Vị sau lên chức lại muốn sắm xe đời mới hơn... đó là một lý do khiến tình trạng sử dụng xe công sai tiêu chuẩn diễn ra khá phổ biến.
Mới đây, Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát xe công của tất cả các bộ, ngành, địa phương, bước đầu cho thấy lượng xe công cả nước hiện dư thừa khoảng 7.000 chiếc.
Theo Bộ Tài chính, lượng xe dư thừa so với quy định tại Quyết định 32/QĐ-TTg chủ yếu do địa phương xác định sai tiêu chuẩn, định mức ở các đơn vị, các chức danh hoặc đã mua mới để thay cho xe cũ nhưng lại không tổ chức thanh lý.
Điều dư luận quan tâm về nguyên nhân gây dư thừa ô tô công được Bộ Tài chính đưa ra là “xác định sai tiêu chuẩn, định mức ở các đơn vị, các chức danh”. Vì sao lại xảy ra tình trạng này? Liệu có phải các văn bản qui định tiêu chí, hướng dẫn thực hiện việc mua xe công quá khó hiểu? Hay còn vì nguyên nhân nào khác? Có phải vì các lý do: Một là, do văn bản quá nhiều lỗ hổng nên khi thực hiện bị lợi dụng dẫn đến tình trạng dư thừa quá nhiều xe công, hoặc do nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức quá kém, không hiểu được văn bản dẫn đến làm sai; hoặc do văn bản của cơ quan quản lý rất hay, rất tốt nhưng khi áp dụng lại bị cố tình làm sai hoặc người khác làm được sao mình không làm được… Có vô số giả được đưa ra để lý giải cho nguyên nhân vì sao xe công dư thừa quá nhiều. Nhưng dù là nguyên nhân gì thì vẫn do con người là chính.
Chuyện mua sắm xe công quá tay không phải là mới. Nếu như trước kia, khi mỗi đơn vị có sếp mới, đều tìm cách thay xe. Bởi nhiều người thấy mình xứng đáng được hưởng và đây cũng là cách thể hiện “đẳng cấp” của mỗi vị sếp, mỗi cơ quan. Sau đó, các cơ quan quản lý ngân sách thấy không ổn nên đã tìm cách “siết” mua sắm xe công. Đặc biệt, khoảng vài năm trở lại đây, việc quản lý xe công đã chặt hơn rất nhiều thế mà cả nước vẫn dư thừa khoảng 7.000 chiếc xe công.
Xử lý ra sao với số xe công dư thừa? Bộ Tài chính đã liên tục đốc thúc các bộ, ngành, UBND các tỉnh rà soát, sắp xếp lại, nơi nào dư thừa xe công sẽ phải điều chuyển sang nơi thiếu, các loại xe hết khấu hao, đã chạy quá 15 năm hoặc 25 vạn km thì được cho phép bán thanh lý. Thế nhưng, đến hết quý I/2016, vẫn còn tới 30% số bộ, ngành, địa phương chưa gửi báo cáo về cho Bộ Tài chính tổng hợp.
Mua sắm xe công không phải chỉ dừng ở số tiền mua xe mà kéo theo nó là hàng loạt chi phí khác như nuôi người lái xe, xăng xe, bảo dưỡng, sửa chữa, phí cầu phà, đăng kiểm… chính vì thế, khoản ngân sách dành cho mua sắm xe công không phải là con số chi ra một lần mà giống như chuyện “nuôi một thằng nghiện trong nhà”. Thế mới có chuyện, khi Quốc hội đặt vấn đề khoán xe ô tô công 10 triệu đồng/tháng từ nhiều năm trước đây thì chẳng ai mặn mà. Mới đây, dự thảo nghị quyết về chế độ và các điều kiện đảm bảo hoạt động của ĐBQH đã nâng lên mức 15 triệu đồng/tháng vẫn khiến nhiều người băn khoăn bởi thực tế, điều kiện tài chính để "nuôi" một ô tô công hiện nay là 32 triệu đồng/tháng.
Không phải không có lý do khi mà lâu nay, mỗi khi thấy ai đó, cơ quan nào đó tiêu pha lãng phí, người ta vẫn thường tặc lưỡi bảo nhau “của công ấy mà”. Hoặc thấy nhiều tài sản tiền tỷ mà phơi nắng, phơi sương đến hỏng hóc, hoang phế… người ta nghĩ ngay đấy là của công, là đầu tư công, là không phải của tư nhân.
Có hàng chục nghìn xe công đồng nghĩa với việc chúng ta cũng phải chi trả hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm để vận hành, duy trì đội ngũ xe này. Dư thừa 7.000 xe đồng nghĩa với việc ngân sách đang phải chi trả số tiền không nhỏ để nuôi 7.000 con người lái những chiếc xe đó.
Nợ công đã tăng cao. Chi tiêu công cũng tăng cao, trong đó phần lớn là dành cho chi thường xuyên. Đây là điều mà các nhà quản lý phải suy ngẫm. Đã đến lúc phải thắt chặt các khoản mua sắm công, đặc biệt là xe công. Một lý do rất đơn giản, chỉ vì “xác định sai tiêu chuẩn, định mức ở các đơn vị, các chức danh”mà kéo theo thiệt hại về ngân sách vô cùng lớn, gây bức xúc trong dư luận. Mua sắm tài sản công trong đó có xe công cần phải được thực thi nghiêm khắc khi nước ta còn nghèo mà nhiều người lại xài sang, vượt cả tiêu chuẩn qui định thì công cuộc tiết kiệm đến bao giờ mới thực chất?
Theo VOV