Việc thu hút xã hội hóa đầu tư cảng hàng không có nhiều lợi ích như giải được bài toán vốn đầu tư và quan trọng hơn là xóa vị thế độc quyền của ACV. Nhưng đáng tiếc chủ trương xã hội hóa này mới chỉ ở trên giấy.
Đó là quan điểm thẳng thắn của TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế khi được biết TCty cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề xuất lên Bộ Giao thông vận tải được tăng phí dịch vụ tại các sân bay nội địa.
Vị thế độc quyền
Theo ACV, về mặt chi phí đầu tư cảng hàng không quốc tế và nội địa chỉ chênh lệch nhau 20 – 30%, về cơ cấu, số lượt cất hạ cánh và sản lượng hành khách nội địa chiếm 2/3 tổng sản lượng phục vụ. Nhưng theo Quyết định 1992/2014/BTC của Bộ Tài chính, mức giá dịch vụ cất hạ cánh với đường bay nội địa thấp hơn 2,5 lần đường bay quốc tế, mức phí phục vụ hành khách cũng thấp hơn từ 2,5 đến 8 lần tùy theo từng sân bay, mức phí soi chiếu an ninh cũng thấp hơn 6 lần.
Đây là lý do ACV đề xuất Bộ GTVT phê duyệt lộ trình điều chỉnh khung giá thu với hành khách đi tuyến nội địa hiện nay theo hướng thu hẹp khoảng cách giữa nội địa và quốc tế xuống từ 2 – 4 lần trong vòng 5 năm tới.
Hiện ACV là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành giao thông, đang độc quyền quản lý toàn bộ 22 cảng hàng không trên khắp cả nước. |
Thậm chí, ACV còn đề nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận việc DN này là “đơn vị được ưu tiên trong việc lựa chọn giao đất để cung cấp các dịch vụ trong hoạt động khai thác tại các cảng hàng không. Trừ trường hợp ACV không kinh doanh, mới giao cho đơn vị khác để đảm bảo thu hồi vốn đầu tư”.
Ông Ánh phân tích, hiện nhu cầu vốn để tái đầu tư hạ tầng sân bay rất lớn (22.200 tỷ đồng trong 3 năm 2016 – 2018), trong khi ngân sách chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ, thì những yêu cầu mà ACV đề ra như tăng phí, cơ quan quản lý khó lòng không đáp ứng. Nhưng, mấu chốt vẫn là ACV đang được hưởng nhờ vai trò nắm vị thế độc quyền khai thác phần lớn dịch vụ quan trọng tại tất cả các sân bay trong cả nước hiện nay.
Vì... chưa có cơ chế
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định, chủ trương xã hội hóa đầu tư cảng hàng không là rất đúng, nhưng khi triển khai thực hiện còn rất nhiều vướng mắc về luật đầu tư công, an ninh quốc phòng trong quản lý, khai thác các sân bay… Nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đã ngỏ ý được tham gia đầu tư tại các sân bay tiềm năng nhưng tới nay, vẫn chưa có một cơ chế, chính sách cụ thể nào về vấn đề nhượng quyền khai thác cảng.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, việc xã hội hóa hoạt động quản lý, khai thác cảng hàng không ở Việt Nam mà thực chất là tư nhân hoá, cổ phần hóa không phải là câu chuyện mới. Đây là việc rất cần thiết để bổ sung nguồn lực và chia sẻ rủi ro, tăng hiệu quả hoạt động bởi sở hữu tư nhân thường hiệu quả hơn sở hữu nhà nước.
Tuy nhiên, cái khéo của chính sách phải là tạo ra được áp lực cạnh tranh phù hợp. Khi đó, doanh nghiệp có năng lực sẽ vươn lên được, dần dần tạo ra nền tảng phát triển bền vững, còn trái lại sẽ phải chấp nhận bị đào thải. Theo Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu, hiện Bộ GTVT đang chuẩn bị cơ sở pháp lý để tiến hành nhượng quyền các cảng hàng không như Nhà ga T1, sảnh E, sân bay Phú Quốc. Sau khi hoàn thiện cơ sở pháp lý, Bộ GTVT sẽ có phương án cụ thể cho từng dự án nhượng quyền.
Việc định giá các cảng hàng không sẽ do Bộ Tài chính chủ trì, Bộ GTVT sẽ cùng định giá và sẽ công khai sau khi các vấn đề pháp lý được giải quyết.
(Theo DĐDN)