Việt Nam đang đứng ở một ngã ba đường mang tính quyết định, có thể trở thành nước thu nhập trung bình cao trong 20 năm tới và cũng có nguy cơ tụt hậu xa hơn so với ngay cả các nước trong khu vực. Những khuyến nghị của các tổ chức quốc tế luôn nhấn mạnh, để hướng tới sự thịnh vượng, Việt Nam cần hành động, hành động nhanh và các nhà lãnh đạo phải theo đuổi một cách thức quản trị theo hướng kỹ trị và khoa học.

Triển vọng và cảnh báo

Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng xác định ba trụ cột quan trọng mà Việt Nam cần tập trung tạo lập, phát triển trong giai đoạn tới là: thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; và nhà nước có năng lực cùng trách nhiệm giải trình.

Theo báo cáo, Việt Nam sẽ trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Hơn một nửa dân số Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu với thu nhập 18 ngàn USD, cao gấp 4 lần so với hiện tại. Hơn một nửa số dân sẽ sống ở các đô thị, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ sẽ chiếm 90% GDP và thu hút 2/3 tổng số lao động của cả nền kinh tế.

{keywords}

Thành quả không thể phủ nhận là trong suốt 1/4 thế kỷ qua, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, về tốc độ tăng GDP bình quân đầu người. Mức tăng bình quân trong giai đoạn này là 5,5%/năm, giúp thu nhập trung bình tăng 3,5 lần. Đến 2015, Việt Nam đã chuyển biến hoàn toàn và trở thành một nền kinh tế năng động, có thu nhập trung bình thấp.

Trong 5 năm qua, 2011-2015, cho dù kinh tế thế giới rơi vào chu kỳ tăng trưởng thấp, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những thành quả tốt. Năm 2015, tăng trưởng đạt gần 6,7%; vĩ mô ổn định: lạm phát thấp, chưa đến 1%; mặt bằng lãi suất giảm mạnh; xuất khẩu tăng, cán cân thanh toán thặng dư; nhiều cân đối lớn của nền kinh tế đảm bảo…

Tuy nhiên, tất cả những kết quả tươi sáng này vẫn không đủ để xoa tan nỗi lo về nguy cơ tụt hậu của Việt Nam khi so sánh với Thái Lan, Indonesia hay ngay cả với những nước láng giềng vốn được cho là yếu kém hơn như Campuchia, Lào.

Báo cáo 2035 cũng khuyến nghị, để đạt được sự thịnh vượng đó Việt Nam cần phải duy trì mức tăng trưởng tối thiểu 7% mỗi năm. Việt Nam cần xây dựng khu vực tư nhân có khả năng cạnh tranh, thực hiện quá trình đô thị hoá một cách hiệu quả, khuyến khích sáng tạo và tận dụng các cơ hội thương mại mới mở ra nhằm thực hiện cải cách trên qui mô lớn.

Rõ ràng, Việt Nam đang ở một ngã rẽ quan trọng và đối diện nguy cơ tụt hậu. Nếu tăng trưởng đạt mức bình quân 7%/năm thì tới 2035 Việt Nam có thể đạt mức thu nhập như Hàn Quốc vào đầu những năm 2000, còn nếu tăng trưởng chỉ đạt 4%/năm thì 20 năm nữa Việt Nam mới chỉ gần bằng Thái Lan hiện nay.

Năng động và hành động

Trải qua một nhiệm kỳ quyết liệt với tái cơ cấu, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, quá trình tái cơ cấu đã có dịch chuyển quan trọng nhưng, tốc độ vẫn còn chậm. Cổ phần hóa DNNN 2015 diễn ra quyết liệt nhưng vẫn không về đích đúng hẹn. Tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng lại ở mức siết chặt kỷ luật đầu tư chứ chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả.

Theo báo cáo Việt Nam 2035, Việt Nam tăng trưởng cao trong thời gian qua nhờ sự ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách mở cửa mạnh mẽ. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá cao việc điều hành chủ động và linh hoạt chính sách tiền tệ. và điều đó giúp thị trường tài chính ổn định.

{keywords}
Tái cơ cấu ngân hàng là một thành công nhiều bài học.

Trong giai đoạn 2011-2015, ngành ngân hàng đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát và giữ lạm phát ổn định ở mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Lạm phát từ mức cao 23% vào tháng 8/2011 xuống còn 6,81% năm 2012, 6,04% năm 2013, 1,84% năm 2014 và 0,6% năm 2015.

Mặt bằng lãi suất giảm mạnh, từ mức 20-25% xuống còn 5-11% như hiện nay. Thanh khoản hệ thống ngân hàng từ chỗ thiếu hụt, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ hệ thống đến nay đã cải thiện rõ rệt và ổn định bền vững, tỷ giá và thị trường ngoại hối từ chỗ thường xuyên xáo trộn thì từ năm 2012 đã cơ bản ổn định, tình trạng đô la hóa đã có sự cải thiện đáng kể, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục. T

hị trường vàng ổn định, không còn hiện tượng sốt nóng, xếp hàng dài mua bán như trước đây. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã không còn, thay vì 3-5 triệu đồng/lượng như trước. Nợ xấu về dưới 3% cho thấy quyết tâm của NHNN trong việc xử lý “cục máu đông” của nền kinh tế.

Thành quả tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong giai đoạn vừa qua có được một phần khá quan trọng là nhờ sự thành công trong công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế mà nổi bật nhất là tái cơ cấu hệ thống tài chính, trong đó có hệ thống ngân hàng.

Sự thành công trong việc chống đỡ đối với các cú sốc, từ tỷ giá hồi tháng 9/2012 cho tới cơn bão phá giá tiền tệ của Trung Quốc… gần đây cho thấy, các chính sách vĩ mô cần được điều hành theo hướng kỹ trị, tránh những cú sốc hay sự bất ổn, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định trong dài hạn.

Tuy nhiên, quá trình đó cũng chỉ mới là bước đầu cho một lộ trình tái cơ cấu dại hạn của ngân hàng. Bên cạnh đó, vẫn còn những thách thức từ tài chính và ngân sách với nợ công tăng cao, thị trường vốn chậm phát triển… đi kèm với đó là những thách thức mới từ biến động tài chính quốc tế, nhu cầu phát triển nội tại. Bên cạnh đó, những đòi hỏi tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN và mở rộng ra là cả nền kinh tế vẫn còn nhiều ngổn ngang.

Với tất cả những thực tế và hậu quả đang phải giải quyết, để mục tiêu tăng trưởng 7%/năm để hướng tới thịnh vượng đòi hỏi Việt Nam phải hành động quyết liệt. Và tất nhiên, ở đây luôn cần những nhà lãnh đạo năng động và hành động.

V. Hà