Thời gian qua, báo chí nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc liên quan những thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền và tài sản của người dân. Những thủ đoạn lừa đảo này không những rất tinh vi mà còn có sự “giúp sức” của một số cán bộ, nhân viên các cơ quan, tổ chức,..

Cung cấp thông tin gian dối

Do có nhu cầu mua nhà, từ giữa tháng 5-2015, gia đình ông Trịnh Văn Hiệu có đọc báo “Mua & Bán” và được biết gia đình ông Tôn Hữu Nghị, ở nhà số 14/79 ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan (quận Đống Đa, Hà Nội) có đăng tin cần bán gấp nhà riêng có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà (sổ đỏ) chính chủ, nhà 4,5 tầng với diện tích đất 60 m2.

Trong quá trình “đàm phán” vào ngày 2-6-2015, ông Nghị cho biết, diện tích đất gia đình ông đã được cấp sổ đỏ với diện tích là 37,9 m2, ít hơn diện tích đất thực tế mà gia đình ông đang sử dụng. Tuy nhiên, nếu ông Hiệu mua, thì ông Nghị sẽ có trách nhiệm làm sổ đỏ mới cho ông Hiệu với diện tích là 43 m2. Tổng số tiền mua nhà đất là 5 tỷ 170 triệu đồng, ông Nghị chấp thuận cho ông Hiệu giữ lại 5% tổng số tiền nêu trên, mà vẫn bàn giao nhà. Sau khi sang tên sổ đỏ cho ông Hiệu với diện tích là 43 m2 thì ông Nghị mới nhận nốt tiền còn lại.

{keywords}
ảnh minh họa

Thấy chủ nhà giới thiệu như vậy, sau khi hội ý nhanh, cả gia đình ông Hiệu (gồm ba người đi xem nhà), đã đồng ý mua nhà và đề nghị chủ nhà cho xem sổ đỏ gốc. Lúc này, ông Nghị mới cho biết: Hiện nay, sổ đỏ của gia đình ông đang thế chấp ở Phòng giao dịch số 6 (thuộc Chi nhánh Ngân hàng Agribank bắc Hà Nội), ở 223 Đội Cấn, quận Ba Đình (Hà Nội), để vay một tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Nghị còn hướng dẫn, nếu bên mua trả tiền mua nhà vào tài khoản của bên bán ở ngân hàng, bên bán tất toán với ngân hàng và giải chấp sổ đỏ một ngày là xong để trả cho bên mua. Thấy gia đình ông Hiệu còn băn khoăn, ông Nghị đã điện thoại ngay cho bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Trưởng phòng tín dụng của Phòng giao dịch số 6, Chi nhánh Ngân hàng Agribank bắc Hà Nội, để gia đình yên tâm. Cuộc nói chuyện này ông Nghị bật loa cho mọi người cùng nghe với nội dung:

Hiện nay, ông Nghị đang nợ ngân hàng một tỷ đồng. Nếu bên mua trả tiền mua nhà thì ông Nghị sẽ tất toán và ngân hàng giải chấp sổ đỏ chỉ trong vòng một ngày. Nếu ông Nghị chắc chắn việc mua bán nhà, thì bà Trinh sẽ thực hiện thủ tục giải chấp trước.

Mặc dù chưa nhìn thấy sổ đỏ gốc, nhưng được nghe lời lẽ “đường mật” của ông Nghị và cuộc nói chuyện qua điện thoại của bà Trinh, cho nên chiều 2-6-2015, vợ chồng ông Hiệu đã làm thủ tục đặt cọc mua căn nhà nói trên với số tiền là 200 triệu đồng. Ngay sau khi đặt cọc xong, ông Nghị còn dẫn ông Hiệu đến gặp bà Trinh tại Phòng giao dịch số 6, Chi nhánh Ngân hàng Agribank bắc Hà Nội, để làm quen và tiện giao dịch.

Tuy nhiên, ngày 3-6, ông Nghị thông báo không làm được sổ đỏ mới với diện tích 43 m2. Lúc này, gia đình ông Hiệu chợt hiểu, cam kết “có trách nhiệm đến cùng” để làm sổ đỏ mà ông Nghị nói ngày 2-6-2015 chỉ nhằm lừa phỉnh để khách hàng đặt cọc.

Do sợ mất tiền “đặt cọc”, gia đình ông Hiệu đồng ý tiếp tục mua căn nhà. Ngày 3-6-2015, ông Hiệu đã chuyển 1,5 tỷ đồng vào Phòng giao dịch số 6, Chi nhánh Ngân hàng Agribank bắc Hà Nội. Sau khi chuyển tiền xong, ông Hiệu đề nghị bà Trinh cho xem sổ đỏ gốc của gia đình ông Nghị đang thế chấp tại ngân hàng này.

