Muốn kinh tế tăng trưởng nhanh và mạnh thì cần phải thay đổi thể chế, đưa nền kinh tế Việt Nam chuyến thành nền kinh tế thị trường, đồng thời phải có những chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ để thúc đẩy phát triển.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ”. Báo cáo nhấn mạnh đến hiện đại hóa nền kinh tế đồng thời với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm, xem đây là chìa khóa để mở đường dịch chuyển lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị tại các nước công nghiệp hóa sớm ở Đông Á.
Thực tế, vai trò và năng lực của khối doanh nghiệp tư nhân trong thời gian gần đây cũng được chú trọng và nâng cao hơn. Trong Bảng xếp hạng FAST500 (Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam) do Vietnam Report công bố mới đây cho thấy, doanh nghiệp Tư nhân tiếp tục có số lượng doanh nghiệp tăng trưởng nhanh chiếm tỷ trọng áp đảo so với hai khối Nhà nước và FDI (72% so với mức 34.1% của khối DNNN và 28.2% của khối DN FDI). Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép bình quân (CAGR) của khối này cũng ở mức cao nhất là 35.7% (so với mức 22.4% của khối DNNN và 5.6% của khối DN FDI).
Nhân dịp này, Vietnam Report có bài phỏng vấn với T.S Nguyễn Trí Hiếu về chủ đề tăng trưởng trong thời kỳ hội nhập. Ông nhấn mạnh muốn nền kinh tế tăng trưởng nhanh và mạnh thì cần phải thay đổi thể chế, đưa nền kinh tế Việt Nam chuyến thành nền kinh tế thị trường, đồng thời phải có những chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ để thúc đẩy phát triển.
- Thưa ông, được biết Chính phủ dự kiến mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 6,7%. Như vậy, nền kinh tế được Chính phủ đánh giá sẽ còn tiếp tục tăng trưởng cao hơn nữa và tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Ông đánh giá như thế nào về dự kiến này?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi nghĩ là Việt Nam dự kiến sự tăng trưởng như thế là có sự phục hồi tốt so với những năm trước đây. Nếu năm nay đạt mức 6.8% thì chứng tỏ là kinh tế đã vượt qua giai đoạn đi xuống và đang đi vào giai đoạn phục hồi. Tuy nhiên có một số điểm sau đây tôi muốn bổ sung thêm, tăng trưởng bằng con số mới chỉ là định lượng, còn sự định tính của tăng trưởng mới thực sự quan trọng. Định tính phải được thể hiện qua việc dân chúng có được những việc làm ổn định, xã hội thăng tiến hơn, chế độ giáo dục tốt hơn.
Còn đối với doanh nghiệp, tăng trưởng qua con số là điều đáng mừng.Tuy nhiên, về chất lượng sản phẩm sản xuất ra phải đạt tiêu chuẩn, tiêu thụ được, nhanh chóng cải thiện tránh tình trạng hàng hóa bị tồn kho, ứ đọng bới như vậy sẽ không thể hiện trong chất lượng tăng trưởng.
- Năm 2016, nền kinh tế Việt Nam đi dần vào hội nhập với nền kinh tế thế giới, các hiệp định như TPP, FTA, AEC sẽ lần lượt có hiệu lực, việc thay đổi, nâng cao chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh được nhấn mạnh như một yếu tố quyết định để thành công với TPP, ông có nhận xét gì về ý kiến trên?
Quả thực đúng như vậy! Có rất nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định rằng nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng tốt, nhà nước đã nhanh chóng thay đổi, cải tổ một số thể chế, việc này được biểu hiện qua về vấn đề thủ tục hành chính đã rút ngắn gọn hơn, bớt rườm rà.
Theo tôi, thể chế thay đổi tức là chúng ta đang tiến gần với nền kinh tế thị trường. Vai trò của các doanh nghiệp có vốn nhà nước nên “rút về sân sau” để tăng cường vai trò của tư nhân. Những vấn đề như tham nhũng phải được diệt trừ, đẩy nhanh số giờ xử lý thuế, người dân tiếp xúc với các cơ quan công quyền cũng phải nhanh và kịp thời, khi nói đến tăng trưởng phải nói đến thay đổi thể chế, để nó thực sự phục vụ cho dân chúng.
- Thưa ông, doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ là bộ phận không thể thiếu trong cộng đồng các doanh nghiệp của một nền kinh tế, theo ông những yếu tố nào sẽ góp phần thúc đẩy nhằm giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Tôi cho rằng để có thể dễ dàng hội nhập, hòa nhập với nền kinh tế thế giới thì trước hết, kinh tế Việt Nam phải là nền kinh tế thị trường. Muốn có được điều này thì kinh tế Việt nam phải tạo ra sự cạnh tranh, các công ty có vốn nhà nước nên “rút” lùi để nhường sân cho các công ty tư nhân.
Cách đây 40 năm, sau giải phóng, các công ty có vốn nhà nước được coi là đầu tàu để kéo nền kinh tế nước nhà, tuy nhiên thì thời thế bây giờ đã thay đổi, nhiệm vụ dẫn dắt thị trường của các doanh nghiệp nhà nước đã hoàn thiện, tôi cho rằng bây giờ nên là sân chơi dành cho doanh nghiệp tư nhân.
Doanh nghiệp tư nhân cần thực sự được quan tâm, giúp đỡ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời cần có những sáng kiến, hỗ trợ để thúc đẩy cho doanh nghiệp tư nhân phát triển và từ đó doanh nghiệp tư nhân có thể “ tỏa sáng”, trở thành động lực lớn cho nền kinh tế nước nhà
- Cám ơn ông.
Ngày 12/4/2016, Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Báo VietNamNet - Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chính thức tổ chức Buổi Lễ Công bố Danh sách 500 doanh nghiệp tăng trưởng và triển vọng năm 2016 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, TP. Hà Nội. Lễ công bố nhằm ghi nhận và tôn vinh những doanh nghiệp năng động, có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, có triển vọng trở thành những doanh nghiệp xuất sắc, góp phần vào công cuộc khôi phục nền kinh tế nước nhà và từng bước hội nhập vào xu thế phát triển của khu vực và thế giới. |
Vietnam Report