Giảm tắc nghẽn giao thông, bớt tai nạn, cải thiện môi trường thành phố,... những cái lợi rõ ràng nếu Hà Nội cấm xe máy cá nhân. Ngoài việc tuyên truyền để người dân tự nguyện không đi, nên xem xét ban hành lệnh cấm xe máy.

Hà Nội định hướng tới năm 2025 sẽ dừng hoạt động các phương tiện xe máy cá nhân, vấn đề này lại một lần nữa làm dấy lên những tranh luận trái chiều.

Bỏ xe máy cá nhân, lợi đơn lợi kép

Với tình hình như hiện nay chỉ trong vòng 4 năm nữa Hà Nội sẽ có khoảng 1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy được lưu hành thường xuyên trên đường. Đây là một con số khổng lồ, bởi hầu hết những phương tiện này chỉ tập trung ở khu vực trung tâm thành phố. Tình trạng quá tải, tắc nghẽn sẽ là không thể tránh khỏi.

Để giải quyết vấn đề này, việc phát triển các phương tiện giao thông công cộng có thể nói là hướng giải quyết duy nhất và đã được nhiều nước tiên tiến áp dụng.

{keywords}

Hà Nội đang có gần 5 triệu xe máy.

Nếu tất cả những người đang sử dụng xe máy chuyển sang sử dụng xe buýt hoặc tàu điện chắc chắn sẽ đem lại lợi ích to lớn.

Thứ nhất, vấn đề tắc nghẽn giao thông sẽ được khắc phục tích cực. Một chiếc xe buýt chở được 50 người sẽ chiếm ít diện tích lòng đường hơn 50 chiếc xe máy riêng lẻ là điều không cần bàn cãi.

Thứ hai, môi trường thành phố sẽ được cải thiện. Hiện Hà Nội đang bị ô nhiễm nghiêm trọng về khí thải và âm thanh. Thống kê của Phòng CSGT Hà Nội cho thấy, hiện có hơn 500.000 ô tô và gần 5 triệu xe máy lưu hành trên đường. Đây là nguyên nhân chính tạo ra tiếng ồn và các loại khí độc hại như ôxít Nitơ, Lưu huỳnh Điôxit và bụi. Trong mùa đông, các khí thải này khó bay lên cao và phát tán ra xa, dễ dẫn đến các bệnh về hô hấp.

Một lợi ích nữa của việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng là giảm thiểu thiệt hại do tai nạn gây ra. Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, xe máy không được xem là một phương tiện an toàn bởi người sử dụng không hề được bảo vệ, che chắn. Trong khi đó, xe buýt và tàu điện lại có hệ thống đường ưu tiên riêng, ít có nguy cơ va chạm với các phương tiện khác. Việc đào tạo đội ngũ lái xe, lái tàu chuyên nghiệp, chấp hành luật lệ cũng dễ hơn so với nâng cao ý thức tham gia giao thông của vài triệu người.

{keywords}

Nghiên cứu chi ra đi bộ tới nơi làm việc giảm các nguy cơ tiểu đường, tim mạch và béo phì.

Điều cuối cùng, sử dụng phương tiện công cộng kết hợp với đi bộ cũng là một cách nâng cao sức khỏe và thể chất. Theo số liệu công bố, thanh niên Việt Nam đang có tầm vóc nhỏ hơn so với các nước trong khu vực. Ngoài các lý do về di truyền, chế độ dinh dưỡng, thói quen ít vận động cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng.

Trên thế giới, học sinh sinh viên và giới công chức văn phòng một ngày phòng đi bộ vài km tới ga tàu điện ngầm là chuyện hết sức bình thường,vừa nâng cao sức khỏe, vừa đỡ đau cột sống sau một ngày ngồi liên tục.

Bỏ xe máy cá nhân: Nên cấm hay để tự nguyện

Trước những lợi ích to lớn của việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nhiều ý kiến cho rằng người dân nên chủ động hy sinh lợi ích cá nhân của mình cho sự phát triển chung của xã hội. Thậm chí, cần phải ban hành văn bản pháp luật về việc cấm xe máy nếu cần thiết.

Đơn cử như tại Trung Quốc, một nước có điều kiện văn hóa khá giống như Việt Nam nhưng đã thực hiện cấm xe máy ở một số thành phố cả chục năm. Ban đầu, lệnh cấm cũng gặp sự phản đối của một bộ phận người dân, sau đó nhờ sự quyết liệt của chính quyền Trung Quốc mà giờ đây tất cả đã đi vào quy củ.

Tuy nhiên, những người phản đối cấm xe máy cũng đưa ra những ý kiến hết sức xác đáng. Theo họ, việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng phải dựa trên tinh thần tự nguyện. Nếu xe buýt và sau này là tàu điện thực sự tốt, mọi người sẽ tự động chuyển sang.

{keywords}

Người dân nên bỏ đi xe máy vì lợi ích chung của cộng đồng?

Chưa rõ tới năm 2025 các phương tiện giao thông công cộng sẽ phát triển tới trình độ nào, chứ như hiện nay vẫn chưa thuyết phục được hành khách.

Hầu hết các xe buýt đang sử dụng có chất lượng không cao, giờ giấc xuất phát không ổn định và rất nhiều tuyến phố vẫn chưa có xe đi qua. Đã có người thử chuyển sang sử dụng xe buýt để đi làm nhưng sau vài lần bị muộn giờ, cực chẳng đã lại phải quay về sử dụng xe máy.

Ngoài ra, cũng phải kể đến một bộ phận người dân không thể không sử dụng xe máy. Đó là những gia đình có con nhỏ, chưa thể tự đi xe buýt. Nếu những ông bố, bà mẹ trẻ sau giờ làm phải bắt xe, đi bộ đến trường đón con, rồi sau đó mới cùng về nhà thì sẽ không đảm bảo về thời gian sinh hoạt. Chưa kể đối những người lao động bình dân, chiếc xe máy là phương tiện mưu sinh khó có thể thay thế.

{keywords}

Tàu điện ngầm tại thành phố Quảng Châu

Theo kinh nghiệm đã triển khai tại Quảng Châu, Trung Quốc, khi ban hành lệnh cấm xe máy chính quyền thành phố này đã phải đào tạo việc làm cho hàng ngàn người làm nghề xe ôm thất nghiệp. Cùng với đó là mở thêm hàng chục tuyến xe buýt mới, đưa vào vận hành hệ thống xe buýt nhanh và tàu điện ngầm hiện đại.

Tuy nhiên, mô hình của Trung Quốc rất khó học theo. Đơn giản là ngân sách của chúng ta không đủ để làm nhiều việc một lúc. Hai dự án đang được mong chờ là đường sắt Cát Linh - Hà Đông (đầu tư 19 ngàn tỷ, tương đương 868 triệu USD) và hệ thống xe buýt nhanh 1.200 tỷ đồng theo dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào cuối năm 2016 thì đều đang lỡ hẹn.

Có lẽ, để thực hiện được kịp kế hoạch đề ra vào năm 2025, chính quyền thành phố Hà Nội sẽ phải triển khai những biện pháp vô cùng quyết liệt trong thời gian tới.

Hoàng Hiệp