Thấy trên sổ đỏ này không có dấu và xác nhận đăng ký thế chấp vào Phòng giao dịch số 6, Chi nhánh Ngân hàng Agribank bắc Hà Nội của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Đống Đa theo đúng quy định, ông Hiệu đã gặp ông Kiều Bình Minh, Giám đốc Phòng giao dịch số 6 và bà Ngọc Trinh thì được biết: Ông Nghị đang thế chấp sổ đỏ ở ngân hàng để vay tiền. Nếu ông Nghị trả đủ một tỷ đồng thì ngân hàng mới giải chấp sổ đỏ.

Bà Trinh nói để ông Hiệu hiểu, muốn mua bán nhà ổn thỏa khách hàng phải lệ thuộc rất lớn vào ngân hàng. Do “đã đâm lao thì phải theo lao” chiều 4-6-2015, ông Hiệu chuyển tiếp số tiền mua nhà là hơn 3,2 tỷ đồng vào Phòng giao dịch số 6 (lần 2).

Tuy nhiên sau đó, gia đình ông Hiệu phát hiện chủ nhà nói không đúng sự thật với sự “giúp sức” nhiệt tình của một số cán bộ Phòng giao dịch số 6, Chi nhánh Ngân hàng Agribank bắc Hà Nội trong việc lập “màn kịch” thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng nêu trên. Ông Hiệu quyết định không mua căn nhà này, đồng nghĩa với việc gia đình ông mất 200 triệu đồng tiền đặt cọc.

Ông Trịnh Minh Hiếu (con trai ông Hiệu) bức xúc cho biết: Gia đình chúng tôi buộc phải từ chối mua nhà chính là hệ quả từ việc liên tiếp bị ông Nghị cố tình lừa dối. Nếu gia đình tiếp tục mua căn nhà thì thiệt hại rất lớn, bởi vì chúng tôi trả 5 tỷ 170 triệu đồng để mua căn nhà theo như người bán hứa là có sổ đỏ với diện tích 43 m2, nhưng trên thực tế sổ đỏ vẫn chỉ là 37,9 m2.

Vụ việc này, ông Trịnh Minh Hiếu đã làm đơn tố cáo gửi đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội và Công an quận Đống Đa, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Một trường hợp khác cũng bị chiếm đoạt tài sản, đó là: Năm 2007, ông Hoàng Văn Thêm, ở thôn Lại Hoàng, xã Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội), có bán một phần đất cho người quen. Sau đó, để tách sổ, ông đã nhờ ông Nguyễn Đăng Ngọc (người cùng xã) làm hộ thủ tục tách đất, cấp sổ đỏ. Chuyển giấy tờ cho ông Ngọc, nhưng đợi mãi không thấy sổ đỏ của gia đình mình, trong khi người mua phần đất của ông Thêm thì đã có sổ, cho nên ông đã nhiều lần gặp ông Ngọc để đòi sổ đỏ, nhưng đều bị khất lần.

Để kiểm tra, làm rõ vụ việc, ông Thêm đã làm đơn gửi Công an huyện Gia Lâm. Sau khi xác minh, ngày 31-3-2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm có thông báo cho biết: Thửa đất trên của ông Thêm đã được UBND huyện Gia Lâm cấp sổ đỏ số AI 203904 ngày 1-10-2007. Bản thân ông Ngọc cho biết, đã làm hộ sổ đỏ của ông Thêm và đã nhận sổ đỏ mang về cất tại nhà, chưa trả cho ông Thêm.

Sau đó, sổ đỏ đã bị thất lạc. Ông Ngọc cam kết không mang sổ đỏ của ông Thêm đi cầm cố, mua bán, thế chấp hoặc đưa sổ đỏ cho người khác cầm cố, mua bán, thế chấp,...

Chỉ với những căn cứ như vậy, Công an huyện Gia Lâm đã xác định: Quá trình điều tra, tài liệu thu thập được thấy không có đủ căn cứ kết luận vụ việc ông Ngọc mang cầm cố, thế chấp hay mua bán sổ đỏ của ông Thêm. Vì vậy, cơ quan điều tra cho rằng, việc ông Thêm đề nghị không có dấu hiệu hình sự. Đề nghị ông Thêm liên hệ với UBND xã Yên Thường và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm để được giải quyết theo thẩm quyền.

