Theo kết quả nghiên cứu của Anphabe và Nielsen, Viettel xếp thứ 8 trong danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2015. Đâu là nguyên nhân khiến công ty này hấp dẫn người tìm việc?

Lần đầu tiên công bố nghiên cứu “100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam” (đầu năm 2014 với kết quả đánh giá cho năm 2013), Viettel xếp thứ 25 trong danh sách. Năm kế tiếp, công ty này thăng hạng lên số 14 và năm 2015 (kết quả vừa công bố ngày 11/3/2016) Viettel vào Top 10, đồng thời là công ty Việt Nam đầu tiên trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin có vị trí cao như vậy.

Trong danh sách Top 100, công ty này là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước duy nhất.

{keywords}
Viettel là môi trường làm việc với nhiều kinh nghiệm khác biệt về đầu tư quốc tế. Ảnh: Nguyễn An

Theo đánh giá của Anphabe và Nielsen, Viettel hấp dẫn nhờ môi trường làm việc cạnh tranh, có cơ hội lớn để học hỏi, lương cao, và lãnh đạo thân thiện. Chưa hết, theo kết quả điều tra, 67% nhân viên giới thiệu Viettel cho người thân và bạn bè của mình.

Kết quả điều tra trong 3 năm liên tục cũng cho thấy một nhân tố quan trọng khiến cho doanh nghiệp trở nên hấp dẫn trong mắt người tìm việc là Danh tiếng công ty. Ở đặc điểm này, Viettel là thương hiệu nổi bật với nhiều thành tựu trong đầu tư nước ngoài với nhiều giải thưởng quốc tế, nghiên cứu và chế tạo thành công khí tài quân sự công nghệ cao…

Bình luận về việc Viettel - một công ty Nhà nước 100% lọt vào danh sách 10 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, bà Đậu Thúy Hà - Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Quản lý OCD - một trong những công ty tư vấn quản lý hàng đầu Việt Nam nói: “Viettel hay các công ty Việt Nam nói chung lọt vào danh sách này đều phải cố gắng nhiều hơn so với những tập đoàn đa quốc gia đã có kinh nghiệm xây dựng môi trường làm việc cả trăm năm”.

Chuyên gia từng tư vấn về quản trị nhân sự cho nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đưa ra 3 lý do khiến Viettel hấp dẫn với người tìm việc, đặc biệt là các bạn trẻ. “Thứ nhất, nơi đây có văn hóa doanh nghiệp hướng kết quả, sáng tạo, dám nghĩ dám làm rất nổi trội, giúp Viettel lựa chọn người phù hợp với mình một cách rõ ràng.

Thứ hai, Viettel là một tập đoàn mở rộng kinh doanh mạnh ở cả trong nước và trên toàn cầu, nên có rất nhiều việc phải làm. Điều này cũng tạo nhiều cơ hội cho các bạn trẻ thể hiện năng lực, thăng tiến nhanh.

Thứ ba, nguồn lực dồi dào của công ty này thuận lợi cho việc triển khai các dự án mới, tưởng thưởng lớn cho thành quả”, bà Hà chia sẻ.

{keywords}
Truyền thống và cách làm người lính là một trong những giá trị văn hóa doanh nghiệp đặc biệt của Viettel. Ảnh: Nguyễn An.

Trên thực tế, văn hóa Viettel được thể hiện qua 8 giá trị cốt lõi được công ty này phổ biến rộng rãi trong nhân viên cũng rất đặc thù. 8 giá trị này bao gồm: Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý; Trưởng thành qua thách thức và thất bại; Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh; Sáng tạo là sức sống; Tư duy hệ thống; Kết hợp Đông-Tây; Truyền thống và cách làm người lính; Viettel là ngôi nhà chung.

Bà Đậu Thúy Hà nhận xét, văn hóa nổi trội của Viettel là điểm mạnh nhưng không phải ứng viên nào cũng thích và hợp với nó. Vì thế, người thích sẽ rất thích, còn không thì sẽ ở chiều hướng ngược lại, nên không phải cứ người “được đánh giá là giỏi” ở một môi trường khác là có thể “tự tin tỏa sáng” khi về Viettel.

Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói về Viettel: “Quy luật đào thải ở Viettel khắc nghiệt không khác gì các công ty lớn ở nước ngoài, chính trên cơ sở đó Viettel duy trì được đội ngũ nhân lực tốt. Đó chính là động lực, công cụ thúc đẩy mọi người cố gắng hết sức làm việc để đạt hiệu quả cao nhất".

Theo đánh giá của Anphabe và Nielsen, Viettel nằm trong số các công ty Việt Nam có sự đột phá về thứ hạng môi trường làm việc cùng với Vingroup, Masan, FPT… Bên cạnh đó, xét ở tổng thể chung, Lương, Thưởng, Phúc lợi vẫn là những yếu tố quan trọng nhất đánh giá nơi làm việc lý tưởng của người lao động nhưng kỳ vọng về nhóm tiêu chí này có xu hướng giảm dần. Cụ thể, Phúc lợi tốt đã vươn lên hàng đầu trong số các tiêu chí đươc quan tâm khi chọn việc, còn Lương cạnh tranh chỉ còn đứng thứ 7.

Trần Long