Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra dự báo cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ giảm tốc nhẹ vào năm 2017.

Tại buổi họp báo công bố báo cáo triển vọng tăng trưởng ở châu Á năm 2016 của ADB (ADO 2016) tại Hà Nội sáng 30/3, ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam đưa ra dự báo cho rằng, Việt Nam sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, nhưng sau đó giảm tốc nhẹ xuống còn 6,5% trong năm 2017.

Theo dự báo của tổ chức này, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ không tăng trong năm nay và có thể giảm tốc trong năm 2017.

{keywords}

Cầu tiêu dùng trong nước có thể bị kìm hãm bởi những tác động chậm lại trên thế giới, trong đó có ảnh hưởng từ tình trạng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - Trung Quốc.

Lạm phát cũng được dự báo sẽ tăng mạnh, đạt trung bình 3% trong năm 2016 và 4% trong năm 2017 do giá cả hàng hóa trên thế giới có xu hướng tăng và đồng VND chịu tác động của một đồng USD nằm trong xu hướng tăng và áp lực từ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao 18-20% (2016). Các chi phí giáo dục, y tế và lương tối thiểu tăng là các yếu tố góp phần khiến chỉ số giá tiêu dùng nói chung sẽ tăng lên.

Khi hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu tăng, giá cả trong nước cũng sẽ tăng theo và khiến đồng VND mất giá. ADB cũng đưa ra dự báo, giá lương thực và nhiên liệu thế giới sẽ tăng mạnh hơn trong năm 2017.

Tuy nhiên, ADB cho rằng, khu vực chế tác định hướng xuất khẩu sẽ tăng trưởng mạnh. Thu nhập của người dân tiếp tục gia tăng khá mạnh và lạm phát vẫn đang nằm trong khoảng thấp sẽ giúp tiêu dùng tư nhân tiếp tục được cải thiện, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Kinh tế Việt Nam còn được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi ích từ Cộng đồng kinh tế ASEAN và từ các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc, và những cam kết tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Liên minh kinh tế Á Âu, dẫn đầu là Liên bang Nga.

Nhìn chung, ADO 2016 đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn sẽ theo chiều hướng tích cực và được dẫn dắt bởi FDI cao, tiêu dùng và cầu trong nước gia tăng, cùng với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Mặc dù vậy, ADB khuyến nghị, VIệt Nam cần phải xây dựng lại vùng đệm kinh tế vĩ mô để đảm bảo cho nền kinh tế có sức chống chịu mạnh mẽ hơn trước các cú sốc kinh tế lớn trong tương lai bằng cách tăng cường sự bền vững về tình trạng tài khóa và và dự trữ ngoại hối. Việt Nam cần tiếp tục áp dụng các biện pháp tăng cường sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng, bao gồm việc xử lý khối nợ xấu còn tồn đọng và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện nợ xấu mới.

V. Hà