- Bỏ ra hơn 130 tỷ đầu tư nhưng chỉ phục vụ có 2 chuyến xe/ngày, trong khi năng lực khai thác tới cả 1.000 lượt/ngày, bến xe phía Nam Đà Nẵng hy vọng sắp tới sẽ được phân tuyến để đi vào hoạt động.

Hơn 2 năm đi vào khai thác, bến xe xã hội hóa với cơ sở hạ tầng mà nhiều bến xe khác mơ ước, như bến xe phía Nam Đà Nẵng (do công ty CP Đức Long Đà Nẵng làm chủ đầu tư) vẫn chỉ như một bến xe hoang. Hơn 130 tỷ đầu tư chỉ phục vụ vỏn vẹn 2 chuyến xe/ngày, trong khi năng lực khai thác bến tới 800-1.000 lượt xe xuất bến/ngày.

Hai năm đội đơn đi tìm cửa thoát, 2 năm gánh lãi vay 20 triệu/ngày, đến nay dường như doanh nghiệp này mới thấy được con đường mở cho công trình bến xe đáng mơ ước của mình.

Ngày 27/6 vừa qua tại Đà Nẵng, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị “Phát triển công tác xã hội hóa, đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả quản lý đối với bến xe ôtô khách”. Tại đây, ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT và các lãnh đạo đã lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải về vấn đề xã hội hóa bến xe nhằm đưa ra các biện pháp, đường hướng tháo gỡ, tạo điều kiện cho các bến xe xã hội hóa đi vào hoạt động hiệu quả hơn. 

{keywords}

Bến xe phía Nam TP. Đà Nẵng chỉ phục vụ vỏn vẹn 2 chuyến xe/ngày, trong khi năng lực khai thác bến tới 800-1.000 lượt xe xuất bến/ngày, rất lãng phí.

Tại hội nghị, ông Phan Xuân Viên, Giám đốc bến xe phía Nam Đà Nẵng tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT sớm hoàn thành quy hoạch hạ tầng giao thông đường bộ, kèm theo phân tuyến để bến xe phía Nam Đà Nẵng đi vào hoạt động, tránh lãng phí số tiền đầu tư hơn 130 tỷ đồng.

Trước đó, sau nhiều lần Đức Long đệ đơn cầu cứu Chính phủ, các bộ ngành, ngày 28/2/2014, Bộ GTVT đã ban hành công văn số 2070/BGTVT-VT gửi TP. Đà Nẵng đề nghị TP quy hoạch mạng lưới tuyến nội tỉnh và xe buýt đi và đến bến xe phía Nam TP. Đà Nẵng, tạo điều kiện cho bến xe phía Nam được phục vụ các tuyến vận tải hành khách nội tỉnh và xe buýt thành phố.

Không chỉ riêng bến xe phía Nam Đà Nẵng, mà hiện nay, nhiều bến xe xã hội hóa khác cũng đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc nên chưa khai thác hết công suất. Đầu tư theo đúng quy hoạch, đúng chủ trương và đạt tiêu chuẩn loại 1, nhưng nhiều bến xe xã hội hóa chưa được các bộ ngành quan tâm đúng mức.

{keywords}
Toàn cảnh bến xe phía Nam TP. Đà Nẵng

Trước những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Xã hội hóa bến xe là cần thiết nhằm quản lý vận tải được tốt hơn. Bộ GTVT sẵn sàng đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân”.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho biết Bộ sẽ nghiên cứu và đề xuất Chính phủ có những quy định cụ thể, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp liên quan đến tiền thuê đất, lãi suất vay vốn, vấn đề giải phóng mặt bằng và các điều kiện thuận lợi khác để các nhà đầu tư an tâm tham gia khai thác bến xe.

Hội nghị lần này được đánh giá là “con đường mở” cho các bến xe đang gặp phải khó khăn, vướng mắc trong quá trình đi vào hoạt động, trong đó có bến xe phía Nam Đà Nẵng.

PV