu USD cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng của cả năm là 3,7 tỷ USD so với 2,9 tỷ USD của năm 2014, trong khi thu nhập tăng từ 12,5 tỷ USD lên 17,9 tỷ USD.
Facebook hiện có khoảng 1,04 tỷ người dùng hàng ngày trên tổng số 1,6 tỷ người đăng ký sử dụng mạng xã hội này.
Từ thiện để trốn thuế?
Năm 2015, tuyên bố sẽ ủng hộ 99% cổ phần Facebook để gây quỹ từ thiện của ông chủ mạng xã hội này một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi về việc trốn thuế. Thay vì lập một tổ chức từ thiện đơn giản, tỷ phú 31 tuổi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn (LCC) để quản lý tiền. LCC không những được hưởng miễn giảm một số loại thuế nhất định, mà còn được phép đầu tư thu lợi nhuận. Điều này hoàn toàn khác với những gì mà các tỷ phú trước đây vẫn làm.
Cách làm từ thiện mới của ông chủ Facebook cũng từng bị cho là trốn thuế |
Trong một bài viết trên Facebook, Zuckerberg đã giải thích:“Việc lập LLC thay vì một quỹ truyền thống khiến chúng tôi không được hưởng lợi về thuế khi chuyển nhượng cổ phần sang Sáng kiến Chan Zuckerberg. Tuy nhiên, chúng tôi có sự linh hoạt để thực hiện các nhiệm vụ một cách hiệu quả hơn.”
Về cơ bản, Mark Zuckerberg sẽ chuyển quyền sở hữu cổ phần Facebook của mình mà không phải đóng thuế lãi vốn. Anh cũng sẽ được hưởng lợi từ khả năng quỹ đó hoạt động mà không có mình, nhưng Mark và những người khác vẫn được quyền thừa hưởng mà không phải đóng các khoản thuế tài sản.
Hai vợ chồng ông Zuckerberg sẽ phải không phải bán cổ phiếu ở những năm tương ứng như khi tổ chức hoạt động từ thiện thông thường. Điều này sẽ giúp ông Zuckerberg linh hoạt hơn khi ông muôn nắm giữ cổ phiếu của mình trong bao lâu. Với tất cả các lý do trên, dường như hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn là một lựa chọn hoàn hảo để thực hiện lý tưởng của Mark Zuckerberg.
Theo chuyên gia John Cassidy, đây là một bài toán về thuế lãi vốn, thuế gia tài, thuế thu nhập cá nhân đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng và đầy khôn ngoan.
Chỉ cần đóng góp cho các công việc từ thiện và thuộc sở hữu gia đình, các quỹ dạng này có thể được miễn thuế. Cấu trúc này giúp cho các nhà từ thiện kiểm soát chặt hơn việc chi tiêu tài sản của mình. Vì các tổ chức phi lợi nhuận được miễn thuế luôn phải chịu kiểm soát chặt về các hoạt động có lợi nhuận hoặc liên quan đến chính trị.
Các quỹ từ thiện buộc phải có báo cáo thường niên và báo cáo tài chính và công bố công khai mọi chi tiết về chi phí hoạt động, chi tiêu, trong khi LLC vẫn duy trì là một công ty tư nhân và không bắt buộc phải công khai tất cả các số liệu. Một số chuyên gia đã chỉ ra rằng, các LLC từ thiện đang ngày càng trở nên phổ biến.
Nam Hải