Chủ một dự án trồng và bán cam Vinh sạch tại Quỳ Hợp, Nghệ An vừa kêu gọi mọi người đầu tư góp vốn, mỗi suất 50 triệu đồng, sau 3 năm sẽ hưởng lợi nhuận 25 triệu/năm. Liệu có tin tưởng để bỏ tiền đầu tư không?

Hiện trên 1 ha đất trên đang trồng 400 cây cam Vinh và 200 cây cam đường canh, đã trồng được ba năm.

Bà Nguyễn Thị Lê Na, đại diện công ty có dự án trồng cam sạch, cho hay, sau hai lần kêu gọi vốn đầu tư cho vườn cam 1 ha, đến nay, tổng số tiền đăng ký góp vốn đã lên tới 800 triệu đồng, trong đó số tiền mặt đã chuyển vào tài khoản công ty là 550 triệu đồng. Việc kêu gọi đầu tư gần như hoàn tất và chuẩn bị bước sang giai đoạn triển khai báo cáo.

Trong đợt kêu gọi vốn đầu tư lần này, công ty cần thêm 400 triệu nữa là hoàn thành chỉ tiêu gọi vốn 1,2 tỷ. 

{keywords}
Những cây cam Vinh được trồng trên diện tích 1ha

Cụ thể, mỗi suất đầu tư là 50 triệu đồng sẽ bắt đầu được hoàn một phần vốn từ cuối 2017, đầu 2018 và được hoàn tổng vốn vào mùa cam cuối 2018 đầu 2019. Sau đó, phía đầu tư sẽ được hưởng mức lợi nhuận khoảng 25 triệu/năm trong 4 năm tiếp theo và mức lợi nhuận thấp hơn trong 5 năm còn lại.

Mức chia lợi nhuận là 60:40 cho nhà đầu tư và bên nhận đầu tư (trong 2 đợt trước là 65:35).

Hạn nhận suất đầu tư là đến hết tháng 3/2016. Để đảm bảo công bằng cho các nhà đầu tư khác, dự án không nhận đầu tư thêm sau ngày này hoặc các nhà đầu tư quan tâm có thể chuyển sang một dự án khác.

Chị Na cho hay, ngay sau khi đăng tải thông tin kêu gọi góp vốn, vài giờ sau, số vốn đăng ký đầu tư đã lên tới 300 triệu đồng.

Lý giải về cách kêu gọi vốn này, chị Na cho rằng, nếu công ty vay ngân hàng phải trải qua khâu thủ tục rườm rà phức tạp, nhất là với DN nhỏ. Trong khi, công ty đã có quá trình hoạt động rất tốt trên cả thực tế và kinh doanh ổn định qua mạng xã hội, được khách hàng tin tưởng.

Hơn nữa, xu hướng ngày nay rất nhiều người quan tâm đến nông nghiệp sạch. Số tiền đóng góp 50 triệu, 100 triệu đồng họ không phải vắt óc suy nghĩ làm ăn này kia. Có những người chỉ biết đến công ty qua mạng, gần như chưa gặp nhưng cũng tham gia.

Về những rủi ro có thể gặp phải khi đầu tư vào dự án nông nghiệp, chị Na cho biết, bố chị - người có kinh nghiệm 20 năm trồng cam, đã đứng ra đảm bảo kỹ thuật. Công ty cũng tuyển những nhân viên có kinh nghiệm, những kỹ sư nông nghiệp giỏi vào làm.

Về rủi ro trị trường, khoảng 10 năm tới, Việt Nam mới chính thức xóa bỏ hàng rào thuế quan trong nông nghiệp. Cam Mỹ, cam Úc hiện có giá 35.000-40.000 đồng/kg, sang Việt Nam sau khi tính các loại thuế phí là 50.000-60.000 đồng/kg, trong khi giá cam sạch cũng tương đương, sau đó sẽ rẻ hơn nhờ đã xây dựng được thương hiệu, lại có lợi thế về vận chuyển, bảo quản.

Trong 10 năm tới, công ty cũng có kế hoạch xây dựng các quy chuẩn về chất lượng trong chỉ trong nước và quốc tế, có lộ trình phát triển thương hiệu.

Hiện công ty đang bán 500-700kg cam/ngày tại thị trường Hà Nội, dự kiến con số này sẽ tăng lên gấp đôi trong thời gian tới. Nếu giá cam ổn định và chất lượng tốt thì không lo về khâu tiêu thụ, vì hiện cung vẫn không đủ cầu.

Ngọc Hà