Với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư, duy trì tốt mối quan hệ hợp tác, Vĩnh Phúc thu hút mạnh sự chú ý của các tập đoàn quốc tế. 2017 trở thành năm kỷ lục các đoàn doanh nghiệp từ nhiều quốc gia đến Vĩnh Phúc tìm hiểu môi trường đầu tư và thuyết trình dự án  kinh doanh.

2017, Vĩnh Phúc 'đắt khách ngoại'

Năm 2017, Vĩnh Phúc trở thành điểm đến của các nhà đầu tư lớn từ nhiều quốc gia; đặc biệt các nước châu Á.

Tháng 4/2017, Đoàn công tác của Công ty TNHH Korea Industrial Complex (KIC Hàn Quốc) do ông Cho Bae-Ho, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Trưởng đoàn đã đến Vĩnh Phúc làm việc và tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

{keywords}

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc tiếp đại diện Công ty TNHH Korea Industrial Complex (KIC Hàn Quốc) 

Tháng 7, đoàn DN tỉnh Akita (Nhật Bản) đã đến thăm, tìm hiểu môi trường đầu tư hợp tác trong tái chế rác thải nông nghiệp và dự án phát điện sử dụng năng lượng sinh khối tại Vĩnh Phúc.

Một tuần sau đó, đoàn các DN Singapore đến Vĩnh Phúc tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Tháng 11, UBND tỉnh tiếp đoàn công tác Hiệp hội Công nghệ thương mại quốc tế Hàn Quốc (ITKT) đến tìm hiểu môi trường đầu tư và bàn thảo các nội dung thúc đẩy thu hút đầu tư nước này vào Vĩnh Phúc.

Đầu tháng 12, Giám đốc điều hành Tập đoàn Fonderie Belli (Italia) cùng đoàn chuyên gia của tập đoàn danh tiếng này đã đến làm việc với Trung tâm Hành chính công Vĩnh Phúc tìm hiểu các điều kiện đầu tư dự án sản xuất các sản phẩm đúc chất liệu gang, nhôm và vật liệu tổng hợp theo tiêu chuẩn Châu Âu để cung cấp cho các công trình xây dựng, đường thoát nước, sân bay, KCN.

Nhà đầu tư là công dân Vĩnh Phúc; DN giàu, Vĩnh Phúc sẽ giàu

Ở Vĩnh Phúc, từ tập thể lãnh đạo tỉnh đến đội ngũ cán bộ công chức các sở ngành, địa phương luôn thống nhất, sát sao và quyết liệt trong công tác giải quyết thủ tục hành chính và chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư. Nhờ vậy, các DN (đặc biệt là DN nước ngoài) được khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư hiệu quả vào các lĩnh vực: công nghệ kỹ thuật cao, dịch vụ, du lịch, giáo dục , y tế…

{keywords}

Một góc KCN Khai Quang (Vĩnh Yên). Ảnh: Báo Vĩnh Phúc

Sau 20 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông Vĩnh Phúc trở thành "bến đỗ" của nhiều tập đoàn lớn, như Toyota, Honda, Sumitomo (Nhật Bản), Piaggio (Italia), De Hus (Hà Lan), Patron Vina, Heasung Vina, Bangjoo, Cammsys (Hàn Quốc), Prime Group (Thái Lan)… Đến hết tháng 6/2017, toàn tỉnh đã thu hút 224 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 3,69 tỷ USD.

Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia có nhiều DN đầu tư vào Vĩnh Phúc nhất, với 111 DN. Nhiều DN Hàn Quốc đã tăng vốn và mở rộng quy mô đầu tư ở Vĩnh Phúc, như: Công ty TNHH Camsys Việt Nam, Công ty TNHH Bangjoo Electronic, Công ty TNHH BH Vina, Công ty TNHH Vina Korea…

Sự đóng góp của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đã góp phần quan trọng tạo nên bước chuyển rõ rệt trong phát triển KT-XH của tỉnh Vĩnh Phúc, từng bước định vị "thương hiệu" của địa phương này trên bản đồ thu hút đầu tư ở Việt Nam.

Đạt được thành tựu này, bài học mà ông Nguyễn Văn Trì- Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc rút ra là "Vĩnh Phúc có chủ trương và cách thức triển khai mang đậm dấu ấn riêng của Vĩnh Phúc". Ông Chủ tịch cho rằng, để hấp dẫn các nhà đầu tư, phải có sự khác biệt. Ông nhấn mạnh phương châm: "Các nhà đầu tư đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, doanh nghiệp giàu thì Vĩnh Phúc sẽ giàu" và “Doanh nghiệp thành đạt, Vĩnh Phúc thành công".

Để tiếp tục thu hút mạnh đầu tư nước ngoài trong năm 2018, Vĩnh Phúc chú trọng thu hút FDI từ các tập đoàn đa quốc gia, các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các DN nhỏ và vừa của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Đồng thời hướng tới các đối tác tiềm năng đến từ châu Âu (Đức, Italia) và Hoa Kỳ.

Q.Hiếu