Người ta luôn thấy mọi dự án đều được FLC triển khai “siêu nhanh”, dù tập đoàn này không định vị mình gắn liền với tốc độ. FLC chỉ coi mỗi dự án như một “trận đánh”, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất, thực hiện suôn sẻ nhất.

Dưới đây là chia sẻ của ông Trịnh Văn Quyết- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.

- Tốc độ thi công sân golf nhanh nhất thế giới, các đại công trình quy mô hàng nghìn tỷ đồng trên diện tích cả trăm héc-ta chỉ thi công trong chưa tới 1 năm… Cỏ phải, FLC đang định vị mình gắn với tốc độ?

Không, FLC không định vị mình với tốc độ. Tiêu chí của FLC là minh bạch, hiệu quả cho cổ đông, khách hàng, xã hội… Tốc độ trong thi công là yếu tố để thực hiện nhiệm vụ, sứ mệnh đó.

Ở góc độ doanh nghiệp, thi công nhanh giúp tiết kiệm chi phí vốn, rút ngắn thời gian chuyển giao, khai thác dự án… từ đó làm tăng hiệu quả kinh doanh.

Ở góc độ khách hàng, nếu bạn bỏ tiền ra mua một sản phẩm BĐS, tôi tin bạn cũng sẽ cảm thấy yên tâm và sẵn sàng chi tiền hơn khi chủ đầu tư thực hiện đúng hoặc tốt hơn cam kết về tiến độ. Thêm vào đó, dự án được thi công nhanh cũng có giá bán hấp dẫn hơn do giá thành thấp hơn.

Còn ở góc độ xã hội, thì đó là rất nhiều yếu tố, từ việc tối ưu hóa nguồn tài nguyên đất đai đến góp phần làm đẹp cảnh quan…

Quan điểm của FLC là tối đa hóa lợi ích cho cổ đông trên cơ sở gia tăng lợi ích cho cộng đồng, xã hội…, nên việc mọi dự án của FLC đều được đảm bảo thi công với tốc độ nhanh nhất, hiệu quả nhất là điều dễ hiểu.

{keywords}

Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm sơn (diện tích trên 200 ha, tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng) khai trương tháng 7/2015 sau 9 tháng thi công.

- Các chủ đầu tư nói chung có lẽ đều muốn đẩy nhanh tốc độ thi công, vì yếu tố tiết kiệm chi phí. Nhưng trên thực tế, không phải đơn vị nào cũng làm được điều này. Vậy bí quyết của FLC là gì?

Với mỗi dự án, dù lớn hay nhỏ, chúng tôi đều xem như một “trận đánh” để mình có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất, từ phương án đầu tư, loại hình sản phẩm, thời điểm thi công, lựa chọn nhà thầu đến nguồn lực tài chính…

Từ yêu cầu này, chúng tôi luôn lựa chọn các đối tác thiết kế uy tín giúp dự án hoàn chỉnh, hiện đại và phù hợp ngay từ đầu. FLC đã hợp tác với các nhà thiết kế hàng đầu thế giới như: Nicklaus Design, Schmidt-Curley trong lĩnh vực sân golf; Serenity Holdings, AccorHotels trong lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng…

Trong quá trình thi công, chúng tôi cũng lựa chọn các nhà thầu có tiềm lực và uy tín như Faros (tổng thầu), Flagstick (xây dựng sân golf), Sigma (cơ điện)... Các nhà thầu phải đảm bảo duy trì được đủ số lượng lao động (cao điểm lên đến 5.000 người tại FLC Sầm Sơn) và thi công 3 ca.

Ngoài ra, FLC cũng thành lập ban thanh tra, đội phản ứng nhanh, thực hiện giao ban trực tuyến 24/24 để kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng thi công… đảm bảo thi công đến đâu đạt chất lượng, tiến độ đến đó và mọi phát sinh phải được giải quyết kịp thời.

{keywords}

Ông Trịnh Văn Quyết

- Còn yếu tố nguồn lực tài chính, thưa ông?

Nhìn lại một loạt các dự án BĐS, chúng ta sẽ thấy là nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu đến từ việc không chuẩn bị sẵn phương án tài chính. Phụ thuộc vào vốn tự có không thì không đủ, nhưng nếu chỉ trông chờ vào ngân hàng, hay khách hàng… thì cũng rất rủi ro. Quan điểm của FLC là chuẩn bị tốt nhất cho mọi kịch bản, với nguồn tiền tài trợ đa dạng từ vốn tự có, ngân hàng, khách hàng, nhà đầu chiến lược và cả nhà cung ứng, và không phụ thuộc vào bất kỳ 1 nguồn nào.

Tại FLC Sầm Sơn, chúng tôi có được cam kết của Vietinbank về tài trợ vốn, nhưng số dư vốn vay đến thời điểm hoàn tất dự án vẫn còn khá nhỏ so với tổng mức đầu tư. Với FLC Quy Nhơn, BIDV đã có cam kết tài trợ đến 70%, nhưng bạn thấy đấy, hiện nay, dự án đã sắp khai trương nhưng chúng tôi mới chỉ vay mấy trăm tỷ đồng. Vấn đề không phải chúng tôi không dùng vốn vay, nhưng nếu trông chờ vào vốn ngân hàng, thì thủ tục chờ giải ngân theo đúng quy trình cũng không phải một sớm một chiều là có.

Làm thật tốt khâu bán hàng để có nguồn tiền bổ sung cho dự án; hợp tác chặt chẽ với các ngân hàng để có bảo trợ về tín dụng; làm việc với các nhà cung ứng và đối tác chiến lược để có thể huy động vốn đầu tư, vốn thương mại; lên phương án huy động vốn cổ đông… là cách để chúng tôi không chỉ luôn sẵn sàng về mặt tài chính, mà còn có nguồn tiền với chi phí rẻ nhất.

- Xin cảm ơn ông!

Thúy Ngà