Tiki và Bibomart là những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công với số vốn ban đầu chỉ hơn 100 triệu đồng. Ngành bán lẻ Việt Nam được ví như đang đi từ phương tiện thô sơ lên ô tô.

Kể về câu chuyện khởi nghiệp tại sự kiện của Forbes, bà Trịnh Lan Phương, Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Bibo Mart, cho hay, Bibo Mart đã bắt đầu với một con số rất ít ỏi, 130 triệu đồng. Chặng đường khởi nghiệp khá vất vả do bán lẻ Việt Nam còn thiếu rất nhiều điều kiện như con người, nền tảng công nghệ, năng lực quản trị.

Theo bà Phương, công ty này đã mất 5 năm từ 2009-2014 để chuẩn bị nguồn lực, từ tài chính, con người, công nghệ và hệ thống quản trị. Việt Nam chưa có các trường đào tạo sẵn sàng cung ứng ngành nhân lực bán lẻ có chất lượng cho Việt Nam. Tuyển dụng nhân sự có chất lượng, đào tạo bài bản về ngành, có thể bắt nhịp công việc được ngay thực sự là một thách thức lớn. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống lại chưa có hệ thống công nghệ nền tảng. Cuối cùng là thách thức về năng lực quản trị.

Khởi nghiệp từ bán sách, ông Trần Ngọc Thái Sơn, người sáng lập ra Tiki cho biết, số vốn ban đầu chỉ khoảng 70 triệu đồng và hơn 100 đầu sách được để trong gara xe của nhà. Tốt nghiệp thạc sĩ thương mại điện tử Đại học New South Wales, Úc năm 2007, từng làm việc cho một công ty quảng cáo trực tuyến của Thái Lan, sau đó Sơn "ra riêng", thành lập Công ty Tiki.

{keywords}
Chia sẻ tại diễn đàn về bán lẻ

Ông Sơn cho rằng, chất lượng hàng hóa, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ,... thậm chí lừa đảo người tiêu dùng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành thói quen mua hàng qua mạng. Chính vì thế, Tiki luôn theo đuổi quan điểm bán hàng chính hãng tới người tiêu dùng. Bán lẻ trực tuyến đang cạnh tranh gay gắt với cửa hàng, tuy nhiên, Tiki vẫn chỉ chọn phương thức bán online.

Sau 10 năm thành lập, Bibo Mart hiện được định giá 142 triệu đô la Mỹ, doanh thu trên 100 triệu đô la Mỹ. Công ty có 150 cửa hàng, đặt ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Mục tiêu của Bobo Mart là đạt 180 cửa hàng vào cuối năm nay và 500 cửa hàng vào cuối năm 2019.

Năm ngoái, Tập đoàn VNG đã đầu tư 384 tỷ đồng (khoảng 17 triệu USD) vào Tiki. Thương vụ này khiến nhiều người bất ngờ, nhất là trong bối cảnh hàng loạt công ty thương mại điện tử của Việt Nam đã thuộc về các tập đoàn nước ngoài. 

Ngoài sách, Tiki đã mở rộng sang kinh doanh nhiều mặt hàng khác như điện tử, điện máy. Trước khi huy động vốn thành công từ VNG, Tiki được đầu tư bởi công ty Seedcom, quỹ CyberAgent Ventures và Tập đoàn Sumitomo. 

Từ xe đạp lên ô tô và mơ máy bay

Đánh giá về thương mại điện tử hiện nay, bà Phương cho rằng: “Rõ ràng, chúng ta đi từ các phương tiện thô sơ. Bán lẻ truyền thống đang nỗ lực rất lớn để hiện đại hoá, bắt được các chuẩn mực quốc tế, từ một chiếc xe ô tô tiếp tục đi lên thương mại điện tử là máy bay, đương nhiên là rất thách thức rất lớn với doanh nghiệp Việt Nam”.

Để tồn tại, Bibo Mart mạnh tay chi tiền để chiêu mộ những nhân sự hàng đầu ở nước ngoài. Thương mại điện tử đang chiếm tỷ trọng 15% tỷ trọng doanh số.

Ở một khía cạnh khác, đặc điểm chung của tất cả các sàn TMĐT tại Việt Nam đều phải chấp nhận đó là "lỗ trên mỗi đơn hàng". Tổng cộng, trong vòng 11 tháng sau khi được VNG rót vốn, Tiki đã lỗ gần 255 tỷ đồng, tức “tiêu” hết gần 3/4 số tiền mà VNG đầu tư. Với việc sở hữu 38% Tiki thì VNG cũng đã ghi nhận khoản lỗ xấp xỉ 97 tỷ đồng trên báo cáo tài chính hợp nhất.

Lãnh đạo của công ty thương mại điện tử này cho biết, khoản lỗ khủng đến từ việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng kho bãi và việc xây dựng hệ thống thanh toán trực tuyến của Tiki.

Bên cạnh đó, có một nhận định cho rằng các công ty thương mại điện tử ở Việt Nam luôn luôn lỗ trên mỗi đơn hàng. Và khi tổng lỗ của họ càng lớn, điều này cũng đồng nghĩa với việc họ ngày càng có nhiều đơn hàng hơn. 

Đánh giá về thành công của Tiki, Bibo Mart, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, nhận định dù đứng trước các nhà bán lẻ tốt về tài chính, quản trị, kinh nghiệm, nhưng nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn lớn mạnh. 

Những doanh nghiệp này có sự linh hoạt, thất bại thì làm đi làm lại và chịu khó học hỏi. Họ hiểu được trước sự cạnh tranh khốc liệt từ hội nhập, họ phải tự chuyển mình. Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa các đại gia ngoại tạo ra nhiều thách thức với các doanh nghiệp trong nước.

Nam Hải