Viettel Global (công ty con của Viettel đầu tư ra nước ngoài) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 với lợi nhuận trước thuế gần 1.000 tỷ đồng (tương đương 41,2 triệu USD).
Chiến thuật xử lý tỷ giá
Sau khi gặp vấn đề tỷ giá năm 2016, ban lãnh đạo Viettel quyết định giữ lại tại thị trường tất cả lợi nhuận, chưa chuyển về nước và sử dụng đồng nội tệ cho các hoạt động đầu tư tại đó. Điều này sẽ giúp cho các khoản chênh lệch tỷ giá chỉ nằm trên sổ sách. Như vậy, khi tỷ giá phục hồi, "quả ngọt" năm trước có thể chuyển về cho năm nay.
6 tháng đầu năm 2017, tỷ giá tại các nước Mozambique, Cameroon đã có chuyển biến tích cực. Hơn nữa doanh thu của Viettel tại 9 thị trường nước ngoài còn tăng 25% so với cùng kỳ, đạt mức gần 14.000 tỉ đồng (600 triệu USD).
Thực tế, con số ấn tượng này đến từ tăng trưởng doanh thu các dịch vụ viễn thông di động, đặc biệt là một số dịch vụ mới như 4G, ví điện tử, các dự án CNTT lớn phục vụ khách hàng doanh nghiệp, chính phủ...
Trong số đó, doanh thu của Viettel tại thị trường Peru và Burundi có tốc độ tăng trưởng rất mạnh với 82% và 38%. Lợi nhuận trước thuế của Viettel tại Peru lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 405 tỉ đồng (18 triệu USD) vượt ~132% kế hoạch đề ra và doanh thu hơn 2.500 tỉ đồng (112 triệu USD) tăng 82% so với cùng kỳ năm 2016, vượt 3% so với kế hoạch đề ra.
Đối với thị trường Đông Timor, doanh thu của Công ty Viettel Timor Leste (Telemor) tăng trưởng 29% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt 10% so với kế hoạch đề ra, cùng số lượng khách hàng tăng 42% so với kế hoạch. Ở Đông Timor, Viettel khai thác thêm được tần số mới được cấp miễn phí để mang lại giá trị làm lợi hàng triệu USD cho thương hiệu Telemor, cũng như thúc đẩy khai trương dịch vụ 4G.
Đổi mới hình ảnh
Nguồn tin từ Viettel Global cho biết, thành quả của Viettel những năm vừa qua có được từ chiến lược đầu tư cho khách hàng tương lai, những người nghèo, ở vùng sâu, vùng xa đều có cơ hội tiếp cận dịch vụ. Chính vì vậy ở những nước đang phát triển, Viettel nhanh chóng chiếm thị phần lớn.
Nhưng với các thị trường đã phát triển ổn định như Lào, Campuchia, Viettel xác định cần một cách làm mới. Tại Campuchia, Viettel đã thay đổi nhận diện tại thị trường này. Nhà mạng lớn nhất Campuchia đã chuyển sang một hình ảnh trẻ trung, tươi mới với việc thực hiện nhiều sự kiện dành cho giới trẻ và chương trình quảng bá lớn, thay đổi chiến lược chăm sóc khách hàng…
Thông qua đó, Metfone đã trở lại mốc 7 triệu khách hàng sau 6 tháng đầu năm 2017. Tại Lào, Unitel phát triển đạt mốc 4 triệu khách hàng, duy trì vị thế nhà mạng số 1 tại đây.
Mục tiêu 250 triệu USD năm 2017
Theo ước tính của Viettel, một thị trường mới cần trung bình 3 năm hoạt động mới bắt đầu có lãi; 5-6 năm để bù hết lỗ lũy kế, và sau khoảng 8-9 năm thì hoàn được vốn. “Hiện tại Lào và Campuchia đã hoàn được vốn, 6 thị trường năm nay bắt đầu lãi. Theo tiến trình này, khoảng 5 năm nữa (2021 - 2022) Viettel sẽ hoàn vốn hết cả 9 thị trường (trừ Myanmar đang vào). Sau khi tất cả tiền đầu tư được thu về hết, tại các thị trường Viettel còn khoảng 20 năm kinh doanh theo giấy phép”, ông Lê Đăng Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ.
Nhìn tổng quan, có thể nói quả ngọt đã bắt đầu đến với Viettel: 5 thị trường đứng số một về thuê bao, hầu hết thị trường kinh doanh trên 3 năm đều có lãi. Kế hoạch đầu tư vào Myanmar đang diễn ra thuận lợi, một số thị trường mới cũng được xúc tiến tìm hiểu như Nigieria.
Theo ông Lê Đăng Dũng, chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Viettel đã chuyển hướng, với quy hoạch đặc thù cho từng thị trường và chỉ tập trung vào 1-2 mục tiêu quan trọng nhất. Năm nay,Viettel cũng xây dựng mục tiêu có dòng tiền để chuyển về nước là 5.000 tỷ đồng (khoảng 250 triệu USD).
“Tuy nhiên, những con số lãi lỗ của hiện tại chưa thể nói lên tất cả. Đầu tư là cả một quá trình dài hơi và đầu tư ra nước ngoài còn cần sự kiên nhẫn hơn nữa. Quả ngọt không chỉ được nuôi dưỡng bằng những con số đầu tư hay thu về, nó còn là hình ảnh xã hội, chất lượng phục vụ của hãng viễn thông Việt Nam ở những nơi mà người Viettel đặt chân tới”, ông Dũng chia sẻ.
Ở Peru, Bitel phủ sóng 90% diện tích toàn lãnh thổ (bao gồm cả những vùng sâu vùng xa trên dãy Andes). Người dân lựa chọn Bitel vì giá cước của Bitel rẻ, đi kèm dịch vụ Internet băng tần rộng, lắp đặt và miễn phí Internet cho tất cả các trường học ở vùng sâu vùng xa của Peru. Viettel tài trợ hệ thống Internet tốc độ và chất lượng cao cho hệ thống kiểm soát an ninh qua camera ở thủ đô Peru, tài trợ các gói Internet cho các văn phòng và cơ quan chính phủ. Với Mozambique, Viettel kéo được hơn 12.000km cáp quang khắp cả nước. Ít ai biết rằng trước khi Viettel đến, Mozambique là một trong những nước nghèo nhất châu phi. Sau khi Viettel đến, Mozambique trở thành 1 trong 5 nước có mạng lưới cáp quang hiện đại và phủ sóng lớn nhất châu Phi. |
Nguyễn Hà