Với 23 triệu người làm nông nghiệp nhưng chỉ đóng góp 20% vào tổng GDP, ngành nông nghiệp VN đang yếu thế ngay trên sân nhà. Ireland - đất nước đã vươn lên giàu có bằng nông nghiệp sẽ có nhiều bài học để chúng ta đáng học hỏi.
Làm giàu bằng nông nghiệp ở Ireland
Là khách mời danh dự tại Hội thảo “Giới thiệu Công nghiệp thực phẩm Ireland: An toàn, Đảm bảo, Bền vững” do Đại sứ quán Ireland tổ chức, TS Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hanoimilk (đơn vị vừa được trao giải thưởng Công nghiệp Thực phẩm Toàn cầu 2016 tại Dublin, Ireland - Giải thưởng danh giá nhất của ngành thực phẩm) nói: “Ireland đã đánh thức Tiềm năng xanh, đã chứng minh cho thế giới thấy rằng có thể làm giàu bằng nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Mô hình trang trại chăn thả bò sữa tự nhiên cho nguồn sữa tươi tự nhiên chất lượng cao ở Ireland là rất đáng học tập và áp dụng ở Việt Nam”. Đây là mô hình mà doanh nghiệp này đã được Sứ quán Ireland giới thiệu để áp dụng xây dựng trang trại bò sữa tự nhiên tại Mê Linh, Hà Nội.
Từ một nước có thu nhập trung bình thấp ở châu Âu, hiện Ireland đã có GDP đứng thứ 16 trên thế giới với các sản phẩm từ sữa được xếp hạng cao cấp. Với nông dân Ireland, sữa được mệnh danh là “vàng trắng” bởi cả chất lượng dinh dưỡng lẫn giá trị kinh tế mang lại. Năm 2015, tổng sản lượng sữa của Ireland (bao gồm cả nhập khẩu) xấp xỉ 6.982 triệu lít; tổng sản lượng sữa và nguyên liệu xuất khẩu tăng 4%, đạt 3,24 tỉ euro. Dù sở hữu chưa đến 1% số lượng đàn bò trên toàn cầu, song đảo quốc nhỏ bé này lại cung cấp hơn 15% sản lượng sữa bột công thức cho thị trường thế giới.
Theo phân tích, ngành công nghiệp sữa Ireland có sự phát triển vượt bậc này là nhờ việc áp dụng kiểm toán chất lượng 100% của hơn 18.000 trang trại bò sữa; 90% lượng thịt bò xuất khẩu kiểm định dấu vết cacbon. Song song với việc đầu tư chiến lược thực phẩm thông minh, Bộ nông nghiệp Ireland cũng thực hiện kiểm soát thông qua cơ chế quản lý chất lượng an toàn thực phẩm và khả năng truy xuất nguồn gốc thực phẩm được kết nối chặt chẽ trong chương trình Bord Bia’s Origin Green, được Văn phòng thực phẩm và Thú y của EU và 130 cơ quan thẩm định chất lượng tại 130 nước trên thế giới công nhận.
Tại hội thảo trên, ngài Andrew Doyle, Quốc Vụ khanh - Bộ trưởng Thực phẩm, Lâm nghiệp và Trồng trọt Cộng hòa Ireland khẳng định, Ireland sẵn sàng chia sẻ công nghệ và bí quyết tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, bền vững, có giá trị cao và mong muốn hợp tác sâu rộng hơn nữa với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cơ hội cho Việt Nam từ Ireland
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, với 3 thách thức lớn hiện này (quy mô sản xuất nhỏ lẻ; biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế), thông qua sự hợp tác này, Việt Nam có thể học hỏi nền nông nghiệp hiện đại, dựa trên ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao từ Ireland như công nghệ bảo quản chế biến, bảo quản nông sản.
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong hoạt động hợp tác quốc tế, tích cực và chủ động đưa các sản phẩm sữa ra thị trường nước ngoài, Chủ tịch Hanoimilk Hà Quang Tuấn thẳng thắn chia sẻ: “Các sản phẩm sữa của Ireland có thể nói là đắt nhất thế giới. Vì vậy, Ireland chỉ có lợi thế cạnh tranh về sữa bột công thức, còn Sữa tươi, Sữa chua, Sữa thanh trùng, các sản phẩm sữa bảo quản lạnh sẽ vẫn là ngành hàng tiềm năng. Và vì vậy chúng tôi đang đầu tư phát triển mở rộng để xuất khẩu vào thị trường Hong Kong, Trung Quốc và Asian”.
Bà Cáit Moran - Đại sứ Ireland (ở giữa) và ông Andrew Doyle Quốc vụ khanh Ireland ( thứ 3 từ phải qua) chụp ảnh với các khách mời danh dự tại Hội thảo. |
Một lợi thế cạnh tranh khác trên sân nhà đó là sự phù hợp hơn về nhu cầu dinh dưỡng và thể trạng của trẻ em Việt. “Tại giải thưởng Công nghiệp thực phẩm toàn cầu, sữa IZZI S+ đã được vào vòng Chung kết ở hạng mục Chất lượng và Đổi mới công nghệ, được hội đồng khoa học đánh giá cao ý tưởng nghiên cứu phát triển Công thức sữa S+ phù hợp tối ưu về nhu cầu dinh dưỡng và thể trạng của trẻ em Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, với sự hợp tác với Ireland, chúng tôi còn có thể học hỏi và phát huy thế mạnh của mình để xuất khẩu sản phẩm đi nhiều thị trường khác” - ông Tuấn nói.
Trong phiên thảo luận chung về “Ireland mang lại cơ hội gì cho Việt Nam”, ông Uông Đình Hoàng - chuyên gia Vụ kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho rằng với những lợi thế kể trên, Ireland có thể hỗ trợ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng hệ thống kiểm soát thực phẩm an toàn cho chính phủ Việt Nam, một trong những mối quan tâm hàng đầu hiện nay.
Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam không phải là không thể cạnh tranh ở thị trường quốc tế. Chúng ta có những sản phẩm đủ sức vươn xa nhờ vào thổ nhưỡng, khí hậu tạo nên nguồn nguyên liệu thơm ngon. Điều quan trọng là khâu kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm tra dư lượng kháng sinh, tồn dư bảo vệ thực vật… Và tất nhiên, áp dụng kỹ thuật cao vào khâu chế biến sản phẩm nông nghiệp chính là chìa khóa then chốt để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Doãn Phong