“Không có tài sản thế chấp thì đừng mơ vay ngân hàng”; “Muốn được vay thì phải chịu chi” và “Đồng tiền gắn liền khúc ruột”… là những suy nghĩ sai lầm phổ biến khiến nhiều chủ DN bỏ lỡ cơ hội tận dụng vốn từ nhà băng.

Tư duy “cổ”

Nhắc đến việc đi vay ngân hàng, nhiều DN vừa và nhỏ (SME) Việt Nam vẫn thường lấn cấn “Lấy cái gì thế chấp để vay? Phải chi tiền lót tay cho ai để được duyệt nhanh?” Tư duy kiểu này giờ đã trở thành lạc hậu trong bối cảnh các ngân hàng đang trong cuộc đua tranh giành thị phần khốc liệt.

{keywords}

“Những DN có tài sản bảo đảm khi đến ngân hàng hỏi vay khá tự tin. Tuy nhiên, dù anh có hai căn nhà mà sổ sách của công ty nhập nhèm hay có dấu hiệu sản xuất kinh doanh ‘ảo’ thì ngân hàng không bao giờ dám mạo hiểm.

Việc ngân hàng không duyệt hồ sơ vay khiến các chủ DN lầm tưởng là một kiểu vòi tiền của nhân viên ngân hàng. Nhưng họ đâu biết rằng nhân viên ngân hàng giờ chỉ mong tư vấn để khách hàng có được bộ hồ sơ vay đủ tiêu chuẩn và không chuyển sang ngân hàng khác”, một chuyên viên tín dụng của một ngân hàng quốc doanh chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều DN lại chủ quan khi cho rằng với ý tưởng kinh doanh tốt, tính khả thi rõ ràng thì ngân hàng sẽ không từ chối khoản đầu tư sinh lời như vậy. Thực tế, các quy định và chế tài hiện hành lại có vẻ không dành nhiều sự hỗ trợ cho những ý tưởng kinh doanh táo bạo, dù có thể với tư cách cá nhân thì các lãnh đạo ngân hàng tỏ ra ủng hộ.

Vậy DN có thể huy động nguồn vốn ổn định ở đâu để nuôi dưỡng và phát triển hoạt động kinh doanh của mình? Câu trả lời lại khá đơn giản, khiến nhiều chủ DN ngỡ ngàng.

Trưởng phòng khách hàng SME của một nhà băng cổ phần cho biết, có trường hợp khách hàng doanh thu một năm khoảng 20 tỷ, nhà xưởng đã cầm cố vay ngân hàng khác rồi nhưng khi có nhu cầu vốn lưu động vẫn được ngân hàng này hỗ trợ.

“Đơn giản bởi vì DN đã chứng minh được hoạt động của mình minh bạch và nguồn doanh thu rất tiềm năng. Ngân hàng có công cụ, DN có nhu cầu. Vấn đề chỉ là khớp nối hiệu quả hai điều này với nhau mà thôi”, vị trưởng phòng này cho hay.

{keywords}

Chuộng tiền mặt

Thói quen dùng tiền mặt và tư duy quản lý tiền kiểu “Đồng tiền gắn liền khúc ruột” khiến DN và ngân hàng khá khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung.

Nếu ngân hàng thường “ngả” về phía những DN giao dịch chủ yếu qua tài khoản, vì như vậy năng lực cũng như tiềm năng của DN dễ thẩm định hơn, thì DN, trái lại vẫn chuộng tiền mặt.

“Doanh thu mỗi tháng vài trăm triệu hoặc cao nhất là khoảng 1-2 tỷ. Nếu đem gửi tiết kiệm ngắn hạn thì mỗi khi cần tiền lại phải tính toán thời điểm rút cho đỡ mất lãi, trong khi các khoản phải chi thì phát sinh liên tục. Vì thế tôi thích cho tiền vào két cho tiện. Còn nếu mở tài khoản thì mỗi khoản thanh toán lại mất phí, mỗi lần thì cũng chả nhiều nhưng nhiều lần gộp lại cũng thành một khoản kha khá”, chủ DN may thêu có trụ sở tại Minh Khai (Hà Nội) chia sẻ.

Cách suy nghĩ kiểu này đang khá phổ biến trong giới DN nhỏ và siêu nhỏ. Bài toán thực tế dưới đây sẽ chỉ ra tư duy này gây “thiệt hại” đáng kể cho DN như thế nào khi bỏ qua công cụ quản lý tài chính do nhà băng cung cấp.

Với khoảng 500 triệu đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng DN sẽ thu về hơn 7 triệu đồng lãi cuối kỳ (tương đương lãi suất khoảng 5,5%/năm), đủ để trả lương tháng cho từ 1-2 nhân viên. Việc chi tiêu được tính toán một cách tiết kiệm nhất. Thanh toán chi phí tiếp khách, mua thiết bị văn phòng, văn phòng phẩm, quà tặng… đều bằng thẻ tín dụng để tận dụng triệt để 45 ngày miễn lãi. Giao thẻ phụ với hạn mức cụ thể cho những nhân sự được phân quyền chi tiêu vừa chủ động lại dễ kiểm soát chi phí và không cần tiền mặt khi thanh toán.

Trả lương nhân viên theo hình thức payroll vừa giúp DN tiết kiệm thời gian lại giúp thoát khỏi những phiền toái hay gặp phải với tiền mặt như: thiếu tiền lẻ, thừa thiếu phát sinh khi kiểm đếm, mất vài ngày để chia và phát lương cho từng nhân viên…

Không tận dụng các sản phẩm của ngân hàng

Nếu chỉ nhìn nhận nhân viên tín dụng dưới góc độ người bán hàng thì DN đang bỏ lỡ cơ hội tận dụng nguồn sinh lời từ chính các sản phẩm do ngân hàng cung cấp.

Phụ trách phân khúc SME Ngân hàng VPBank chia sẻ: “Một nhân viên ngân hàng tốt không chỉ biết tư vấn các giải pháp tài chính phù hợp đặc thù DN mà họ còn giúp DN tận dụng cơ hội để tiết kiệm chi phí, tranh thủ nguồn vốn giá rẻ hay các ưu đãi phí.

Đơn cử, khi đọc được thông tin thay đổi thuế ô tô nhập khẩu từ 1/7/2016, từ đầu năm một số giám đốc trung tâm SME của chúng tôi đã ngay lập tức trao đổi với các chủ showroom để chuẩn bị nguồn vốn “găm” xe, chuẩn bị tung bán sau 1/7. Và thực sự người nhân viên tốt sẽ giúp được DN rất nhiều: chuẩn bị sẵn hồ sơ vay tín chấp, hồ sơ vay dạng chuỗi nhà cung cấp, lên lịch giải ngân…

Ở trường hợp này, các giám đốc SME của chúng tôi không chỉ đơn thuần là người cung cấp dịch vụ vay như các DN thường hiểu.Họ thực sự đồng hành cùng hoạt động kinh doanh của DN.”

Thực tế cho thấy quan hệ ngân hàng - DN khi cân bằng ở thế win-win (đôi bên cùng có lợi) thì sẽ là đòn bẩy hiệu quả cho cả nền kinh tế, bởi suy cho cùng, việc DN quản lý tốt dòng tiền không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân DN mà còn giúp ngân hàng thực hiện tốt chức năng “kinh doanh tiền” của mình.

Xuân Thạch