Sau khi chứng kiến cảnh tượng hàng đống đồ dùng làm bằng nhựa đang khiến Ấn Độ gặp vấn đề ô nhiễm môi trường, Narayana Peesapaty có một ý tưởng độc đáo, đó là chế biến một loại thìa có thể ăn được.

Ông Peesapaty, một nhà nghiên cứu nông nghiệp sống tại thành phố Hyderabad (Ấn Độ) đã chế biến một loại thìa đặc biệt làm bằng hạt kê, cơm và bột mì vào năm 2010. Giờ đây, công ty Bakeys của ông đã bán được 1,5 triệu thìa, nhưng ông Peesapaty còn muốn sản phẩm của mình lan rộng hơn nữa.

{keywords}
Thìa ăn được của công ty Bakeys.

Mới đây, công ty đã lập một chiến dịch đầu tư qua trang Kickstarter. Ban đầu Bakeys hi vọng sẽ nhận được 20.000 USD, song chỉ trong vòng 9 ngày họ đã nhận được hơn 64.000 USD và rất nhiều người đã hỏi mua loại thìa có lợi cho môi trường này. Với thành công trên, Bakeys đang có ý định nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng dây chuyền sản xuất.

Loại thìa ăn được của Bakeys có thể giữ hình dáng nguyên vẹn trong vòng 20 phút nhúng vào nước nóng và có nhiều hương vị khác nhau. Hạn sử dụng của thìa khi chưa được mở khỏi bao bì là từ hai đến ba năm.

“Bạn có thể ăn nó sau bữa ăn, còn nếu không muốn bạn cũng có thể ném đi. Thìa sẽ tự phân hủy trong vòng 4 đến 5 ngày”, ông Peesapaty nói trong một đoạn phim quảng bá sản phẩm. Nó đã được chia sẻ hàng triệu lần trên mạng xã hội kể từ khi được đăng lên vào ngày 16/3.

Trên trang Kickstarter, Bakeys cho biết họ đang xây dựng một cơ sở mới có thể sản xuất 800.000 thìa mỗi ngày.

“Tham vọng của chúng tôi không chỉ dừng lại với việc chế biến thìa. Hiện tại, chúng tôi có khuôn để sản xuất đũa, thìa ăn đồ tráng miệng và dĩa có thể ăn được”, công ty cho biết. “Kế hoạch của chúng tôi là chế biến cốc, đĩa và nhiều bộ đồ ăn khác”.

Ông Peesapaty mong muốn sản phẩm của mình có thể được bày bán trên toàn thế giới, và điều này sẽ cho phép nông dân có động cơ để trồng trọt nông sản hơn nữa. Với ông, đây là một thắng lợi trong việc bảo vệ môi trường.

“Đồ dùng bằng nhựa rất rẻ nhưng sản phẩm của tôi cũng rẻ không kém”, ông Peesapaty cho biết. “Tôi có thể đàm phán trực tiếp với các nông dân, mua nguyên liệu thô trực tiếp từ họ, nhờ đó thìa của tôi cũng có chi phí sản xuất thấp tương đương các loại thìa nhựa”.

(Theo Infonet)