Thị trường cho vay tiêu dùng đang vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, các công ty tài chính liên tục tung ra các dịch vụ gia tăng thị phần, thu hút khách hàng tham gia.

Giảm lãi, chiếm thị phần

Cho vay tiêu dùng tại VN được đánh giá nhiều triển vọng phát triển khi GDP tăng trưởng liên tục giúp đời sống kinh tế xã hội của người dân thay đổi, thu nhập người dân tăng lên - điều này là nhân tố quan trọng thúc đẩy tiêu dùng. Trong đánh giá “Cận cảnh người tiêu dùng VN 2015” của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, đến năm 2020, quy mô dân số có thu nhập trung bình sẽ tăng lên gần gấp 3 lần, với 12 triệu người của năm 2014 lên 33 triệu người vào năm 2020. Khi nhu cầu tiêu dùng tăng lên, tài chính tiêu dùng đóng vai trò thúc đẩy tiêu dùng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Tiềm năng thị trường cho vay tiêu dùng VN khá cao khi chỉ mới xuất hiện một vài công ty tài chính (CTTC). Thế nhưng có thể thấy rõ sự cạnh tranh trong lĩnh vực này giữa các công ty rất cao nhằm thu hút khách hàng. Từ những sản phẩm cho vay với mức lãi suất cao, hiện nay một số công ty đã áp dụng cho vay lãi suất 0%. Cụ thể Home Credit trong năm 2015 đã phối hợp nhiều hơn với các đối tác áp dụng lãi suất 0% cho khách hàng vay. Trong năm 2015, có đến 60% khách hàng của Home Credit được vay với mức lãi suất 0%, tăng gấp 8 lần so với năm 2014; và 25% khách hàng vay với lãi suất 20 - 30%/năm. Gần đây, Homce Credit còn đưa ra dịch vụ cho vay mua xe máy với lãi suất 1,39%/tháng theo dư nợ gốc.

{keywords}

Trong năm 2015, 60% khách hàng của Home Credit được vay trả góp với lãi suất 0%

Đại diện Home Credit cho hay: “Trong năm 2015, công ty chấp nhận giảm bớt phần lợi nhuận của mình để có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với phân khúc khách hàng có độ an toàn cao hơn, để hướng đến sự phát triển bền vững tại Việt Nam.” Điều này đã được hiện thực hóa khi các chỉ tiêu về doanh số năm 2015 đều tăng như số hợp đồng trung bình hàng tháng tăng 23% so với năm trước đó, số lượng khách hàng mới tăng hơn 1 triệu người nâng tổng số lượng khách hàng lên 3 triệu người, tổng dư nợ cho vay của công ty tăng 38,1%, trong đó mảng cho vay điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác tăng 81%”.

Nhìn vào kết quả kinh doanh của Home Credit dễ nhận thấy xu hướng mà công ty này đang làm đó là phát triển mở rộng thị trường, thu hút lượng khách hàng mới tham gia, chiếm thị phần lĩnh vực cho vay tiêu dùng.

Cần phát triển tài chính tiêu dùng

Nhận thấy sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng khá nhanh, cơ quan chức năng hiện đang xây dựng thông tư về quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng tại VN. Theo một chuyên gia, khách hàng của các CTTC thường là những người có điều kiện kinh tế khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Nhờ đó mà tín dụng đen bị thu hẹp, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên, người dân hiểu biết về tài chính, thúc đẩy tiêu dùng, đóng góp vào sự tăng trưởng sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Trong một buổi tọa đàm, ông Lê Đức Thuần - Giám đốc ngành hàng dịch vụ FPT Retail (đơn vị hợp tác với nhiều CTTC) chia sẻ người tiêu dùng mua hàng sử dụng vay tài chính năm 2015 qua FPT Shop tăng trưởng 100% so với năm trước và 30% doanh số đến từ các hợp đồng tín dụng trả góp.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng hoạt động cho vay tiêu dùng cần có một thông tư quản lý riêng, đặc biệt là vấn đề lãi suất cho vay của các CTTC. Vị này cho rằng khác với NH, thực tế các khoản vay của CTTC nhỏ, không có thế chấp, chi phí của CTTC đối với khoản vay cao, thời gian cho vay ngắn nên dẫn đến lãi suất cho vay của CTTC cũng cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng.

Các thông tin về cá nhân hiện nay chưa được đầy đủ, phần lý lịch công dân và điểm tín dụng chưa được hệ thống và phổ biến. Do đó cần có một cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân, xếp hạng tín nhiệm cá nhân cần sớm xây dựng. Khi các CTTC cạnh tranh với nhau nhiều hơn, cơ sở dữ liệu của khách hàng ngày càng đầy đủ và lớn hơn thì ắt hẳn lãi suất cho vay sẽ giảm, chất lượng dịch vụ cũng được nâng cao. Lúc đó, chính người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Thu Thủy