Dự kiến trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ bãi bỏ hàng trăm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính liên quan góp phần hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Mạnh tay loại bỏ điều kiện kinh doanh
Việc đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm nhằm mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như góp phần hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Với phạm vi quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, tạo ra 60-70% GDP của cả nước, Bộ Công Thương là một trong những bộ ngành có những chính sách ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh nên số lượng các thủ tục, điều kiện kinh doanh còn tương đối lớn. Theo thống kê của Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), toàn ngành vẫn còn tồn tại khoảng 1.216 điều kiện kinh doanh.
Tuy nhiên, báo cáo mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy, thời gian qua, Bộ đã chủ động rà soát và bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh. Dự kiến sẽ có khoảng 105 điều kiện kinh doanh sẽ được bãi bỏ cùng với đó là việc đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính liên quan.
Khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ |
Cụ thể, từ ngày 1/7/2016, Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, theo đó đã bãi bỏ 03 điều kiện kinh doanh liên quan đến hoạt động tạm nhập tái xuất.
Tiếp đó, ngày 9/12/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4846/QĐ-BCT phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2017, theo đó số lượng điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương đang và sẽ được bãi bỏ là 27 điều kiện.
Ngay từ đầu năm 2017, theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Bộ đã chủ động rà soát để xây dựng trình Chính phủ 08 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện thuộc quản lý của ngành công thương như kinh doanh rượu, thuốc lá, khí, hóa chất, logistic...
Khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ |
Theo đó, hiện dự thảo các Nghị định này sẽ dự kiến bãi bỏ thêm 75 điều kiện đầu tư kinh doanh. Cho tới hiện tại, các văn bản quy phạm pháp luật này đều đã được Bộ Công Thương hoàn thành việc xây dựng, trình Chính phủ trong thời gian vừa qua.
Không dừng lại ở hơn 100 điều kiện kinh doanh dự kiến bãi bỏ ở trên, với hàng loạt các kế hoạch, phương án cải cách thể chế, xây dựng pháp luật, dự kiến Bộ Công Thương sẽ cắt giảm, loại bỏ khỏi hệ thống điều kiện đầu tư kinh doanh 425/1220 điều kiện, bằng 34,83% tổng số điều kiện (của 7/28 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện) theo thống kê của VCCI.
“Cải cách không phải vì lợi ích của Bộ Công Thương”
Trao đổi với báo chí, Bộ Công Thương khẳng định, nếu những điều kiện kinh doanh không thực sự cần thiết và không được thiết kế, thi hành một cách khoa học, hợp lý sẽ gây cản trở không nhỏ trong việc huy động phát triển nguồn lực để phát triển kinh tế đất nước.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nhiều lần khẳng định việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh phải được thực hiện một cách triệt để, khách quan, công tâm nhất, không phải vì lợi ích của Bộ Công Thương, ngành Công Thương mà là vì doanh nghiệp và tiến tới mục đích xa hơn là vì xã hội, đại bộ phận dân chúng.
Gần đây nhất, tại cuộc họp chiều 5/9 vừa qua về chuyên đề cải thiện, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực công thương, Bộ trưởng Bộ Công thương đã yêu cầu, trước mắt, các đơn vị thuộc Bộ cần phải rà soát ngay các thủ tục, điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm trong thời gian vừa qua đã phát huy hiệu quả như thế nào.
Xuất nhập khẩu tại cảng Hải Phòng |
Từ đánh giá cụ thể kết quả đã làm được, người đứng đầu ngành công thương yêu cầu các đơn vị cần nhanh chóng rà soát lĩnh vực mình quản lý để tiếp tục gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, trên cơ sở chỉ giữ lại các điều kiện cần thiết, tiến tới mục tiêu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
“Cái gì có thể tháo gỡ, cắt bỏ được ngay thì cần cắt bỏ ngay. Cái gì chưa cắt bỏ ngay được thì nghiên cứu giải pháp phù hợp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng đã giao thời hạn là trước ngày 14/9, các đơn vị thuộc Bộ sẽ phải gửi bản tổng hợp việc giải trình sự cần thiết, phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh cụ thể và báo cáo Bộ trưởng xem xét. Đặc biệt, phương án này sẽ được đích thân Bộ trưởng chỉ đạo cùng với Tổ công tác xem xét, quyết định việc triển khai cụ thể.
Trên thực tế, việc cải cách thủ tục hành chính nhanh chóng và luôn giữ vững tinh thần quyết liệt trong suốt thời gian qua của Bộ Công Thương đã nhận được sự đánh giá cao không chỉ của các doanh nghiệp sản xuất trong nước mà còn có các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế khác.
Ông Michalak- Phó Chủ tịch cao cấp Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN từng đánh giá: “Bộ Công Thương đã lắng nghe, thấu hiểu và tiếp thu các ý kiến một cách cầu thị trong sự tôn trọng, thể hiện quyết tâm đổi mới từ tư duy đến hành động; loại bỏ những điều kiện, "rào cản" bất hợp lý, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh và niềm tin quốc gia trên trường quốc tế trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng”.
Lệ Thanh