Bộ VH-TT&DL vừa có văn bản đề nghị gia hạn thời gian miễn visa cho công dân các nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy từ 1 năm lên 5 năm và tăng thời gian miễn visa lên 30 ngày cho khách du lịch Tây Âu.

Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) vừa có đề án đánh giá kết quả miễn thị thực nhập cảnh (visa) cho công dân các nước Tây Âu - đây là cơ sở để xem xét, đưa ra các kiến nghị tiếp theo liên quan đến việc miễn visa cho khách du lịch quốc tế đến từ các nước này.

Thu thêm hơn 171 triệu USD

Đề án đã chỉ rõ những lợi ích thu được từ việc miễn visa cho khách quốc tế. Dẫn nguồn từ Tổng cục Thống kê, Tổng cục Du lịch đánh giá, từ khi chính sách miễn visa cho công dân 5 nước Tây Âu có hiệu lực (tháng 7/2015), tốc độ tăng trưởng tổng lượng khách từ các quốc gia này tăng liên tục.

Lượng khách quý sau luôn có mức tăng cao hơn quý trước. Cụ thể, mức tăng trưởng khách của quý 3/2015, quý 4/2015 và quý I/2016 lần lượt là 4,24%, 16,5% và 20%.

{keywords}

Chính sách miễn visa đã đem lại tác động tích cực và những lợi ích rất rõ ràng khi tổng lượng khách quốc tế từ các nước châu Âu đến Việt Nam tăng cao (ảnh minh họa)

Kết quả, tổng lượng khách du lịch từ các nước Tây Âu đến Việt Nam trong 9 tháng miễn thị thực nhập cảnh đạt trên 554.000 lượt, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2014 và 2015.

Trong khi đó, con số tăng trưởng khách từ các thị trường này chỉ đạt trung bình 5,35%/năm, thu hút 512.570 lượt trong giai đoạn 2010-2014.

Như vậy, tổng lượt khách tăng thêm là 41.648 lượt.

Đối với Belarus, quốc gia được miễn thị thực 5 năm, chỉ trong năm ngoái, lượng khách du lịch đến Việt Nam đạt gần 6.000 lượt, tăng 65% so với năm 2014 - cao nhất trong những năm qua.

Về chi tiêu của khách, theo kết quả điều tra của Tổng cục Du lịch, khách Tây Âu chi tiêu trung bình tại Việt Nam là 1.316 USD. Nhờ miễn visa, tổng thu trực tiếp từ khách tăng thêm gần 55 triệu USD; thu gián tiếp ước đạt hơn 116 triệu USD, nâng tổng số thu tăng thêm từ khách của 5 nước Tây Âu lên hơn 171 triệu USD.

Con số trên lớn gấp 15 lần so với 11 triệu USD - số tiền mà Việt Nam lo ngại bị thất thu khi miễn visa cho khách. Nó chứng minh câu nói “Lo mất 11 triệu USD thu phí một năm là rất thiển cận” của ông Ken Atkison, Trưởng nhóm công tác du lịch của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tại hội nghị thường niên của VBF năm 2015 là hoàn toàn đúng đắn.

Ông này đã từng phát biểu rằng, nếu Việt Nam bỏ cấp visa với một số nước như Thái Lan, Singapore đã làm, chỉ với lượng khách tăng 160.000 người/năm thì đã giúp Việt Nam tăng thu khoảng 200 triệu USD/năm.

Như vậy, “chính sách miễn visa đã đem lại tác động tích cực và những lợi ích rất rõ ràng”, Tổng cục Du lịch kết luận.

Nhiều kiến nghị đột phá về miễn visa

Tuy nhiên, cơ quan này cũng rằng, việc miễn visa cho công dân 5 nước Tây Âu trong vòng 1 năm chỉ mang tính chất ngắn hạn, trong khi kế hoạch kinh doanh của các DN thường theo chiến lược trung hạn (3-5 năm) hoặc dài hạn (trên 5 năm). Bản thân hoạt động quảng bá, xúc tiến cũng cần trước ít nhất 6 tháng đến 1 năm để lan tỏa đến du khách.

{keywords}

Việc cấp thị thực tại cửa khẩu và cấp thị thực điện tử cũng cần sớm được áp dụng, Bộ VH-TT&DL đề nghị.

Với du khách từ thị trường xa như Tây Âu, phải cần ít nhất 3-6 tháng để ra quyết định. Tức, càng về sau, tốc độ tăng trưởng khách càng cao hơn khi biết điểm đến đó miễn visa.

Trong khi đó, việc miễn visa ngắn hạn chủ yếu thu hút khách đi lẻ. Vì thế, các đơn vị lữ hành tổ chức khách đoàn lớn vẫn còn dè dặt, chờ đợi một chính sách dài hạn, ổn định. Việc miễn thị thực trong 1 năm là chưa đủ để thực sự hỗ trợ doanh nghiệp.

Hơn nữa, khách du lịch đến từ thị trường xa như Tây Âu thường theo các chương trình trên 15 ngày, thông thường khoảng 3-4 tuần. Do đó, chính sách miễn thị trong 15 ngày cũng chưa thực sự hấp dẫn du khách.

Thực tế, khi triển khai công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, nhiều cơ quan, doanh nghiệp cũng nêu câu hỏi về chính sách thị thực đối với 5 nước Tây Âu từ tháng 7/2016. Bộ VH-TT&DL đến thời điểm này vẫn lúng túng về vấn đề trên.

Nhìn sang các nước láng giềng, họ liên tục có những chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh để thu hút khách du lịch. Đơn cử, để đạt con số 20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019, từ đầu tháng 3/2016, Indonesia miễn thị thực thêm cho công dân 79 quốc gia, vùng lãnh thổ, nâng tổng số lên 169. Malaysia đón 27,4 triệu lượt khách quốc tế và đã miễn lệ phí thị thực cho 155 quốc gia (85 là đơn phương). Singapore miễn visa cho 150 quốc gia (82 là đơn phương).

Còn Việt Nam thì chỉ đón gần 8 triệu lượt khách quốc tế và mới miễn thị thực cho 22 quốc gia.

Do vậy, Bộ VH-TT&DL ngày 25/4 đã có Công văn số 1399 chính thức kiến nghị Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời gian miễn visa cho công dân các nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy từ 1 lên 5 năm và tăng thời gian miễn visa cho khách du lịch các nước này từ 15 lên 30 ngày.

Bộ này cũng kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, chấp thuận đề xuất tại tờ trình ngày 16/3 về việc miễn visa đơn phương cho công dân 13 nước đến Việt Nam du lịch theo chương trình tour trọn gói, do các công ty lữ hành quốc tế được phép hoạt động tại Việt Nam tổ chức.

Đồng thời, mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho công dân một số nước là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam, mà Bộ sẽ có đề xuất riêng.

Việc cấp thị thực tại cửa khẩu và cấp thị thực điện tử cũng cần sớm được áp dụng, Bộ VH-TT&DL đề nghị.

Trên thế giới, việc đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh là xu hướng chung. Tỷ lệ khách du lịch quốc tế cần visa trên toàn thế giới đã giảm từ 77% năm 2008 xuống còn 61% năm 2015. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2015, khoảng 20% dân số toàn cầu không cần thị thực, 23% có thể được cấp thị thực tại cửa khẩu, 11% có thể được cấp thị thực điện tử.

Đáng lưu ý, công dân các nước Tây Âu như Đức, Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha thuộc nhóm 10 nước được nhiều nước miễn thị thực nhất trên thế giới, với khoảng hơn 170 nước.

Ngọc Hà