Với cùng một câu hỏi về cách kiếm tiền, người TP HCM cho biết họ sẽ tìm mọi cơ hội, chấp nhận rủi ro để đầu tư, sinh lời. Riêng người Hà Nội dùng 80% tiền kiếm được để tiết kiệm.

Nghiên cứu mới nhất về tầng lớp trung lưu khu vực Đông Nam Á của Viện nghiên cứu Đời sống và con người (Hill ASEAN) cho biết, cùng một mong ước thực hiện cuộc sống hạnh phúc, nhưng người TP HCM có phương pháp tiếp cận ngược với người Hà Nội. Phần lớn những người trung lưu tại TP HCM khi được hỏi đều cho biết, họ muốn tối ưu hóa cơ hội đầu tư. Người TP HCM luôn tìm kiếm cơ hội để thúc đẩy bản thân, chấp nhận rủi ro để đầu tư nên hầu hết đều có công việc tay trái.

Người TP HCM làm việc không chỉ vì thu nhập mà còn vì những gì mình mong muốn. Trong khi đó, người Hà Nội đa phần hài lòng với công việc hiện tại, ít có việc tay trái và không chấp nhận mạo hiểm đầu tư. 80% số tiền kiếm được họ sẽ tiết kiệm cho tương lai.

{keywords}

Nếu người Hà Nội dùng phần lớn số tiền kiếm được để tiết kiệm cho tương lai thì người TP HCM lại tìm mọi cơ hội để đầu tư sinh lời. Ảnh minh họa

Khi được hỏi về giá trị cốt lõi của cuộc sống, cả người TP HCM và Hà Nội đều khẳng định là hạnh phúc, song cách để đạt được hạnh phúc của họ lại trái ngược nhau. Người TP HCM nghĩ về hạnh phúc một cách lãng mạn, trong khi người Hà Nội rất thực tế.

“Khi chúng tôi phỏng vấn về ý nghĩa hạnh phúc, người TP HCM thường vẽ ra trong đầu họ hình ảnh trước. Họ nghĩ đến hình ảnh gia đình vui vẻ ngồi quanh một bữa ăn. Trong khi đó, người Hà Nội lại cho biết họ cần thu nhập tốt. Họ nghĩ đến công việc, đến mức thu nhập, có nhà cửa ổn định rồi mới nghĩ đến một gia đình hạnh phúc”, ông Yusuke –Miyabe, nghiên cứu viên của Hill ASEAN cho biết.

Người dân TP HCM sống với thực tại. Họ muốn đạt được cuộc sống mong ước, hạnh phúc theo định nghĩa của riêng họ và ưu tiên hiện thực hơn tương lai không nhìn thấy được. Trái lại, người Hà Nội sống cho tương lai, họ cần thời gian dài để có hạnh phúc, và hạnh phúc được nhìn nhận theo chuẩn mực xã hội.

“Đơn vị tiêu dùng nhỏ nhất với người dân TP HCM là 'Tôi'. Người TP HCM có xu hướng tự quyết định mọi việc, họ tự xác định tầng lớp và lối sống mơ ước của bản thân. Trái lại, đơn vị tiêu dùng nhỏ nhất với người dân Hà Nội là 'Chúng tôi'. Các tiêu chuẩn xã hội có ảnh hưởng rất lớn tại Hà Nội”, đại diện Hill ASEAN cho biết thêm.

Khác biệt nữa là một bên nghiêng về tình cảm, một bên nghiêng về chức năng. Khi mua một món hàng, bà nội trợ TP HCM cho biết mua chỉ vì chồng, con mình thích, trong khi bà nội trợ Hà Nội khẳng định mua vì giá trị dinh dưỡng cao, giá rẻ.

Theo Hill ASEAN, dựa vào khác biệt rõ nét này, các DN sẽ có chiến lược quảng cáo riêng phù hợp với khách hàng từng khu vực. Khi giới thiệu sản phẩm với người TP HCM cần lựa chọn hình ảnh, cảm xúc ấn tượng trước mới đến chức năng, trong khi Hà Nội thì ngược lại. Ví dụ để quảng cáo một thanh chocolate, với khách hàng TP HCM, nhà sản xuất nên đưa thông điệp: Chocolate giúp diệt cơn đói trong 1 phút. Nhưng với người Hà Nội thì thông điệp phải là sản phẩm giúp giảm cân nhanh, sau đó mới tới chống đói.

(Theo Zing)