So với các quốc gia trong khu vực ASEAN, lao động Việt Nam dù được đánh giá là chăm chỉ, thông minh nhưng lại thua kém về khả năng ngoại ngữ, đặc biệt là tính kỷ luật và tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp.
Lao động thuộc 8 ngành nghề được tự do dịch chuyển giữa các nước ASEAN. Tuy nhiên, đến nay số lượng lao động Việt Nam sang các nước trong khối ASEAN làm việc chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo bà Hà Thị Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - lao động của Việt Nam gặp bất lợi về ngoại ngữ, nhưng trong khối ASEAN lao động Việt Nam được đánh giá là những người làm việc chăm chỉ, thông minh. Vấn đề lớn nhất đối với lao động Việt Nam là tính kỷ luật, tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp. Văn hóa tự do, làm việc bốc đồng, ngoại ngữ kém, thích uống rượu, thích tụ tập vui vẻ của lao động Việt Nam đều không phù hợp với các quốc gia có nền văn hóa khác biệt.
“Lao động nam giới Việt Nam ngồi với nhau kiểu gì cũng bài bạc, rượu chè. Họ sang Malaysia làm cho chó mèo của người ta biến mất hết, ngay cả chim chóc cũng bị nấu thành cháo”, bà Hà Thị Minh Đức nêu thực trạng. “Không thể thay đổi được nếu như hệ thống dạy nghề và hệ thống giáo dục đào tạo của Việt Nam không biến chuyển. Chúng ta có đầu óc, chúng ta có khả năng thuyết phục người khác, chỉ có điều hệ thống giáo dục chưa làm làm thế nào để bản thân học sinh, sinh viên có suy nghĩ hiện đại hơn, có tư duy và tác phong làm việc chuyên nghiệp hơn, vấn đề này sẽ tác động rất lớn đến khả năng làm việc của lao động Việt Nam”.
Lao động Việt Nam tại một Trung tâm đào tạo lao động xuất khẩu (ảnh minh họa) |
Đó là vấn đề của lao động Việt Nam nói chung và lao động phổ thông nói riêng. Đối với vấn đề dịch chuyển lao động tự do có kỹ năng theo như thỏa thuận giữa các nước ASEAN, bà Hà Thị Minh Đức cho biết số lượng số ngành nghề đã đăng ký đạt tiêu chuẩn ASEAN đã có, nhưng số lượng người Việt đáp ứng đủ tiêu chuẩn vẫn dừng lại ở mức khiêm tốn.
Ảnh minh họa lao động Việt Nam tại một Trung tâm đào tạo lao động xuất khẩu.
Bà Đức đưa ra con số về công nhận kỹ sư và kiến trúc sư ASEAN, Brunei có 6 kỹ sư và 44 kiến trúc sư được công nhận trình độ ASEAN; Indonesia có 747 kỹ sư và 60 kiến trúc sư; Myanmar có 200 kỹ sư và 12 kiến trúc sư. Trong khi đó, Việt Nam có 196 kỹ sư và chỉ có 10 kiến trúc sư được công nhận trình độ ASEAN tính đến tháng 9/2016.
Đối với rào cản về ngoại ngữ, đây cũng được xem là bất lợi lớn của lao động Việt Nam, trong khi các nước Singapore, Malaysia, Brunei coi tiếng Anh là ngôn ngữ chính, nên bản thân họ đi sang nước của nhau đã là một lợi thế.
Hiệp định công nhận lẫn nhau trong danh mục 8 ngành nghề của ASEAN đã quy định cụ thể, nhưng cho đến nay số người Việt Nam đi ra làm việc tại các nước ASEAN theo diện này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khung tham chiếu trình độ ASEAN chia làm 8 bậc từ 1 đến 8. Theo đó, bậc 8 là tiến sỹ, bậc 7 là thạc sỹ, bậc 6 là kỹ sư, từ bậc 5 trở xuống là tay nghề thấp - cao - trung bình. Các nước ASEAN có thỏa thuận lẫn nhau theo một khung chung, còn việc công nhận khung tham chiếu trình độ tay nghề ASEAN lại có hàng nghìn khung tham chiếu.
Thái Lan có một số yêu cầu khắt khe hơn nên có khi trình độ bậc 6 của Thái Lan tương đương với bậc 7 của Việt Nam. Khi đàm phán song phương, hai quốc gia sẽ phải ngồi lại với nhau để đàm phán cụ thể với một khung chung là 8 bậc của ASEAN. Chẳng hạn, ngoài vấn đề về năng lực kỹ thuật, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều hàng rào khác khi dịch chuyển lao động có kỹ năng. Bác sỹ muốn vào làm việc tại Thái Lan phải biết tiếng Thái ở trình độ B2, đó sẽ là rào cản khiến các bác sỹ cho dù đã đạt trình độ ASEAN nhưng không biết tiếng Thái cũng đành... ngồi nhà.
Bà Hà Thị Minh Đức cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã mở cuộc điều tra chung về thị trường lao động đối với 8 ngành nghề của ASEAN. Chúng ta có thỏa thuận công nhận lẫn nhau, chúng ta có một số người đã được công nhận trình độ ASEAN nhưng nhu cầu của các nước như thế nào thì hiện nay vẫn chưa có đánh giá cụ thể.
(Theo Infonet)