Theo phản ánh của ông Thêm, cùng thời gian này, ông được biết sổ đỏ của mình do ông Phạm Văn Tích, ở quận Long Biên (Hà Nội) “giữ hộ”. Khi biết được điều này, ông Thêm đã đề nghị xin lại thì được ra giá: Muốn lấy lại sổ đỏ, ông Thêm phải nộp 400 triệu đồng.

Chưa giải quyết dứt điểm quyền lợi chính đáng của người dân

Liên quan đến đơn của gia đình ông Trịnh Văn Hiệu tố cáo ông Tôn Hữu Nghị “liên kết” với một số cán bộ của Phòng giao dịch số 6 cung cấp thông tin gian dối để ông Nghị chiếm đoạt tiền đặt cọc của khách hàng, ông Đỗ Quang Hải, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Agribank bắc Hà Nội cho biết: Việc ông Nghị có nhu cầu vay vốn tại Phòng giao dịch số 6 và đề nghị được dùng quyền sử dụng nhà đất làm tài sản bảo đảm cho khoản vay là có thật.

Tuy nhiên, các thông tin trao đổi giữa nhân viên Phòng giao dịch số 6 và ông Hiệu thiếu nhất quán, không phản ánh khách quan là thiếu sót trong giao tiếp và không đúng với quy định về cung cấp thông tin, mặc dù không vì động cơ, mục đích cá nhân, nhưng đã làm ảnh hưởng đến uy tín ngân hàng.

Về vấn đề này, Chi nhánh Ngân hàng Agribank bắc Hà Nội đã tổ chức đoàn kiểm tra, xác minh và yêu cầu Phòng giao dịch số 6 họp kiểm điểm đối với cán bộ có liên quan... Ngay sau khi thấy những việc làm không đúng của ông Nghị, gia đình ông Hiệu đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng.

Trong các buổi làm việc với Công an phường Thổ Quan và lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Agribank bắc Hà Nội, do thấy những việc làm không đúng của mình, ông Tôn Hữu Nghị chủ động cam kết sẽ trả 100 triệu tiền đặt cọc cho ông Hiệu sau khi bán xong nhà. Tuy nhiên, đến nay, gia đình ông Hiệu vẫn chưa nhận được bất cứ đồng nào của ông Nghị.

Liên quan đến việc khiếu nại của gia đình ông Hoàng Văn Thêm, ngày 7-8-2015, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh huyện Gia Lâm (Chi nhánh Gia Lâm) có Thông báo số 1646/TB-VPĐKĐĐGL cho biết: Trong quá trình thực hiện thủ tục cấp lại sổ đỏ cho ông Hoàng Văn Thêm, Chi nhánh nhận được đơn đề nghị của ông Phạm Văn Tích, ở nhà số 1, ngách 298/20 đường Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội).

Ngày 29-6-2015, Chi nhánh Gia Lâm có buổi làm việc với ông Tích. Tại buổi làm việc, ông Tích cho biết đang giữ bản chính sổ đỏ đứng tên ông Hoàng Văn Thêm tại xã Yên Thường. Ngày 6-7-2015, Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm có phiếu nhận đơn khởi kiện của ông Phạm Văn Tích. Căn cứ khoản 2, điều 10, Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19-5-2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Gia Lâm chưa đủ cơ sở để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại “sổ đỏ” cho ông Thêm.

Làm rõ việc sổ đỏ của gia đình ông Thêm qua tay nhiều người, chúng tôi đã trao đổi với Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh huyện Gia Lâm Tạ Vũ Sơn, được biết: Ngày 15-10-2015, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội huyện Gia Lâm đã tổ chức cuộc họp với thành phần tham dự là các cán bộ công tác tại Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất và nhà thời điểm năm 2008.

Tại cuộc họp này, các cán bộ dự cuộc họp đều khẳng định không thực hiện việc trả sổ đỏ nêu trên và thực hiện đúng nhiệm vụ do lãnh đạo Phòng giao theo phân công… Như vậy, sổ đỏ của ông Thêm tự dưng “không cánh mà bay”...

Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra nhiều vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các thủ đoạn như nêu trên, thậm chí còn tinh vi hơn. Một trong những nguyên nhân là người dân chủ quan, thiếu hiểu biết cho nên dễ bị các đối tượng lừa đảo. Trước thực trạng này, đề nghị các cơ quan chức năng của TP Hà Nội sớm kiểm tra, xem xét và có biện pháp giải quyết dứt điểm những vi phạm pháp luật nói trên, không để người dân phải chịu thiệt hại.

(Theo báo Nhân dân)